Thành quả quan trọng
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Lào Cai, giai đoạn 1991-2000, công tác xóa mù chữ (XMC) được đẩy mạnh trở thành phong trào rộng khắp, tập trung vào XMC trong độ tuổi 15-25. Kết quả đến năm 2000 đã nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-25 từ 36,2% năm 1991 lên 90,2% năm 2000.
Giai đoạn 2001-2010, Lào Cai tiếp tục mở rộng XMC trong độ tuổi 15-35 và đạt quả đạt 94% người biết chữ trọng độ tuổi 15-35, trong đó có 98% người biết chữ trong độ tuổi 15-25, 90% người biết chữ trong độ tuổi 26-35...
Lào Cai đã và đang triển khai thực hiện Kế hoạch số 193/KH về Đề án Xây dựng xã hội học tập tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2013-2020, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2020 có 94% người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ.
Và theo Quyết định số 1822/QĐ-UBND, Lào Cai thực hiện xóa mù chữ cho 12.500 người; tỷ lệ người được xóa mù chữ (biết chữ) đạt 94 %.
Trong đó, tỷ lệ người trong độ tuổi 15-35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1: 98,59% ; Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 được công nhận biết chữ đạt chuẩn biết chữ mức độ 2: 96,38%
Số xã đạt chuẩn mức độ 1 là 1 xã, mức độ 2 là 151 xã, phường, thị trấn; số huyện đạt chuẩn mức độ 2 là 9/9 huyện, thị xã, thành phố...
Thách thức từ công tác xóa mù
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai - ông Nguyễn Thế Dũng, bên cạnh thành quả quan trọng thì công tác XMC của Lào Cai còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Cụ thể phần lớn các lớp học XMC hiện nay do các trường tiểu học đảm nhận; các địa phương nhận thức chưa đầy đủ vai trò của TTHTCĐ và TTHTCĐ cũng chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ, chưa chủ động triển khai nhiệm vụ mở các lớp XMC trên địa bàn.
Công tác huy động, duy trì số lượng, tỷ lệ chuyên cần tại một số xã, thôn gặp nhiều khó khăn. Có nơi tỷ lệ chuyên cần chưa đảm bảo. Thời gian học các lớp XMC chủ yếu vào buổi tối nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác duy trì tỷ lệ chuyên cần của học viên.
Mặt khác, tại Lào Cai nơi có nhiều người mù chữ lại thuộc những vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, địa bàn bị chia cắt bởi núi rừng, dân cư sống phân tán, giao thông không thuận lợi, tỷ lệ hộ đói nghèo cao; bà con DTTS với nhiều cách thức sinh sống còn mang hủ tục, lạc hậu.
Đối tượng người học là người lớn tuổi, đồng bào DTTS, phải đi làm ăn xa, học buổi tối... ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy và học tập dẫn tới thời gian nghiệm thu các lớp kéo dài; tỷ lệ tái mù chữ trong độ tuổi 15-45, người DTTS, nữ DTTS mù chữ cao.
Đáng lo ngại, người mù chữ chủ yếu là người lớn tuổi, lao động chính trong gia đình, thuộc hộ nghèo, nhận thức về lợi ích của việc học tập còn hạn chế nên việc huy động các đối tượng này đi học gặp nhiều trở ngại, nhất là những vùng sâu, vùng xa, đồng bào sống du canh, du cư, không tập trung.
Đội ngũ CBQL, GV chuyên trách GDTX nói chung còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một số GV dạy XMC còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm, hạn chế về phương pháp cho đối tượng người lớn. Vẫn còn hiện tượng người dân tộc tái mù chữ cao do học xong không sử dụng tiếng Việt.
Chuyển biến công tác xóa mù
Để công tác XMC thời gian tới tại Lào Cai phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Thế Dũng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết thời gian tới sẽ thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp.
Trước hết, Lào Cai sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cả hệ thống chính trị, người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và cùng tham gia thực hiện các nhiệm vụ...
Ngành Giáo dục sẽ giữ vai trò chủ đạo trong tham mưu, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; CBQL giáo dục, GV phải nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc tham mưu phối hợp và tổ chức thực hiện;
Lào Cai cũng xác định nâng cao nhận thức và năng lực, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết cho đội ngũ là yếu tố quyết định cho sự thành công của PCGD, XMC và đổi mới giáo dục đào tạo.
Mặt khác sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, xây dựng đội ngũ GV đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, huy động mọi nguồn lực kịp thời phục vụ các hoạt động PCGD, XMC. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ bám sát yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, lĩnh vực;
Và đặc biệt quan trọng, sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra với các nhiệm vụ. Tổ chức tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khen thưởng, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ PCGD, XMC…