Hành trình thoát khỏi nạn buôn người của cô gái Nigeria

GD&TĐ - Susan, người Nigeria, đến Italy theo lời hứa hẹn của một người phụ nữ lạ về công việc với mức lương ổn định.

Nhiều phụ nữ Nigeria vướng vào đường dây buôn người.
Nhiều phụ nữ Nigeria vướng vào đường dây buôn người.

Susan, người Nigeria, đến Italy theo lời hứa hẹn của một người phụ nữ lạ về công việc với mức lương ổn định. Tuy nhiên, cô không hay biết sắp bị rơi vào một đường dây buôn bán tình dục xuyên biên giới.

Lời thề juju

Sau ba ngày ở trên đất Italy, ngày 23/7/2015, Susan cùng với hàng chục người châu Phi bị đưa đến trung tâm giam giữ Ponte Galeria, Rome và sẽ sớm bị trục xuất. Một số phụ nữ hét lên trong giận dữ, những người khác bắt đầu khóc. Susan vẫn im lặng.

Mùa Xuân một năm trước, Ivie, người Nigeria, đã rủ rê Susan sang châu Âu làm việc, hứa hẹn sẽ trả tiền di chuyển và lương hậu hĩnh. Hai người đã làm lễ tuyên thệ juju theo truyền thống Nigeria, trong đó Susan thề sẽ trả lại tiền cho Ivie và trung thành với cô ấy. Giờ đây, nếu bị trục xuất về Nigeria, Susan sợ sẽ không thể trả tiền cho Ivie và lãnh hậu quả từ lời thề juju.

Một luật sư từ tổ chức tình nguyện đã giúp Susan làm đơn xin tị nạn để ở lại Italy. Sau vài tuần giam giữ, Ivie đón Susan trở về một căn hộ ở Prato, ngoại ô Florence cùng 4 người phụ nữ khác. Một người trong số họ đưa Susan một đôi giày cao gót với chiếc váy ngắn và nói: “Đi thôi. Đã đến lúc phải làm việc”.

Susan nghĩ đây là một trò đùa. Cô tưởng mình sẽ được làm người trông trẻ hoặc nhân viên thu ngân trong siêu thị. Cô không hề hay biết mình đến đây làm gái mại dâm.

Khi Susan phản đối, Ivie nhắc cô về món nợ, thậm chí đe dọa nếu Susan không trả tiền hay nói chuyện này với bất kỳ ai, gia đình cô ở quê nhà sẽ gặp nguy hiểm.

“Tôi đã khóc. Các cô gái khác nói rằng tôi sẽ quen thôi nhưng tôi sẽ không bao giờ có thể quen với việc này”, Susan kể.

Ivie xây dựng một hệ thống phân cấp khiến các cô gái mại dâm khó chơi thân với nhau. Hillary, một người phụ nữ trẻ đến từ bang Edo, Nigeria, được giao thu tiền vào cuối đêm và kiểm tra các cô gái. Tháng đầu tiên, Susan chỉ kiếm được 420 euro. Bực bội vì cô thu nhập kém, Ivie đánh cô gần hỏng một bên mắt.

Sau khoảng 5 tuần, Susan chuyển đến một thị trấn nằm ở phía Bắc Italy nhưng Ivie kiểm soát từ xa, thường xuyên gọi điện kiểm tra khiến bà chủ mới gây áp lực đòi tiền. Điều đáng buồn nhất với Susan là sự hy sinh của cô không giúp gì được cho gia đình ở Nigeria vì họ không cho cô gửi tiền về nhà.

Nạn nhân tiềm năng

Theo thống kê từ Tổ chức Di cư quốc tế của Liên Hợp Quốc, tính từ năm 2015, khoảng 21.000 phụ nữ và trẻ em gái Nigeria đến Italy trong đó, 80% là nạn nhân tiềm năng của buôn bán tình dục.

Từ nạn nhân bị bóc lột tàn nhẫn, một số người trở thành kẻ buôn người, gọi là “tú bà”. Một số người lừa những người phụ nữ trẻ đến Italy để thay mình trả nợ và tìm đường thoát thân. Số khác bị bóc lột lâu đến mức coi việc bóc lột người khác là lựa chọn duy nhất để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, các nạn nhân thường ít khi trình báo cánh sát nên những kẻ buôn người vẫn nhởn nhơ hoạt động. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, những người sống sót sau nạn buôn người phải được cấp nơi cư trú tạm thời hoặc lâu dài. Italy là một trong những nước ủng hộ công ước được ký kết vào tháng 12/2000 nhưng kể từ đó, mọi chuyện đã thay đổi.

Từ năm 2009, luật pháp Italy quy định việc nhập cảnh và lưu trú ở nước này khi không có thị thực là tội hình sự. Do đó, những người di cư không có giấy tờ phải làm việc “chui” và không dám trình báo. Nạn buôn người cũng từ đó mà phát triển mạnh mẽ.

Ngay cả khi các nạn nhân dũng cảm ra trình báo, việc thu thập bằng chứng cũng rất khó khăn. Đầu tiên, họ không nhớ chi tiết địa chỉ nơi mình sống và làm việc. Tiếp đó, ba yếu tố cấu thành nên tội buôn người gồm tuyển dụng, chuyển giao và bóc lột đều là những việc khó xác định. Cảnh sát trong nước sẽ phải phối hợp điều tra quốc tế với cơ quan an ninh nước ngoài.

Tại Nigeria, các tổ chức buôn người phối hợp với mafia Italy để được bảo kê nên các cuộc điều tra thường diễn ra chậm, phức tạp. Trong khi đó, những kẻ buôn người di chuyển nhanh chóng, chuyển chỗ ở của nạn nhân thường xuyên và thay đổi số điện thoại liên tục.

Tuy nhiên, hồi tháng 2/2016, bà Angela Pietroiusti, thẩm phán chuyên về tội phạm có tổ chức đã mở cuộc điều tra và đưa các đơn vị chống mafia vào cuộc. Chìa khóa của cuộc điều tra chính là nhờ thông tin do Susan cung cấp.

Một phụ nữ Nigeria được bảo vệ trong trung tâm hỗ trợ nạn nhân buôn bán tình dục ở Italy.

Một phụ nữ Nigeria được bảo vệ trong trung tâm hỗ trợ nạn nhân buôn bán tình dục ở Italy.

Việc truy quét tội phạm buôn bán tình dục là thách thức toàn cầu.

Việc truy quét tội phạm buôn bán tình dục là thách thức toàn cầu.

Thu thập chứng cứ

Ngược lại hồi năm 2015, sau những ngày tháng oằn mình chịu bóc lột và tin tưởng mù quáng vào những lời hứa hẹn, Susan quyết định ghi chép toàn bộ cuộc sống mới của mình ở Italy. Ivie đã cho cô một cuốn sổ để ghi lại số tiền đưa cho Ivie mỗi tuần và số còn nợ. Thay vào đó, Susan sử dụng cuốn sổ để ghi lại trải nghiệm của bản thân.

Susan bắt đầu chụp ảnh căn hộ mình bị nhốt, chụp trộm Ivie và ghi chép tỉ mẩn từng sự kiện, số điện thoại, thông tin của “tú bà” và những người liên quan. Ban đầu, Susan không thể lý giải sao mình làm việc này nhưng cô muốn lưu giữ bằng chứng về những ngày tháng sống khổ cực.

Đến tháng 1/2016, Susan được chuyển đến ở một thành phố mới và thuộc sự quản lý của một “tú bà” mới. Ban đầu, người này kiểm soát cuộc sống của Susan rất gắt gao nhưng cô vẫn tranh thủ mọi thời gian để ghi chép lại cuộc sống. Một ngày nọ, “tú bà” đi du lịch, để lại Susan với một người phụ nữ khác nên cô quyết định bỏ trốn.

Một buổi sáng đầu tháng 2/2016, Susan mang theo điện thoại cùng cuốn sổ rời khỏi nhà với lý do đi gặp khách hàng ở thị trấn gần đó. Tuy nhiên, Susan đã đi bộ đến ga xe lửa và dự định đến Rome, nơi cô bị giam giữ khi lần đầu đến Italy, để tìm kiếm luật sư hỗ trợ.

Sau khi lên tàu, Susan nhận được cuộc gọi của bà chủ lẫn Ivie. Biết rằng mình không thể phớt lờ, cô nhấc máy, nói rằng mình bị cảnh sát bắt sau đó vứt thẻ sim. Trên chuyến tàu, Susan không ngừng cầu nguyện họ sẽ tin và để cô cùng gia đình yên thân.

Tối hôm đó, Susan cuối cùng cũng đến Rome và tìm thấy văn phòng luật sư. Bước chân vào văn phòng, cô oà khóc nói: “Tôi muốn công lý và tự do”. Đơn vị tình nguyện đón Susan từ văn phòng luật sư nhập cư về một nơi trú ẩn. Trong thời gian này, họ bắt đầu thu thập lời khai của cô. Cuốn sổ của Susan ghi chép lại thông tin rất chi tiết, đáng tin cậy.

Dù vậy, đơn vị tình nguyện hiểu rằng việc khởi tố những kẻ buôn người khó đến nhường nào. Trong hơn 70 trường hợp mà đơn vị này kiện ra tòa, không quá 3 trường hợp bị xét xử nhưng đều vì những tội danh không liên quan đến buôn người hay nô lệ tình dục. Các cáo buộc hình sự thường được bãi bỏ hoặc giảm xuống mức bóc lột mại dâm là hình phạt nhẹ.

Khó khăn trong việc đưa những kẻ buôn người ra trước công lý là vấn đề toàn cầu. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính hiện có khoảng 40 triệu nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, hàng năm trên toàn cầu chỉ chưa đến 12.000 vụ bị truy tố với khoảng 10.000 người bị kết án.

Một lý do khiến việc kết án những kẻ buôn người rất khó là chúng thường liên quan đến số lượng lớn tội phạm làm việc ở nhiều khu vực. Ở mỗi bước trên hành trình đến châu Âu, Susan được đón bởi những người trung gian khác nhau, những người đang điều phối hoạt động của họ qua điện thoại với Ivie.

Ngoài ra, gia đình nạn nhân cũng bị đe dọa. Gia đình của một nạn nhân nữ đã bị giết hại vì người này tố giác những kẻ buôn người. Đáng chú ý, các nước châu Phi chưa có cơ chế bảo vệ nhân chứng và gia đình của họ vì chưa thực sự nghiêm túc phòng chống loại tội phạm này.

Các quốc gia châu Phi chưa mạnh tay ngăn chặn tội phạm tình dục xuyên biên giới.

Các quốc gia châu Phi chưa mạnh tay ngăn chặn tội phạm tình dục xuyên biên giới.

Bên trong trung tâm giam giữ dành cho người di cư Ponte Galeria, Rome, Italy.

Bên trong trung tâm giam giữ dành cho người di cư Ponte Galeria, Rome, Italy.

Đòi lại công lý

Vào tháng 3/2016, khoảng một tháng sau khi Susan trốn đến Rome, Ivie cử người đến đánh đập gia đình cô ở Nigeria và để lại lời nhắn cho Susan: “Quay lại với bà chủ”.

Lời đe dọa đã có tác dụng ngược lại. Sau khi mẹ nói với Susan những gì đã xảy ra, cô trở nên quyết tâm hơn bao giờ hết. Cô xem đơn tố cáo tội phạm là phương tiện duy nhất để chống lại tội ác và bảo vệ gia đình mình. Tháng 5/2016, Susan đã gửi đơn tố cáo hình sự chống lại Ivie.

Ban đầu, đơn vị tình nguyện cho rằng cơ hội giành được công lý của Susan là rất nhỏ. Nhưng lần này họ đã gặp may. Hồ sơ vụ án của Susan đến tay bà Angela Pietroisusti, công tố viên giàu kinh nghiệm.

5 tháng trước đó, Angela đã mở cuộc điều tra về buôn bán tình dục ở Tuscany và ra lệnh giám sát căn hộ ở Prato, nơi Ivie giam giữ các cô gái. Họ theo dõi hoạt động của các nạn nhân nhưng khó có tiếp cận sâu. Nhờ thông tin mà Susan cung cấp, vào tháng 6/2016, họ được cấp quyền nghe lén.

Những thông tin thu thập được giúp họ dựng nên một vụ án hoàn chỉnh. Ivie được cho là một thành viên của mạng lưới buôn người toàn cầu. Cùng với các “tú bà” khác, cô ta đã lừa những cô gái trẻ ở châu Phi đến châu Âu. Không chỉ xây dựng “đế chế” buôn bán tình dục, bà ta thường xuyên bạo lực các nạn nhân.

Tháng 1/2017, Ivie cùng con gái và 2 người khác bị truy tố vì tội buôn bán 17 phụ nữ và trẻ em gái từ Nigeria đến Italy. Ngoài Susan, 9 nạn nhân khác cũng đứng ra làm nhân chứng chống lại Ivie. Kết quả, 4 bị cáo bị kết án tổng cộng 45 năm vì tội buôn bán 10 cô gái đến Italy và ép họ làm gái bán dâm. Riêng Ivie bị kết án 16 năm 8 tháng tù.

Ngay khi nhận kết quả, Susan bật khóc: “Ôi chúa ơi. Công lý không chỉ dành cho em, mà còn cho tất cả phụ nữ khác”.

Không phải tất cả những người liên quan đến vụ án của Susan đều bị truy tố. Người phụ nữ quản lý cô khi còn ở miền Bắc Italy chưa bao giờ được xác định danh tính. Những kẻ buôn người là nam giới cũng không thể xác định. Tuy nhiên, kết quả này đã mở ra một chương mới cho cuộc đời cô gái trẻ.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ