“Trái ngọt” giáo dục vùng cao
Ông Lê Mạnh Trường – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: Từ tháng 12/2013, Lào Cai đã trở thành tỉnh thứ 7 trong toàn quốc được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi. Kết quả này không chỉ hoàn thành trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV mà còn đạt và vượt mục tiêu trình Chương trình hành động 117-CtrTU đã đề ra.
Có thể thấy, tới nay tại Lào Cai mạng lưới trường lớp được mở rộng và tăng lên đã đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ em đến trường lớp của nhân dân. Tính đến tháng 9/2020 toàn tỉnh có 203 trường (trong đó 195 trường mầm non; 8 trường liên cấp MN, TH&THCS);
Đáng mừng đã có tới 2.332 nhóm, lớp (trong đó công lập là 2.118, tư thục: 214); 58.701 trẻ em (nhà trẻ: 9.267, mẫu giáo: 49.434); lớp mẫu giáo 5 tuổi là 1.127 lớp, 16.416 trẻ, đạt 99,8%. Tỷ lệ huy động nhà trẻ tăng 11.5%, mẫu giáo tăng 13.6%, riêng mẫu giáo 5 tuổi tăng 0.8%.
Cũng theo đánh giá chung của ngành giáo dục Lào Cai, chất lượng giáo dục mầm non ngày càng được củng cố, vững chắc, nhất là tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả PCGDMN trẻ 5 tuổi được duy trì ở 152/152 xã, phường, thị trấn; tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ, mẫu giáo đều vượt kế hoạch…
Để có được kết quả này, ông Nguyễn Thế Dũng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: Hàng năm, Ban chỉ đạo PCGD các cấp huyện, xã đều tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động PCGDMN trẻ 5 tuổi; hướng dẫn các đơn vị kiểm tra, rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Mặt khác, Lào Cai cũng bổ sung, hoàn thiện chính sách và bảo đảm các điều kiện cần thiết hỗ trợ bậc mầm non phát triển bền vững; nâng dần tỉ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi được học mẫu giáo; thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày…
Công tác giáo dục được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc. Các chính sách từ Trung ương và địa phương đã hỗ trợ tổ chức thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ tích cực.
Đã nâng cao chất lượng bữa ăn và đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần, từng bước giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thực hiện chương trình GDMN theo Thông tư 28/TT-BGD&ĐT...
Kinh nghiệm “phá” rào cản
Thẳng thắn nhìn vào hành trình 10 năm triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai đã chỉ ra những hạn chế cần tháo gỡ.
Trước hết, tại một số thời điểm Ban Chỉ đạo PCGD ở một số xã chưa thật sự quyết liệt, thiếu biện pháp cụ thể để thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng PCGDMN trẻ 5 tuổi.
Kinh phí đầu tư cho cấp học mầm non dù đã được quan tâm song chưa đảm bảo đáp ứng đầy đủ các mục tiêu phát triển giáo dục mầm non. Một số nơi ở các xã vùng cao do địa hình phức tạp, đồi núi, độ dốc lớn nên quy hoạch trường, điểm trường gặp khó khăn.
Diện tích trường, lớp học, sân chơi; thời tiết khắc nghiệt, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất diễn ra trong nhiều ngày ở một số địa phương cũng ảnh hưởng lớn đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời...
Chất lượng dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ vùng cao, vùng dân tộc thiểu dù đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu để phát triển thể lực cho trẻ.
Theo ông Nguyễn Thế Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này. Ví như, nhận thức về GD&ĐT của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số xã vùng cao chưa đầy đủ nên thiếu quyết tâm, chỉ đạo chưa sâu sát, thiếu quyết liệt cụ thể.
Tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của nhân dân về việc học tập của con em chưa đầy đủ; đồng thời một số tập quán lạc hậu, đặc biệt là tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và người lớn bỏ đi khỏi địa phương vẫn còn tái diễn cũng là nguyên nhân đáng kể.
Đặc biệt, gần đây dịch Covid 19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giáo dục nói chung và công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi nói riêng…
Theo thông tin của Sở GD&ĐT Lào Cai, giai đoạn 2011-2019 do vùng khó khăn không có chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ nên tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi này chưa đạt kế hoạch.
Mục tiêu cho tương lai
Với quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng PCGDMN trẻ 5 tuổi, ngành giáo dục Lào Cai đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030.
Về tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ sẽ đạt 30%, trẻ mẫu giáo đạt 98%, trong đó riêng trẻ 5 tuổi đạt 99%;
Chuẩn hóa giáo dục vùng cao; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em 5 tuổi người dân tộc thiểu số; chuẩn bị điều kiện cho trẻ trước khi vào lớp 1.
Ông Nguyễn Thế Dũng cũng cho biết thời gian tới ngành GD&ĐT Lào Cai sẽ quyết liệt triển khai một số hành động để đảm bảo mục tiêu củng cố, duy trì vững chắc, nâng cao chất lượng và phát huy kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.
Ngành GD&ĐT Lào Cai cũng đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ bổ sung biên chế cho các tỉnh miền núi theo thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDMN công lập.
Bởi như vậy sẽ đảm bảo thực hiện CT GDPT mới và nâng cao chất lượng PCGDMN trẻ 5 tuổi, chuẩn bị các điều kiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi; tham mưu, trình Chính phủ Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi giai đoạn 2021-2025…