Hảo công phu Hổ hình quyền

GD&TĐ - Trong phương pháp chữa bệnh của Hoa Đà có sử dụng sức mạnh của võ hổ. Người luyện võ hổ ngoài thân pháp dũng mãnh, cứng rắn lại đòi hỏi sự mềm dẻo, uốn lượn và sức bật.

Các võ sĩ phải mất từ 3 - 5 năm để học và tôi luyện cả đời để duy trì sự uy phong, lẫm liệt, sức mạnh vô biên của Hổ.

Từ tiêu trừ bệnh tật tới sức mạnh vô biên

Hảo công phu Hổ hình quyền ảnh 1

Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Võ thuật Hà Nội cho biết, nét đặc biệt về sự dũng mãnh, oai hùng của Hổ hình quyền không những bắt nguồn từ võ thuật mà còn bắt nguồn từ cả y thuật.

Danh y Hoa Đà thời Tam Quốc Diễn Nghĩa đã quan sát sự đấu tranh sinh tồn của các loại vật để tạo nên bài tập dưỡng sinh “Ngũ cầm hý” nổi tiếng để bồi bổ sức mạnh và chữa bệnh.

Ông cho rằng, việc bắt chước những đặc tính của 5 con vật: Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc sẽ tiêu trừ mọi bệnh tật. Nhờ vậy, con người khỏe mạnh mọi mặt trong cuộc sống để chống chọi với thiên nhiên, bệnh tật và mãnh thú.... Bởi Long là biểu hiện của thần kinh phải vững vàng. Xà là sự mềm dẻo trong cuộc sống. Hổ là sức mạnh. Báo là sự nhanh nhẹn. Hạc là sự vững chãi.

Đại Võ sư Lê Ngọc Quang cho biết, Hổ hình quyền (hổ quyền, võ hổ) là một bài quyền truyền thống bắt nguồn từ võ thuật Trung hoa. Các võ sư Thiếu Lâm Tự cũng đã tạo nên các bài quyền dựa trên các động tác mô phỏng của loài hổ với những tính chất dũng mãnh, cường bạo nhưng cũng uyển chuyển linh hoạt.

Đến nay, võ Hổ hầu như nước nào cũng có. Môn phái, võ phái nào cũng có bài về hổ. Bởi hổ không chỉ tượng trưng cho sức mạnh lớn nhất của các loại vật mà đặc biệt là sự uyển chuyển. Hổ cũng là loài vật phối hợp sức mạnh và sự uyển chuyển. Đây là điều kiện tối cần cho một võ sĩ.

Bản năng chiến đấu, sức mạnh và sự cường bạo của hổ đã được các nhà sư Thiếu Lâm coi đó là mẫu mực để noi theo rèn luyện võ thuật. Họ tin rằng, nếu như loài người học được, tập được các động tác của hổ thì sẽ tạo ra một sức mạnh vô biên, giúp chế ngự và bảo vệ được sự sinh tồn.

Nét đẹp hổ quyền

Hảo công phu Hổ hình quyền ảnh 2

Đại võ sư Lê Ngọc Quang cho biết, khó có thể kể hết các bài võ, thế võ của hổ trong các môn phái võ cổ truyền của Việt Nam chứ chưa nói đến trong dưỡng sinh và trong nghệ thuật... Các chiêu thức, đòn thế của hổ đã được các võ sư tổng kết, kế thừa thành bí kíp tinh hoa của võ học.

Với sự phát triển của võ thuật nói chung và võ hổ nói riêng qua hàng ngàn năm đến nay người ta không thể khẳng định võ hổ là của ai, bài võ và đòn thế do ai sáng tạo ra... Tại Việt Nam có khoảng 300 môn phái, võ đường đều có bài về võ hổ theo đặc trưng của từng môn phái.

Một số bài tiêu biểu mà hầu hết các môn phái đều sử dụng như: Hổ hạc song hình, Lão hổ thượng sơn, Song hổ vĩ côn, Hồi đàn hổ vĩ, Bạch Hổ khởi dông, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm, Mãnh hổ đả tứ môn...

“Hổ hạc song hình” là một bài rất tiêu biểu, kinh điển mà môn phái nào cũng tập. Bởi nó là kết hợp sức mạnh, sự uyển chuyển, sức bật gân cốt của hổ với sự vững chãi của hạc. Công thủ và cương nhu phối hợp nhuần nhuyễn. Đặc biệt, khi biểu diễn không chỉ có động tác, hình thể thể hiện mà kỹ thuật thở cũng phải phát triển để thể hiện sức mạnh và uy lực.

Khi thở phải phát ra những tiếng động với số lượng được quy định rõ theo thời khắc. Hơi thở có tiếng động là một nét đặc biệt quan trọng vì nó tạo ra sức bền bằng cách thúc ép tống xuất hết thán khí để thay bằng dưỡng khí cần thiết cho sự phát lực.

Bật ra hơi thở có tiếng động còn là cách giữ vững tinh thần ở độ cao, một yếu tố quan trọng khi cử động mạnh mẽ và chớp nhoáng.... Những người luyện được bài này là những võ sĩ có cấp bậc rất cao trong võ thuật.

Hổ Vĩ Thoái hoặc Hổ Vĩ Cước khi thực hiện kỹ thuật đá này phải giữ cho thân mình song song với mặt đất, hai cánh tay dang về phía trước... Song Hổ Vĩ Côn dùng sức mạnh của đuôi hổ để tạo nên những chiêu biến hóa khôn lường của côn pháp....

Hảo công phu Hổ hình quyền ảnh 3

Lão hổ thượng sơn là mãnh hổ lên núi. Đây là thế võ dùng tốc độ và lực của hai chân sau phóng lên, dùng 2 bàn chân trước (hổ trảo) như gọng kìm găm vào vùng mạng sườn của đối phương và răng hàm cắm vào cổ họng của đối phương. Các võ sư thì dùng hổ trảo găm chặt và xé rách yết hầu của đối phương.

Đây cũng là miếng đánh độc thủ của mãnh hổ có thể hạ gục cả những con vật to lớn hơn mình như trâu rừng, voi. Khi sử dụng hổ trảo thì không phải các ngón tay mà chính toàn thể bàn tay mới thực sự quan trọng. Đây là chiếc khóa để triển khai ngón tay, ức bàn tay và cả chân.

Võ sư cao cấp Đinh Trọng Thủy là Phó ban Chuyên môn Hội Võ thuật Hà Nội, Trưởng Võ phái Vịnh Xuân công phu Thăng Long. Ông cho biết, Hổ hình quyền khác biệt so với các hình quyền khác ở điểm chủ đạo là tạo một thể cốt mạnh mẽ vì hổ là con vật nhanh nhẹn và quyết liệt. Động tác tấn công của hổ được ví là động tác ép tới tạo áp lực mạnh, sức của hổ là một loại ngoại lực cương mãnh hung bạo.

Hổ quyền là tượng hình quyền của Võ thuật cổ truyền, yếu chỉ quyền pháp nhằm luyện gân cốt, chỉ lực cùng sự vững chãi, nhanh nhẹn, phát huy nội lực, để có sức bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt khi phát kình nội lực, lúc phát nội ngoại công.

Luyện võ hổ không chỉ nhằm phát triển uy lực mà còn nhằm biến đổi tình trạng gân, xương để tăng phần kiên mãnh cho cổ và sống lưng. Cổ và sống lưng để đạt tới mức bền dẻo, có khả năng căng ra đủ để phát nổi một ngoại lực cương mãnh.

Người luyện võ hổ có thể mềm dẻo như diễn viên xiếc nhưng lại có sức mạnh, sức bật giống như sợi chun co giãn. Sự linh hoạt, năng động có thể đối phó với đối phương ở cả trước mặt và sau lưng...

Võ hổ nói chung lấy luyện cốt (xương) là chính, khi luyện thì phải đẩy khí toàn thân, tay cứng hông thực, sức ở nách phải đầy đủ, một khí liến đủ, từ đầu chí cuối không lơi lỏng.

Thường dùng Hổ chưởng, lấy đốt phát kình, lấy khí tạo lực, thế quyền hung mãnh. Cổ, họng dùng kình cực kỳ mãnh liệt, phải nghiến răng mím miệng, mắt hổ hau háu thể hiện cho đầy đủ cái oai của hổ mạnh.

Không phải ai cũng luyện được võ hổ

Hảo công phu Hổ hình quyền ảnh 4

Võ sư Vũ Đình Minh, Trưởng võ đường Bát Tiên Quyền Nam Võ Đạo Công Phu cho biết, hổ là thể hiện sức mạnh và quyền uy với lối đánh càn lướt, tấn công dũng mãnh lên người được lựa chọn luyện võ hổ trước hết phải là người có tâm, đức, “nhân nghĩa, trí, dũng”... không được phép dùng sức mạnh của mình để tấn công người khác.

Hơn nữa, người tập võ hổ cũng phải là người có vóc dáng vạm vỡ, to khỏe... mới thể hiện được sức mạnh của hổ... Vì vậy, riêng việc lựa chọn được người tập luyện cũng đã khó, đó là chưa kể muốn luyện võ hổ thì bản thân người luyện đã phải là người thực sự giỏi võ, chuyên cần và chịu được gian khổ.

Các võ sư cho biết, muốn luyện công phu của võ, trước hết phải luyện được bộ tay, chân, và thân pháp chuẩn mức. Bởi kỹ thuật căn bản trong Hổ hình quyền là hổ trảo. Hổ trảo hình thành bằng cách quặp các ngón tay theo dáng của móng cọp.

Đây là một đòn tấn công thẳng, ngắn để kéo, bẻ, xé hoặc ép tới. Đích nhắm của Hổ trảo là mặt, cổ, háng, cánh tay hoặc cổ tay. Khi va chạm, ức bàn tay áp mạnh để giúp các ngón tay bấu chắc hơn, rồi bẻ quặt hoặc lôi thẳng xuống.

Để có được đôi bàn tay mà theo danh sư dạy võ hổ đã nói: “Kẻ nào tập võ hổ nếu để kẻ thù chạy thoát mà không để lại nắm da thì không phải là người học hổ quyền”. Hiện nay ít người tập được sức mạnh như vậy.

Huấn luyện viên Vũ Hoàng Nam, võ đường Bát Tiên Quyền Nam Võ Đạo Công Phu biểu diễn các chiêu thức của Hổ hình quyền.
Huấn luyện viên Vũ Hoàng Nam, võ đường Bát Tiên Quyền Nam Võ Đạo Công Phu biểu diễn các chiêu thức của Hổ hình quyền.

Nhưng để luyện được “hổ trảo” thì đòi hỏi người tập phải luyện tập đôi tay gian khổ từ 3 – 5 năm. Luyện đơn giản từ việc bóp đất nhào trong nước muối, đến bóp cát trong chảo rang nóng... rồi đấm tay vào đất, bóc vỏ thân gỗ cứng...

Tương tự như vậy đối với đôi chân và hình thể. Cái khó của luyện công phu võ hổ vừa luyện sức mạnh cứng rắn lại phải đi đôi với mềm dẻo. Việc tập luyện như vậy rất khó vì cứng, mạnh thì không thể dẻo, đó là sự trái ngược nhưng bắt buộc người luyện võ hổ phải làm được để đảm bảo sự cân bằng âm dương trong cơ thể.

Không dừng ở đó, khi đã luyện thành công vẫn đòi hỏi người võ sĩ phải tiếp tục rèn luyện hàng ngày bởi chỉ cần dừng lại không gian khổ luyện tập thì sự mềm dẻo hay sức mạnh cũng biến mất. Vì vậy hiện nay người luyện đến đỉnh cao của Hổ hình quyền cả về thân pháp, thủ pháp và cước pháp là rất hiểm.

Người giỏi võ phải có “cơ duyên”. Bởi ngoài việc yêu thích, phải có tố chất, năng khiếu và quan trọng nhất là “kiên trì khổ luyện”. Nhiều người yêu thích võ, nhưng không chịu được những “đòn” của võ thì không thể theo được.
Tập võ, để đạt được được những công năng võ thuật đều nhờ khổ luyện mà thành. Một võ sĩ thượng thặng là người trải qua tất cả mọi đau đớn, nhọc nhằn, bền bỉ nhất và giấc mơ của họ chính là những buổi tập khổ hạnh. Vì vậy, võ thuật chân chính không phải là thứ trang sức cho những kẻ hời hợt, sĩ diện và lười biếng.
Dù học võ đương nhiên phải biết (ra đòn), nhưng tinh thần tối thượng của võ đạo lại chính là để tu dưỡng thân tâm, để hành đạo nghĩa. Nói cách khác, tuyệt kỹ võ công, hay điều tối thượng của võ đạo chính là tình yêu thương, chứ không phải đòn thế hiểm độc nào…” – Võ Sư Lê Ngọc Quang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ