Hành vi đột kích của chim ác là khiến nhiều người sợ hãi

Những cú đột kích từ trên cao của chim ác là có thể gây mù mắt hoặc chảy máu đầu cho bất kỳ người nào đến gần tổ của chúng.

Hành vi đột kích của chim ác là khiến nhiều người sợ hãi

Geoff Maslen cảm thấy có vật gì đó đụng trúng đằng sau mũ bảo hiểm khi đang đạp xe tới phòng tập gym vào ngày mùa xuân đẹp trời ở Melbourne, Australia. Lúc đầu, cảm giác này khiến ông bối rối bởi trời không mưa. Sau đó, Maslen nhận ra một con chim ác là đang tìm cách chọc mạnh mỏ vào sau mũ bảo hiểm của ông.

Ông không mấy ngạc nhiên. Những màn đột kích của chim ác là thường xuyên xảy ra trên khắp Australia trong hai tháng mùa xuân là tháng 9 và tháng 10. "Một con chim ác là khác tấn công bạn tôi, nhưng nó nhận ra chiếc mũ bảo hiểm trên đầu anh ấy rất chắc chắn, vì vậy nó kéo rách tai bạn tôi khi bay ngang qua và anh ấy bị chảy máu đầy đầu", Maslen kể lại.

Ở đất nước nổi tiếng với những loài động vật hoang dã nguy hiểm, từ cá mập tới nhện và rắn, loài vật khiến người dân Australia sợ hãi nhất lại là loài chim màu trắng và đen chỉ dài hơn 30 cm. Chỉ tính riêng mùa xuân năm nay, số vụ đột kích của chim ác theo ước tính là 3.000 vụ, chủ yếu từ tháng 8 đến giữa tháng 10, gây thương tích cho khoảng 400 người, theo website cộng đồng Magpie Alert.

Hồi tháng 9, một em bé ở thành phố Perth suýt bị chim ác là chọc mù mắt khi con chim lao xuống tấn công vào mặt đứa trẻ ngồi trong xe đẩy. Cũng trong tháng này, một phóng viên ở Melbourne chia sẻ ảnh chụp máu chảy ròng ròng trên mặt sau khi va chạm với con chim giận dữ không biết từ đâu bay tới.

Dù gây ra nhiều thương tích và gieo rắc nỗi sợ hãi mỗi năm, chim ác là vẫn là một trong những loài chim được yêu quý nhất tại Australia. "Chúng là loài chim đặc biệt thu hút. Chúng rất duyên dáng, rất thông minh và đôi khi có thể kết bạn, đặc biệt với những người cho chúng ăn", Maslen nói.

Chim ác là Australia không có họ hàng với loài chim ở châu Âu, theo Gisela Kaplan, giáo sư danh dự tại Đại học New England ở đông nam Australia. Kaplan đã nghiên cứu hành vi của chim ác là suốt hàng thập kỷ. Bà cho rằng chim ác là có thể hình thành tình bạn lâu dài với con người nếu chúng được đối xử đúng.

"Đột kích thực tế là hành vi rất phổ biến ở mọi loài chim. Lý do mọi người thường không để ý tới là hầu hết chim biết hót đều nhỏ đến mức nếu chúng nhào xuống, mọi người cũng không biết", Kaplan giải thích.

Phần lớn các cuộc đột của chim ác là được thực hiện bởi chim đực nhằm tự vệ, khi chúng cho rằng một người qua đường xa lạ hoặc nguy hiểm tới quá gần tổ.

Theo Kaplan, hành vi đột kích chỉ là cảnh báo để làm người lạ mặt tránh xa, không phải tấn công có chủ ý. "Chúng có thể nhào xuống vài lần để chỉ cho mọi người "Bạn đến hơi gần tổ của tôi" và nếu mọi người không đáp lại, chúng có thể ghé sát đầu họ hơn hoặc thậm chí va chạm", Kaplan cho biết.  

Loài chim không muốn đụng độ với con người để tránh cho bản thân bị thương. "Chim ác là không hào hứng với việc va chạm. Nó có thể bị gãy cổ", Kaplan nhấn mạnh.

Mỗi mùa xuân trên khắp Australia, biển cảnh báo xuất hiện trên cột đèn và buồng điện thoại trên đường để cảnh báo người đi bộ khi họ chuẩn bị tiến vào khu vực làm tổ của chim ác là, ví dụ "Hãy đi nhanh qua khu vực nhưng đừng chạy", "Hãy đội mũ hoặc che ô", "Người đi xe đạp hãy xuống xe và dắt bộ".

Tình trạng phát quang đất và đô thị hóa gia tăng đã dồn chim ác là tới những khu vực nhỏ đông dân hơn. "Bạn có thể tới vài địa điểm trên đường cao tốc hoặc nơi đông người mà tiếng ồn và chuyển động xe cộ làm chim ác là choáng ngợp", Kaplan nói.

 
Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ