Cách đây tròn 54 năm, vào ngày 19/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho Trường THCS Nam Liên (nay là Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) vì có nhiều thành tích xuất sắc trong dạy học. Đó cũng là món quà cuối cùng của Bác trước lúc đi xa, với dòng nhắn nhủ: “Bác mong các cô giáo, thầy giáo dạy thật tốt, các cháu học trò học thật tốt”.
Nhưng sau nhiều năm, trường học sơ tán, sửa chữa, sáp nhập… món quà vô giá của Bác bị thất lạc, để lại nỗi tiếc nuối, day dứt đối với thế hệ thầy và trò…
Món quà Bác tặng cho ngôi trường quê hương
“Tại sao lại chỉ một mình tôi miệt mài đi tìm lại ảnh Bác? Vì những người từng công tác tại trường và nhận món quà của Bác năm 1969, nay chỉ mình tôi còn sống. Nếu tôi không đi tìm, thì không còn ai biết, không ai nhận ra món quà ý nghĩa mà Người đã tặng cho ngôi trường cấp trên quê hương Kim Liên, Nam Đàn”, NGƯT Hoàng Nguyên mở đầu câu chuyện.
Thầy Hoàng Nguyên – nguyên là phó Hiệu trưởng Trường cấp 2 Nam Liên (nay là Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), công tác tại trường từ năm 1965 đến lúc về hưu. Năm nay thầy đã 92 tuổi, thời gian, kể cả nỗi đau thể xác do bom đạn chiến tranh để lại vẫn không lấy đi sự minh mẫn, trí nhớ của thầy về những sự kiện đặc biệt trong cuộc đời…
Bức chân dung Bác Hồ tặng cho Trường Cấp 2 Nam Liên vào dịp sinh nhật của Người 19/5/1969 được khôi phục lại như bản gốc. |
Theo lời cựu nhà giáo, ngày 19/5/1969, Bác Hồ đã tặng bức chân dung của Người cho Trường Cấp 2 Nam Liên, kèm lời nhắn nhủ: “Bác mong các cô giáo dạy tốt. Các thầy giáo dạy tốt. Các cháu học tập thật tốt”.
Kèm tấm ảnh là bức điện với nội dung: Tập thể cô giáo, thầy giáo và học trò trường cấp II, xã Nam Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Tập thể giáo viên Nam Liên 4 năm liền được công nhận tổ lao động xã hội chủ nghĩa, Trường Nam Liên có nhiều học trò giỏi được Bác Hồ khen.
Tuy nhiên, đất nước những năm tháng đó giao thông còn khó khăn, chia cắt. Bức ảnh được chuyển về cho tỉnh ủy Nghệ An, sau đó mới được bàn giao về cho trường Cấp 2 Nam Liên. Đến khi món quà về tới trường, cũng là ngày cả nước nhận tin Bác đi xa mãi mãi. “Ngày ấy ảnh Bác hiếm lắm! Bức chân dung Bác tặng đã được nhà trường gắn băng đen để làm lễ truy điệu Người. Buổi lễ có Ban Giám hiệu, cán bộ giáo viên nhà trường, và khoảng hai chục học sinh là con cháu của dòng họ Nguyễn Sinh cùng tham dự”, thầy Hoàng Nguyên vẫn nhớ rõ ký ức đặc biệt ấy.
Sau buổi lễ, bức ảnh được nhà trường treo trang trọng trong phòng hội đồng, thầy là người thường xuyên chỉnh trang, lau bụi, giữ gìn cẩn thận. Trong nhiều buổi chào cờ đầu tuần, hoặc các ngày lễ quan trọng, bức ảnh cũng được đưa xuống để thực hiện nghi thức. Qua đó nhắc nhở học sinh về truyền thống đáng tự hào của trường, để cả thầy và trò cùng phấn đấu dạy học, xứng đáng với ngôi trường trên quê hương Bác.
Nhà giáo Hoàng Nguyên với hành trình gần 10 năm đi tìm lại hình của Bác. Ảnh: Hồ Lài. |
Trong giai đoạn 1970-1975, trường từng đón 2 cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ Hà Nội vào xin phép đưa bức chân dung của Bác về bảo tàng để xác minh và lưu làm hồ sơ lưu kỷ vật. Sau đó, bảo tàng xác nhận bức chân dung đúng là của Bác Hồ tặng cùng bút tích của Người phía dưới, đồng thời trả lại món quà về cho nhà trường.
Ngôi trường cấp 2 trên quê hương Bác cũng có nhiều đổi thay, Trường THCS Nam Liên được sáp nhập với Trường THCS Nam Chung trên địa bàn, đổi tên thành Trường THCS Kim Liên và chuyển về địa điểm mới. Quá trình tháo dỡ trường cũ, di chuyển, xây dựng trường mới, bức chân dung bị thất lạc. Nhận thông tin này, thầy Hoàng Nguyên khi đó vô cùng tiếc nuối.
“Bức ảnh có cả lời di huấn Bác gửi, mong muốn thầy cô giáo, học sinh của quê hương dạy tốt, học tốt. Nếu mất đi là một tổn thất lớn, các thế hệ sau này sẽ không còn được biết ngôi trường của mình đã từng có truyền thống, thành tích tự hào, được chính người gửi tặng ảnh chân dung…”, thầy Hoàng Nguyên trăn trở.
Gần 10 năm tìm kiếm
Kể từ lần đến dự khánh thành trường THCS Kim Liên mới và không thấy bức ảnh chân dung Bác trong buổi lễ, nhà Hoàng Nguyên luôn cảm thấy day dứt, canh cánh trong lòng ước nguyện tìm lại món quà quý giá năm xưa. Dù khi ấy, thầy đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe ngày một yếu dần đi…
Thầy giáo Hoàng Nguyên đã nhiều lần đề xuất nguyện vọng lên Ban Giám hiệu nhà trường và lãnh đạo xã Kim Liên. Tuy nhiên nhiều năm trôi qua, cơ sở vật chất thay đổi, những người từng công tác tại trường cấp 2 Nam Liên thời gian đó cũng không còn nhiều, việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Bức điện được gửi kèm chân dung Bác Hồ tặng cho Trường cấp 2 Nam Liên năm 1969. Ảnh: NVCC. |
Nhớ lại trong quá khứ, từng có cán bộ bảo tàng Hồ Chí Minh về xác minh, lưu hồ sơ kỷ vật, thầy Hoàng Nguyên nghĩ đến việc Bảo tàng có thể giúp đỡ tìm kiếm lại ảnh Bác. Với sự giúp đỡ, kết nối của lãnh đạo Khu Di tích Kim Liên, cuối năm 2016, thầy Hoàng Nguyên đã trực tiếp được gặp cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh khi về công tác, dự hội thảo tại Nam Đàn và nhận được lời đồng ý quan tâm đến sự việc thầy trình bày. Năm 2017, thầy Hoàng Nguyên đã gửi bức thư trình bày toàn bộ sự việc đến lãnh đạo Bảo tàng đề đạt nguyện vọng của mình. Phía bảo tàng sau đó đã trả lời “không lưu giữ bức ảnh này” (bức ảnh chân dung Bác Hồ tặng Trường cấp 2 Nam Liên – PV), nhưng sẽ xác minh đối chiếu với các tư liệu liên quan.
Quá trình kiểm tra, cán bộ Bảo tàng đã tìm thấy một tài liệu bản thảo đánh máy và 2 trang bản thảo viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh có liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh của Người cho Trường Cấp II Nam Liên vào năm 1969. Bên cạnh đó, còn có 4 bức ảnh chân dung từng được thư ký của Bác đưa ra để Bác lựa chọn tặng cho nhà trường. Tuy nhiên, những người ở bảo tàng không biết ảnh nào trong số 4 bức chân dung được Bác gửi tặng cho nhà trường. Vì vậy, bảo tàng đã gửi bản scan tài liệu, cùng 4 bức chân dung Bác Hồ về cho thầy Hoàng Nguyên để xác nhận.
NGƯT Hoàng Nguyên cùng thầy Nguyễn Vương Linh (ảnh trái) - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên miệt mài tìm kiếm, liên hệ với Bảo tàng Hồ Chí Minh tìm tài liệu lưu trữ để khôi phục lại bức chân dung Bác tặng cho nhà trường. Ảnh: Hồ Lài. |
“Là người trực tiếp nhận món quà của Bác năm xưa và nhiều năm giữ gìn, bảo quản, vừa nhìn vào các bức ảnh, tôi đã nhận ra ngay ảnh nào Người đã tặng cho Trường THCS Nam Liên. Tôi cũng đã gặp gỡ một số giáo viên và học sinh cũ từng nhìn thấy bức chân dung được treo trong phòng truyền thống của trường ngày xưa để hỏi ý kiến. Mọi người cũng đều chọn ảnh có Ký hiệu A169/A - Q2”, thầy Hoàng Nguyên kể lại.
Trong quá trình tìm kiếm, kết nối với cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng hành với thầy Hoàng Nguyên là thầy giáo Nguyễn Vương Linh - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên. (Hiện thầy Vương Linh đã chuyển công tác làm Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Chánh Kỷ). Sau khi xác nhận các tài liệu, bút tích và bức ảnh chân dung Bác Hồ tặng nhà trường năm xưa, thầy Nguyễn Vương Linh đã nhờ sự giúp đỡ của nhiều bạn bè để phục chế lại như nguyên bản cũ.
“Chúng tôi đã dự định tổ chức lễ trao tặng lại bức ảnh chân dung Bác Hồ về cho trường, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải hoãn lại. Đến năm nay, khi hoàn tất mọi việc trọn vẹn, thì lễ bàn giao được chọn thực hiện vào đúng dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Bác Hồ”, thầy Nguyễn Vương Linh cho biết.
Cuộc đời thực hiện lời dạy của Bác
Lễ bàn giao ảnh chân dung Bác Hồ về lại Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn) đầy xúc động với sự có mặt của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh. Đón nhận món quà đặc biệt này, cô giáo Nguyễn Thị Khánh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên hiện tại xúc động nói: Được nhận lại bức ảnh khôi phục chân dung kèm bút tích của chính Bác Hồ tặng nhà trường vào dịp kỷ niệm sinh nhật Người là vinh dự vô cùng to lớn đối với tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh. Kỷ vật này sẽ được nhà trường lưu giữ, trân trọng để giáo dục truyền thống cho học sinh. Không chỉ vậy, các thế hệ cô giáo, thầy giáo, học sinh nhà trường sẽ thực hiện lời Bác dạy, cố gắng dạy tốt, học tập tốt hơn nữa.
Thầy Hoàng Nguyên gặp mặt các cựu nhà giáo đã từng gắn bó, công tác tại Trường THCS Kim Liên và chia sẻ hành trình tìm lại bức chân dung Bác bị thất lạc. Ảnh: NTCC. |
Chứng kiến cả quá trình hơn nửa thập kỷ từ khi nhận quà của Bác, rồi thất lạc và công sức tìm kiếm, khôi phục trở về, nguyện vọng của nhà giáo Hoàng Nguyên cũng đã được hoàn thành trọn vẹn. Tìm lại hình Bác cũng là lời tự hứa với bản thân của cựu nhà giáo – người đã suốt cuộc đời học tập, làm việc theo gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thầy giáo Hoàng Nguyên sinh năm 1932, tại xã Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Tuổi thanh niên, Hoàng Nguyên gia nhập quân đội, học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn và từng tham gia cuộc kháng chiến chống pháp. Tháng 5/1954, trong một trận đánh lớn ở chiến trường Liên khu 5, Hoàng Nguyên bị thương trong trận Núi Sầm – tỉnh Phú Yên và bị địch bắt. Di chứng để lại là mất đi chân trái đã bị mất vĩnh viễn.
Đơn vị mất liên lạc, sau đó Bộ Tư lệnh Liên khu 5 đã gửi giấy báo tử về địa phương và chính quyền xã đã làm lễ truy điệu. Đến tháng 8/1954, Pháp trao trả thầy về vùng tự do Liên khu 5 và thầy được tập kết ra Bắc, đưa về Trại Thương binh A33 đóng tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc) điều dưỡng sức khỏe.
“Khi ấy tôi mới gần 30 tuổi, nhưng nhớ lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, tôi quyết định cống hiến sức mình cho ngành giáo dục. Vốn đã học đến đệ tứ niên lớp sư phạm cũ, tôi bắt đầu dạy ở trường cấp 1 Bến Thủy – thị xã Vinh, rồi Trường Bổ túc Công – nông Nghệ Tĩnh”, thầy Hoàng Nguyên nhớ lại.
Trong quá trình công tác tại Vinh, bằng nghị lực và tinh thần vượt lên hoàn cảnh, thầy Hoàng Nguyên tiếp tục học tập, thi vào khoa Toán - Trường Đại học Sư phạm Vinh. Tháng 6/1965, thầy tốt nghiệp và chuyển về công tác tại Trường Cấp 2 Nam Liên (Nam Đàn) cho đến ngày nghỉ hưu. Cơ duyên đã đưa thầy giáo Hoàng Nguyên đến, ở lại gắn bó với mảnh đất nghĩa tình quê Bác, trở thành quê hương thứ 2 của mình. Vợ thầy cũng là một cô giáo đã nghỉ hưu, hiện cả gia đình sống tại Làng Sen, xã Kim Liên, Nam Đàn.
Học sinh trường THCS Kim Liên về báo công với Bác tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: NTCC. |
Quá trình công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo Hoàng Nguyên có 4 sáng kiến được phổ biến trong tỉnh và toàn quốc, có 3 đồ dùng giảng dạy tự làm được Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp loại tốt. Những thành tích của ông cũng đã góp phần vào thành tích chung của Trường THCS Nam Liên và giúp trường được nhận Thư khen của Bác Hồ vì “đã phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập”.
Dành suốt cả cuộc đời mình học theo Bác Hồ, cần mẫn, nhiệt huyết, hết lòng với sự nghiệp trồng người, với việc làng, việc nước… nhà giáo Hoàng Nguyên cũng chính là một tấm gương giữ mình trong sáng. Để những nghị lực, phẩm chất, cống hiến của thầy được lan tỏa và kế tục bởi con cháu và bao nhiêu thế hệ học sinh trên quê hương Bác Hồ yêu dấu.
Trong quá trình công tác trong ngành giáo dục thầy giáo Hoàng Nguyên cũng đã từng được tặng 22 Bằng khen và Huân, Huy chương… Trong đó, có Huân chương chống Mỹ, Huân chương Lao động. Năm 1977, thầy được nhận phần thưởng tại “Hội nghị thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu toàn quốc”. Năm 1988, thầy Hoàng Nguyên vinh dự là một trong những nhà giáo đầu tiên trên toàn quốc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.