Gần nửa thế kỷ sau, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao của Liên Xô tặng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng Nhất, Kỷ niệm chương chiến thắng phát xít Đức cho chiến sĩ Vương Thúc Tình cùng 4 người khác.
Nhưng một nhầm lẫn từ tên Vương Thúc Tình thành Vương Thúc Bình khiến việc truy tặng danh hiệu bị treo lại. Cụ Tình hy sinh khi cuộc chiến vệ quốc chưa hoàn thành. Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, duy nhất Huân chương, Kỷ niệm chương cho người chiến sĩ Hồng quân người Việt Nam này vẫn “treo” trên giấy. Dù đã có rất nhiều nỗ lực của ban ngành địa phương cũng như mong mỏi suốt hơn 30 năm qua của gia đình...
Mong ngóng bằng Tổ quốc ghi công
Ông Vương Hoàng Lịch (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) là cháu đích tôn, đang thờ cúng cụ Vương Thúc Tình. Chẳng còn di vật nào, thời gian cũng khiến ký ức về ông bác mờ nhạt, xa xôi. “Trong gia tộc, ông nội tôi là em ruột của ông Tình. Nội qua đời, cha cũng mất rồi, đến tôi đã là đời cháu, kế tục việc thờ tự. Ông Tình đi theo Bác Hồ từ khi còn trẻ, chưa có gia đình. Biền biệt nhiều năm, bặt vô âm tín. Các cụ xác định ông Tình đã mất, nên lập bàn thờ cúng vọng...”, ông Vương Hoàng Lịch ngậm ngùi.
Theo lời ông Lịch, làng Kim Liên có nhiều nhà Nho nghĩa khí. Bấy giờ, những người trai sinh ra đều sớm được giáo dục, hun đúc lòng yêu nước, ý chí chống ngoại xâm. Các bậc cao niên trong dòng họ từng kể, cụ Vương Thúc Tình là học trò bí mật của Bác Hồ và sớm theo Người hoạt động cách mạng. Nhưng đi đâu, làm gì không ai hay biết. Kể cả cụ mất như thế nào, ở đâu vẫn là câu hỏi.
“Về sau, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tìm đến nhà tìm hiểu danh tính, xuất thân của ông Tình, phục vụ hội thảo. Khi đó, chúng tôi mới được biết ông từng sang tận nước Nga, tham gia vào lực lượng Hồng quân. Cảm xúc khi đó bất ngờ và tự hào lắm. Nhưng cho đến giờ, ông Vương Thúc Tình vẫn chưa được công nhận bất cứ danh hiệu gì”, người cháu đích tôn kể.
Ông Lịch cũng cho hay, gia đình có nhận nhiều văn bản của cơ quan chức năng cấp tỉnh, Trung ương về kết quả xác minh cụ Tình tham gia nhiệm vụ quốc tế tại Liên Xô. Nhưng việc truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công còn vướng mắc, chưa được giải quyết. Gia đình chỉ biết chờ đợi và mong ngóng...
Hơn 30 năm “gõ cửa”sửa sai tên cho liệt sĩ quốc tế
Theo ông Hoàng Đức Lạc (73 tuổi, nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt – Xô tại Nghệ An), việc “tìm ra” cụ Vương Thúc Tình phải kể đến cựu Phó Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh – Phan Xuân Thành.
Năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống chủ nghĩa phát xít Đức (1941 - 1945), Đài Phát thanh Matxcơva – Ban Tiếng Việt phát động cuộc thi tìm hiểu về Hồng quân Xô Viết… Thời điểm này, ông Phan Xuân Thành gửi bài dự thi “Vương Thúc Tình chiến sĩ cách mạng Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố Matxcơva – mùa đông 1941”.
Sau bài viết, Hội Hữu nghị Liên Xô – Việt Nam và các nhà nghiên cứu lịch sử của 2 nước đã tìm hiểu, xác nhận thêm 4 chiến sĩ quốc tế người Việt Nam tham gia chiến đấu trên tuyến phòng thủ Matxcơva mùa đông năm 1941. Đó là các ông Vương Thúc Thoại (bí danh Lý Thúc Chất, SN 1910); ông Nguyễn Sinh Thản (bí danh Lý Nam Thanh, SN 1908); ông Hoàng Thế Tư (bí danh Lý Anh Tạo, SN 1910) cùng quê ở xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An - thuộc Trung đoàn quốc tế OMCBON. Còn cụ Phan Lê Chân (bí danh Lý Phú San, SN 1900, quê ở Hà Sơn Bình nay thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) phục vụ trong quân y viện của một đơn vị Hồng quân Liên Xô vùng ngoại ô Matxcơva.
Từ kết quả trên, ngày 12/12/1986, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô có quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng Nhất, Kỷ niệm chương chiến thắng phát xít Đức cho 5 chiến sĩ người Việt Nam này “Vì lòng dũng cảm và gan dạ trong các cuộc chiến đấu chống bọn phát xít Đức xâm lược trên tuyến phòng thủ thành phố Matxcơva”.
Sau khi sắc lệnh này gửi về Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng cũng có Quyết định trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 5 gia đình liệt sĩ tham gia bảo vệ Maxtcơva. Ngày 27/7/1987, cơ quan chức năng tổ chức Lễ truy điệu và truy các danh hiệu vinh dự trên cho các chiến sĩ. Nhưng duy nhất chiến sĩ tên Vương Thúc Bình bị “treo” lại, do không tìm thấy người nào với thông tin cá nhân, gia đình, địa chỉ, quê quán trùng khớp.
Năm 1988, tại Hội thảo khoa học: “Những học trò của Bác Hồ đã sống, học tập, chiến đấu tại Liên Xô trước năm 1945”, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã giao Hội Hữu nghị Việt - Xô Nghệ Tĩnh lập nhóm nghiên cứu, xác minh về ông Vương Thúc Bình. Qua nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi với nhân chứng, tìm tòi cứ liệu lịch sử khẳng định, người được ghi tên Vương Thúc Bình chính là Vương Thúc Tình. Cụ có tên thật là Vương Thúc Liễn, SN 1903, quê ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Cha là Vương Thúc Độ, mẹ là Hoàng Thị Đàm - chị em con bác, con chú với bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ.
Vương Thúc Liễn là một trong những học trò bí mật của Nguyễn Ái Quốc, xuất dương sang Thái Lan cùng dịp với Lê Hồng Phong. Năm 1925, ông sang Trung Quốc được Bác Hồ đặt tên là Vương Sĩ và gửi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Sau đó, tiếp tục được Bác gửi sang Liên Xô đào tạo và trở thành người chiến sĩ trong trung đoàn quốc tế bộ binh cơ giới đặc biệt (OMCBON) trên tuyến phòng thủ thành phố Matxcơva.
Đầu xuân năm 1943, Vương Thúc Tình nhận lệnh trở về Việt Nam nhưng khi đi qua Nam Kinh - Trung Quốc bị lực lượng đối địch bắt và hi sinh. Từ những cứ liệu lịch sử này, năm 1993, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An giao Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt - Xô Nghệ An tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng Nhất, Kỷ niệm chương chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức, Bằng Tổ quốc ghi công cho gia tộc cụ Vương Thúc Tình. Tuy nhiên, buổi lễ này không thể thực hiện được.
Ông Lạc cho hay: “Nguyên nhân do hồ sơ về cụ Vương Thúc Tình qua nhiều năm bị thất lạc. Trong khi các danh hiệu khác ghi Vương Thúc Bình không thể trao cho gia đình vì sai tên. Từ đó đến nay, chúng tôi gửi nhiều văn bản để sửa tên, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công và trao các danh hiệu cho gia đình cụ Tình nhưng vẫn chưa thành”.
Không thể lãng quên người có công
Năm 2020, Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam có công văn gửi 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đề nghị xác minh, giải quyết chế độ, chính sách đối với các chiến sĩ tham gia bảo vệ Matxcơva trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong đó, cụ Vương Thúc Liễn – do nhầm lẫn tên Vương Thúc Tình với Vương Thúc Bình nên chưa được Thủ tướng cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”. Tổng cục Chính trị đề nghị chính quyền địa phương rà soát, xác nhận, báo cáo với Bộ LĐ-TB&XH xem xét trình Thủ tướng công nhận liệt sĩ.
Khi nhận được công văn này, UBND tỉnh Nghệ An đã xác minh và có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH. Trong đó nêu rõ: Thân nhân gia đình đồng chí Vương Thúc Liễn (bí danh Vương Thúc Tình) đã cung cấp tài liệu gồm Sắc lệnh Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô và bản dịch. Trong bản dịch có tên 1 chiến sĩ là Vương Thúc Tình. Tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ xem xét, giải quyết chế độ chính sách với chiến sĩ Vương Thúc Liễn (bí danh Vương Thúc Tình).
Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản phúc đáp UBND tỉnh Nghệ An: “Trường hợp tham gia đóng góp cho phong trào cách mạng của các quốc gia khác mà không thuộc diện được cử làm nghĩa vụ quốc tế thì không thuộc diện xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công hiện hành”.
Ông Lạc cho rằng, cơ sở để Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình 5 liệt sĩ là Sắc lệnh của Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô. Nhưng Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng năm 1987 có tên Vương Thúc Bình mà không phải Vương Thúc Tình. Trong khi đó, hơn 30 năm qua, tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều hội thảo, khẳng định tên Vương Thúc Tình mới đúng. “Nếu không sửa lại tên và không có Bằng Tổ quốc ghi công nào cho cụ Vương Thúc Tình, thì đó là điều đáng tiếc, thiệt thòi lớn cho gia đình”, ông Lạc trăn trở.
Cũng vì những vướng mắc trên, mà suốt hơn 30 năm qua, con cháu cụ Vương Thúc Tình vẫn chờ đợi. “Gia đình tôi chỉ có 1 nguyện vọng là ông Tình được nhận danh hiệu đúng với quá trình hoạt động cách mạng, tham gia nghĩa vụ quốc tế rồi hi sinh khi làm nhiệm vụ. Để thế hệ con cháu biết rằng trong dòng họ có một liệt sĩ quốc tế mà nhớ ơn, tự hào”, ông Vương Hoàng Lịch nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Châu – Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH Nghệ An) - thông tin: “Sở không có hồ sơ của ông Vương Thúc Tình, vì thế không có cơ sở để giải quyết việc này”.
Trong dịp kỷ niệm 75 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1945 - 2020), có 7 chiến sĩ Việt Nam từng tham gia Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống phát xít Đức đã được trang trọng đưa vào cơ sở dữ liệu của tổ hợp bảo tàng “Con đường tưởng niệm”.
Trong số này, 5 ông Lê Phan Chân, Vương Thúc Thoại, Vương Thúc Liễn, Hoàng Thế Tư và Nguyễn Sinh Thản đã được Nhà nước Xô Viết tặng thưởng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng Nhất theo Quyết định của Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô ngày 12/12/1986. Ngoài ra, họ còn được truy tặng Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng.