Tháng Năm nhớ Bác

GD&TĐ - Từ đầu tháng Năm, các trường học đã có nhiều hoạt động kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) với nhiều hình ảnh, kỷ vật là địa chỉ đỏ để học sinh tìm hiểu lịch sử. Ảnh: Hồ Lài
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) với nhiều hình ảnh, kỷ vật là địa chỉ đỏ để học sinh tìm hiểu lịch sử. Ảnh: Hồ Lài

Thông qua các hoạt động này giáo dục truyền thống lịch sử, học tập, làm theo tấm gương đạo đức, lối sống, phong cách của Người.

Cô trò về báo công với Bác

Vượt hơn 500km, sau hơn 10 tiếng đồng hồ trên xe ô tô, đoàn Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) mới về tới Nghệ An. Thế nhưng thầy cô giáo, các em học sinh vẫn không tỏ ra mệt mỏi mà háo hức khi được tận mắt chứng kiến ao sen, mái nhà tranh đơn sơ, giếng Cốc, hàng rào dâm bụt…

Em Trương Gia Bách, lớp 8A1, Trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được về quê Bác. Dù trước đó đã nhiều lần được nhìn thấy quê Bác Hồ ở trên sách báo, tivi, nhưng được đến Làng Sen, làng Hoàng Trù, nghe cô thuyết minh kể lại câu chuyện thời thơ ấu của Bác… em rất xúc động”.

Được biết, do quãng đường xa nên Trường THCS Lê Quý Đôn không thể tổ chức cho toàn thể học sinh nhà trường về thăm quê Bác lần này. Các bạn được đi trong đoàn là học sinh giỏi, đạt thành tích trong học tập, rèn luyện. “Chuyến đi này như một phần thưởng đối với em và các bạn, nên em càng tự hào hơn và hứa sẽ tiếp tục cố gắng học tập tốt để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”, Gia Bách nói.

Tháng Năm, dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, tại quê hương của Người ở huyện Nam Đàn, Nghệ An đón rất nhiều du khách từ mọi miền đất nước về thăm. Đặc biệt là các đoàn học sinh được nhà trường tổ chức về báo công với Bác Hồ kính yêu sau một năm học có nhiều cố gắng, chăm ngoan trong học tập, rèn luyện.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng vừa tổ chức cho giáo viên, học sinh về thăm quê Bác sau khi hoàn thành kiểm tra cuối kỳ. Học sinh của trường đều là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, chuyến đi này là một trải nghiệm đặc biệt ý nghĩa, ngay trong dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, so với vùng thuận lợi, học sinh của trường gặp nhiều thiệt thòi. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vất vả, nhiều em có bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà. Một dịp được đi xa, trải nghiệm là điều vô cùng ý nghĩa và đáng quý với các em nhưng gia đình lại không có điều kiện.

“Vì vậy, nhà trường đã quyết tâm tổ chức cho các em chuyến đi về thăm quê Bác nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Người. Qua hoạt động này, trước hết nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, học tập làm theo tấm gương đạo đức, lối sống, phong cách Hồ Chí Minh. Mặt khác cũng là cơ hội để học sinh được mạnh dạn, tự tin khi tiếp xúc với môi trường ngoài trường học” - cô Nhung cho biết.

Những đội viên nhận danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ của phường Thạch Thang báo công dâng Bác và sinh hoạt truyền thống tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh quân khu 5.

Những đội viên nhận danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ của phường Thạch Thang báo công dâng Bác và sinh hoạt truyền thống tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh quân khu 5.

Những cháu ngoan Bác Hồ

Đoàn Thanh niên - Hội đồng Đội phường Thạch Thang (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vừa tổ chức Liên hoan gặp mặt Cháu ngoan Bác Hồ năm học 2022 - 2023 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh quân khu 5. Sau lễ báo công dâng Bác, các em có buổi trải nghiệm, tham quan khu nhà sàn Bác Hồ cùng với hoạt động tập thể được tổ chức trong khuôn viên của Bảo tàng.

40 đội viên tiêu biểu, là học sinh của các trường tiểu học, THCS có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi phường Thạch Thang được biểu dương, khuyến khích nỗ lực rèn luyện, học tập và tham gia các hoạt động giáo dục toàn diện. Các em là những “bông hoa” đội viên tiêu biểu, không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong học tập, rèn luyện, để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Nhiều trường học trên địa bàn Đà Nẵng đã có buổi sinh hoạt dưới cờ thật đặc biệt vào thứ Hai đầu tuần. Thông qua các trò chơi và tìm hiểu và tư liệu trực quan, Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám đã tổ chức buổi sinh hoạt kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với không khí sôi nổi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nhưng cũng không kém phần trang trọng.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) được nghe tuyên truyền về ý nghĩa ngày sinh nhật Bác 19/5 và Ngày thành lập Đội 15/5. Đại diện 30 em học sinh khối lớp Một đã tham gia chương trình đố vui Rung chuông vàng, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cống hiến của Bác Hồ cho đất nước.

Thầy Trần Thọ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cho biết, sau khi đi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh quân khu 5, học sinh sẽ viết cảm nhận về chuyến đi. Vì vậy, ngoài rèn luyện các kỹ năng xã hội thì khả năng diễn đạt, viết văn của các em cũng được nâng lên.

Các em hiểu thêm tình cảm của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ khu 5 đối với Bác Hồ. Qua những gì được nghe, chứng kiến, các em có những lời hứa rất chân thành để cố gắng trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ kính yêu.

Trong buổi sinh hoạt chuyên đề Tháng Năm nhớ Bác, học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn (TP Nha Trang, Khánh Hòa) được nghe giáo viên tổ Trải nghiệm - Hướng nghiệp chia sẻ những câu chuyện xúc động về Bác Hồ. Thông qua câu chuyện, thế hệ trẻ có cơ hội hiểu thêm về lối sống giản dị, tinh thần vượt khó, tự học và tấm lòng cao cả của Bác.

Chương trình không chỉ giúp học sinh hiểu thêm về sự nghiệp cách mạng vĩ đại, suốt đời phấn đấu, hy sinh quên mình cho đất nước và hạnh phúc nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn rút ra những bài học về đạo đức, lối sống, noi theo gương Bác. Ngoài ra, trường còn tổ chức giao lưu tặng một số cuốn sách hay cho học trò.

Học sinh Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham quan Nhà sàn và ao cá Bác Hồ trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh quân khu 5.

Học sinh Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham quan Nhà sàn và ao cá Bác Hồ trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh quân khu 5.

Theo dấu chân Người

Sinh viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng vừa tổ chức thành công talkshow “Hồ Chí Minh với toàn vẹn non sông”. Sinh viên Trần Lê Đình Phương cho biết: “Công nghệ hiện đại khiến thế hệ trẻ ngày càng xa cách lịch sử, quá khứ. Vì thế, giới trẻ cần có am hiểu nhất định về mỗi bước đi của Bác trên con đường giành lại non sông.

Ắt hẳn mỗi người đều đặt ra những câu hỏi riêng về cuộc đời cũng như sự nghiệp cách mạng của Bác. Talkshow như là một sân chơi vừa giúp sinh viên khoa Lịch sử củng cố kiến thức nhưng cũng đồng thời ‘mềm hóa’ cách chuyển tải thông tin đến các bạn cùng trang lứa”.

Một tháng trước khi sự kiện diễn ra, các bạn sinh viên đã lập trang fanpage để thông tin, quảng bá cho sự kiện. Trên fanpage này còn tổ chức các trò chơi nhỏ theo hình thức giải đáp ô chữ, thu hút sự tham gia, tương tác của nhiều sinh viên. Trong talkshow, ngoài phần thuyết trình với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với toàn vẹn non sông”, còn có các câu hỏi giao lưu về những nội dung có liên quan.

Đặc biệt, sinh viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều sự kiện, nội dung kiến thức liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng, câu chuyện về ngoại giao của Bác thể hiện sự quyết tâm bảo vệ toàn vẹn non sông, di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… thông qua chia sẻ của khách mời là ông Bùi Xuân, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

Sinh viên Nguyễn Trần Văn Hoàng, lớp trưởng lớp 21SLD, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Qua talkshow, chúng em được lắng nghe những chia sẻ vô cùng bổ ích và thú vị từ các diễn giả về Chủ tịch Hồ Chí Minh với toàn vẹn non sông, từ đó có cái nhìn rõ nét, toàn diện hơn về Bác với toàn vẹn non sông, hiểu hơn về giá trị của độc lập, hòa bình và thống nhất non sông. Những kiến thức và câu chuyện mà diễn giả chia sẻ góp phần bổ sung thêm nhiều dữ liệu cho học phần Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam trong chương trình học”.

Trường Mầm non Tuổi thơ (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) vừa tổ chức cho các bé 5 tuổi đi trải nghiệm tại quê nội, quê ngoại Bác Hồ tại xã Kim Liên. Là trường học đóng ngay trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng lứa tuổi mầm non, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cần có sự lựa chọn phù hợp, vừa có ý nghĩa giáo dục nhưng cũng đảm bảo an toàn. Với nhiều trẻ, đây là lần đầu tiên được đi trải nghiệm ở nơi ý nghĩa này. Dù vậy, các em rất trật tự, nghe theo hướng dẫn, sắp xếp của cô giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ