Vài công phu võ thuật đặc dị

GD&TĐ - Những công phu võ thuật được giới thiệu trong bài này nhằm giới thiệu thông tin để đông đảo bạn đọc bổ sung kiến thức, chứ hoàn toàn không nêu phương pháp tập luyện.

Ngọa hổ công.
Ngọa hổ công.

Từ thuở xa xưa, võ giới ở Trung Hoa cùng các quốc gia đồng văn, trong đó có Việt Nam, truyền tụng: “力不如拳,拳不如功/ Lì bùrú quán, quán bùrú gōng/ Lực bất như quyền, quyền bất như công”. Tục ngữ đó mang nghĩa: Người khỏe mạnh chẳng bằng người giỏi quyền thuật, nhưng người giỏi quyền thuật cũng chẳng bằng người thuần thục công phu.

Từ Kung fu đến Wushu

功夫 / công phu gọn hóa ra công, tức dành nhiều thời gian và sức lực nhằm rèn luyện theo phương pháp cần thiết để đạt các kỹ năng, kỹ xảo nhất định. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) nhận định vậy, huống hồ võ thuật.

Công phu cũng có nghĩa bản lĩnh, trình độ. Công phu còn là từ vựng dùng để diễn tả quyền thuật / võ thuật Trung Quốc, được các thứ tiếng phiên âm:

* Anh, Ý, Luxembourg, Ba Lan, Albania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ: Kung fu

* Pháp, Tây Ban Nha: Kung-fu

* Đức, Bồ Đào Nha: Kung Fu

“Shaolin Kung fu / Kung-fu / Kung Fu” là quyền thuật Thiếu Lâm.

Võ thuật (phồn thể: 武術; giản thể: 武朮) Trung Quốc hiện đại tổng hợp đòn thế nhiều môn phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Không Động... tạo nên Wushu.

Mấy công phu cổ truyền dưới đây được phiên âm Hán - Việt từ tiếng Hoa, yêu cầu mỗi ngày tập 2 lần dẫu nắng hay mưa, mỗi tuần (7 hoặc 10 ngày) có thể nghỉ giải lao 1 ngày, thời gian tập dài hạn – tính theo đơn vị năm. Thuộc dạng đặc dị, có những công phu không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe người tập, mà chẳng thích hợp trong thời hiện đại, thậm chí lắm chi tiết vô lý. Vì vậy, quý bạn đọc tham khảo để nắm thông tin, chứ đừng tập luyện. Bài này cũng không liệt kê các phương thuốc uống và xoa bóp tương ứng mỗi công phu. 

Ngọa hổ công

Ngọa hổ là cọp nằm. Đây là trò hít đất có đặt vật nặng trên lưng.

Vật nặng có thể tảng đá; có thể bao đựng cát, sau thay bằng kim loại để tăng trọng.

Hít đất rất nhiều cách. Đôi chân bình thường, rồi chỉ dùng một chân. Tì mặt đế thì xòe 2 lòng bàn tay, rồi dùng 2 nắm đấm, rồi chống mỗi tay bằng 4 ngón, 3 ngón, cuối cùng chỉ 2 ngón cái và trỏ.

Long qua công

Long qua là móng vuốt của con rồng. Công phu này chia làm 2 biện pháp, gọi là âm và dương.

Long qua công dương buộc người tập chuẩn bị sẵn hũ đất nung, sành, sứ, hoặc thủy tinh, chứa đựng những thứ có thể tăng dần sức nặng, như cát, đá, rồi kim loại. Đôi bàn tay xòe đầu ngón tay, bấu chặt miệng hũ, 2 tay bấu 2 hũ, nhấc lên cao, đặt khẽ xuống, nhiều lần.

Sau thời gian dài lâu rèn long qua công dương, người tập triển khai thêm long qua công âm là mỗi bình minh, rùng trung bình tấn, vận khí xuống đan điền, đôi bàn tay liên tục xòe ngón bấu mặt trời. Nếu trời mưa, người tập vẫn phải tưởng tượng mặt trời lên mà rèn luyện.

Công phu này giúp võ sĩ sử dụng cầm nã thủ đạt hiệu quả. Cầm là bắt, giữ. Nã là véo, bấm, cấu, cào. 

Điểm thạch công.
Điểm thạch công.

Điểm thạch công

Điểm thạch là dùng đầu 2 ngón tay trỏ và giữa chĩa thẳng vào tường đá, mục đích đào tạo chuyên gia điểm huyệt.

Công phu này trải qua lắm giai đoạn. Thoạt tiên, người tập chĩa 2 đầu ngón tay, tay trái rồi tay phải, vào cát, rồi cát trộn bột sắt. Nếu dùng lòng, mu và cạnh bàn tay tác động vào cát trộn bột sắt thì lại là công phu tương tự, mang tên thiết sa chưởng.

Kế tiếp, người tập chĩa đầu 2 ngón tay trỏ và giữa vào gỗ, sau cùng vào vách đá.

Dùng đầu ngón tay chĩa thẳng vào vật cứng chắc chắn bị ngành y sinh học hiện đại phản đối, vì quá nguy hại cho sức khỏe và tính mạng con người.

Siêu cự công

Siêu là nhảy vọt. Cự là chiều cao.

Đào hố, sâu 1 cánh tay, đáy rộng đủ 2 người đứng. Người tập đeo vật nặng sau lưng, nhảy từ miệng hố xuống, rồi từ đáy nhảy lên miệng hố.

Theo thời gian, hố được đào sâu thêm, vật nặng càng tăng trọng, mỗi lần tập số lần nhảy nhiều hơn.

Khinh thân công

Khinh là nhẹ. Thân là toàn bộ cơ thể gồm đầu, mình, tứ chi, kể luôn áo quần, giày dép cùng vật dụng mang theo. Lắm phen khinh thân công gọn hóa thành khinh công. Công phu này chia làm 2 biện pháp, gọi là thượng / trên và hạ / dưới.

Khinh thân công thượng đòi hỏi sắm chậu sành to, thân mỏng, miệng có rìa dày cỡ một lóng ngón tay giữa. Đặt chậu trên mặt đế vững chắc như nền gạch chẳng hạn, lòng chậu chứa lượng cát đủ cho người tập đứng bằng 2 chân trên rìa miệng chậu thì chậu không nghiêng ngã. Rồi người tập chống đôi tay vào thắt lưng, hít thở sâu và đều, dồn khí xuống đan điền, đi quanh miệng chậu nhiều vòng. Dần dần múc bớt cát trong chậu, đến lúc chậu không còn cát mà người tập vẫn đi được trên miệng chậu mà chậu không ngã nghiêng là đạt yêu cầu giai đoạn đầu.

Giai đoạn kế tiếp là khinh thân công hạ. Tạo một đoạn đường trên mặt đất, có mái che để rèn luyện thoải mái lúc thời tiết xấu. Đường đó được rải đá cuội, người tập di chuyển bằng chân trần và bằng giày thế nào để hết nghe tiếng đá phát âm thanh vì bị va chạm. Sau đó, sách xưa ghi rằng thay đá cuội bằng than vụn, đoạn thay than vụn bằng cát mịn, người tập đi qua về mà chẳng lưu dấu chân. Cứ như… phim.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ