Báo động tình trạng buôn bán nội tạng người ở châu Phi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nạn buôn bán nội tạng người ngày càng gia tăng trên thế giới, trong đó phổ biến nhất là tại các quốc gia châu Phi.

Nhiều người bán thận để có tiền chăm lo cho gia đình.
Nhiều người bán thận để có tiền chăm lo cho gia đình.

“Chợ đỏ” ở lục địa Đen

Ông Ike Ekweremadu và vợ bị bắt vì tội buôn bán nội tạng người xuyên biên giới.

Ông Ike Ekweremadu và vợ bị bắt vì tội buôn bán nội tạng người xuyên biên giới.

Hôm 5/5, ông Ike Ekweremadu, 60 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Thượng viện Nigeria bị kết án 9 năm 8 tháng tù giam tại Anh vì tội buôn bán nội tạng trái phép. Vợ ông, bà Beatrice, 56 tuổi, và bác sĩ người Nigeria Obinna Obeta, 51 tuổi, lần lượt chịu án 4 năm 6 tháng và 10 năm tù.

Cả 3 bị phát hiện tham gia vào âm mưu đưa một người đàn ông từ Lagos (Nigeria), nhập cảnh vào Anh để làm phẫu thuật ghép thận cho con gái của ông Ekweremadu.

Hồi tháng 3, bệnh viện tại Anh đã từ chối ca cấy ghép thận theo kế hoạch.

Sau gần 2 tháng, người đàn ông đến từ Lagos đã ra đầu thú vì lo sợ mình sẽ trở thành nạn nhân cho một ca ghép thận khác tại Nigeria và gia đình anh sẽ bị trả thù.

“Tôi không dám nghĩ đến việc trở về quê nhà Nigeria. Những người này (ám chỉ ông Ike Ekweremadu cùng các đồng phạm) cực kỳ cứng rắn. Tôi lo lắng cho sự an toàn của mình”, nạn nhân chia sẻ.

Thẩm phán người Anh Jeremy Johnson cho biết: “Buôn bán nội tạng người là một hình thức của nô lệ. Hành vi này coi con người và cơ thể của họ như hàng hóa để mua bán”.

Phiên tòa đã cho thấy quy mô và mức độ nghiêm trọng của thị trường buôn bán nội tạng người xuyên biên giới, còn gọi là “chợ đỏ”. Trong đó, vụ án của ông Ekweremadu là một dạng “du lịch cấy ghép”, tức là nạn nhân di chuyển đến nước ngoài với mục đích phẫu thuật lấy nội tạng.

Du lịch cấy ghép thường diễn ra ở những quốc gia có quy định lỏng lẻo về buôn bán nội tạng. Đây là cách những kẻ buôn người xây dựng mạng lưới tội phạm với sự phối hợp của các chuyên gia y tế tham nhũng, quản lý bệnh viện, nhân viên phòng thí nghiệm, tài xế, phiên dịch viên và cơ quan thực thi pháp luật.

Ông Jeremy lưu ý, trong thời gian là thành viên Chính phủ Nigeria, ông Ike Ekweremadu cũng từng tham gia vào các giao dịch buôn bán nội tạng người trong nước lẫn quốc tế.

Buôn bán nội tạng xảy ra trên khắp thế giới nhưng số lượng cao nhất là ở Bắc Phi và Trung Đông. Vấn nạn này cũng phổ biến hơn ở Nam và Đông Nam Á, Trung Mỹ và châu Âu.

Trong những năm gần đây, châu Phi ghi nhận gia tăng các trường hợp buôn bán nội tạng, bao gồm việc “cướp” nội tạng bất hợp pháp từ người sống hoặc người chết; mua bán và cấy ghép nội tạng người bất hợp pháp.

Theo một nghiên cứu, hơn 10 triệu phụ nữ châu Phi đã chết vì các biến chứng của hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS), nhiễm trùng, suy thận/gan, vô sinh, ung thư... cùng nhiều bệnh khác do phẫu thuật lấy nội tạng. Chưa dừng lại ở đó, về lâu dài vấn đề này sẽ dẫn đến tỷ lệ sinh giảm mạnh và gây suy giảm dân số của lục địa Đen.

Một trong những quốc gia ghi nhận tình trạng buôn bán nội tạng cao nhất châu Phi là Nigeria. Nước này đang gây xôn xao vì hàng loạt trường hợp người dân bị bọn buôn người bí mật đưa sang Dubai để phẫu thuật lấy nội tạng dưới danh nghĩa du lịch hoặc xuất khẩu lao động. Điều đáng chú ý là các ca cấy ghép nội tạng đều không có sự đồng ý của những người bị lấy nội tạng.

Trong Đạo luật Cấy ghép Nội tạng quốc gia Nigeria năm 1984, nội tạng người được định nghĩa là thận, gan, tim, phổi, tuỵ, tuỷ xương, giác mạc, mắt, xương, da hoặc bất kỳ bộ phận nào, bao gồm bào thai. Thu mua nội tạng là quy trình phẫu thuật loại bỏ một cơ quan khỏi một cá nhân, điển hình là để cấy ghép, có thể dựa trên sự đồng thuận hoặc ép buộc.

Người tị nạn trở thành con mồi

Ngoài việc buôn bán nội tạng trong nước, những kẻ buôn người cũng nhắm mục tiêu đến người tị nạn. Từ Libya đến Yemen, khu vực Bắc Phi đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ buôn bán nội tạng vì ngày càng nhiều người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi tìm đến đây để sinh sống.

Chỉ riêng hơn 5 triệu người tị nạn đến từ Trung Đông đã trở thành mục tiêu tiềm năng cho các hoạt động buôn bán nội tạng bất hợp pháp.

Theo Global Financial Integrity, tổ chức phân tích các hoạt động phi pháp có trụ sở tại Mỹ, các hoạt động buôn bán nội tạng người trên toàn cầu trị giá 600 triệu đến 1,2 tỷ USD hàng năm vào trước dịch Covid-19. Trong đó, người tị nạn là đối tượng dễ bị xúi giục bán nội tạng vì họ cần tiền để chống lại cái đói, điều kiện sống tồi tàn và tương lai bấp bênh vì mất nhà cửa.

Libya là một trong những quốc gia mà “chợ đỏ” hoạt động sôi nổi vì đây là nơi hội tụ người tị nạn từ khu vực hạ Sahara và Sừng châu Phi muốn tìm đường sang châu Âu. Libya cũng đang chìm trong nội chiến nên những kẻ buôn bán nội tạng có cơ hội và lý do để tiếp cận nạn nhân.

Việc người tị nạn và di cư dễ dàng trở thành mục tiêu cho những kẻ buôn bán nội tạng người ở Libya đã lặp lại tại nước láng giềng Ai Cập. Một nghiên cứu năm 2019 về buôn bán nội tạng ở Cairo, Ai Cập, đã chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là việc xem nhẹ luật pháp và việc người tị nạn và di cư bị gạt ra khỏi xã hội.

Một người Sudan di cư đến Ai Cập chia sẻ: “Nếu bạn không thể tìm được việc làm khi đến Ai Cập, bạn sẽ không được thương xót. Đó là lý do mọi người lại bán thận”.

Những kẻ buôn bán nội tạng sẽ tiếp cận “con mồi” bằng lời hứa hão huyền về việc di cư vào châu Âu hay cam kết về một tương lai tươi sáng hơn.

Câu chuyện của Dawitt, người di cư từ Sudan đến Ai Cập là một ví dụ.

Khi đặt chân đến Ai Cập, Dawitt đã tìm việc làm trong vô vọng. Thời điểm khó khăn nhất, một người Sudan đã gợi ý Dawitt cách an toàn và dễ dàng để kiếm tiền là bán một quả thận.

Dù biết đây là cách nhanh nhất để kiếm tiền và di cư đến châu Âu, song Dawitt đã khá lo lắng cho sức khỏe của bản thân và tính hợp pháp của hành động này. Nhưng người đàn ông đã thuyết phục Dawitt bằng mọi cách đến khi anh đồng ý mới thôi.

Sau khi xét nghiệm máu, nước tiểu, Dawitt được đưa đến nơi phẫu thuật. Tất cả những gì chàng trai còn nhớ về ca phẫu thuật là cảm giác đau nhói ở bên sườn. Sau ca phẫu thuật, Dawitt được đưa đến một căn hộ ở Giza, Ai Cập, để dưỡng bệnh trước khi người môi giới đưa anh đến Sicily, Italy.

Nhưng sau hai tuần hồi phục sức khỏe, Dawitt không thể liên lạc với người môi giới. Đó là lúc anh biết mình đã bị lừa mất một quả thận còn kẻ kia đã ôm số tiền bán thận mà bỏ trốn. Khi Dawitt báo cáo vụ việc với cảnh sát Ai Cập, anh bị đe dọa trục xuất.

Không chỉ nhắm vào người trưởng thành, một nghiên cứu mới đây cảnh báo, những kẻ buôn bán nội tạng đã bắt đầu chuyển hướng mục tiêu vào các trại tị nạn có nhiều trẻ vị thành niên.

Bà Nuna Matar, Giám đốc tổ chức hoạt động vì người nghèo và người di cư Triumphant Mercy Lebanon, cho biết: “Những kẻ buôn người đang nhắm vào trẻ em nghèo và trẻ em tị nạn nhưng chúng không muốn lạm dụng tình dục hay sức lao động của các em như trước đây mà chúng muốn nội tạng của các em. Đây là một hành động kinh hoàng”.

Tăng cường giải pháp

Châu Phi là khu vực tập trung nhiều "chợ đỏ" của thế giới.

Châu Phi là khu vực tập trung nhiều "chợ đỏ" của thế giới.

Người tị nạn có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của việc buôn bán nội tạng.

Người tị nạn có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của việc buôn bán nội tạng.

Bất chấp tình trạng buôn bán nội tạng người ngày càng phổ biến, việc dẹp bỏ vấn nạn trên đang gặp nhiều khó khăn.

Bà Suzanne Hoff, Điều phối viên quốc tế của tổ chức chống buôn người châu Âu La Strada International, phân tích: “Mặc dù ngày càng có nhiều sự chú ý đến khả năng dễ bị tổn thương của người tị nạn và người di cư vì nạn buôn người, nhưng việc sàng lọc và nhận dạng đầy đủ thường bị tụt lại phía sau. Hơn nữa, phần lớn sự chú ý vẫn tập trung vào nạn buôn người để bóc lột tình dục nên việc buôn bán nội tạng hầu như không được xác định”.

Tương tự, ông Cyril Gout, Trưởng phòng Phân tích và Hỗ trợ hoạt động trực tiếp, Tổ chức Hình sự quốc tế Interpol, cho biết, buôn bán nội tạng người không phải mới nhưng vấn nạn này không được báo cáo đầy đủ do tính chất bí mật của tội phạm, kết hợp với sự thiếu nhận thức của các cơ quan thực thi pháp luật và thiếu các kênh chia sẻ thông tin giữa ngành y tế và cảnh sát.

Các chiến dịch nâng cao nhận thức có thể tạo ra sự khác biệt để giáo dục công chúng và nâng cao trách nhiệm của các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, việc theo dõi quy mô của vấn đề vẫn còn phức tạp. Trong khi các hình thức buôn bán người để phục vụ mục đích tình dục hoặc lao động cưỡng bức thường xảy ra lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian, thì việc buôn bán người để lấy nội tạng chỉ xảy ra một lần nên việc theo dõi trở nên khó khăn hơn.

Những người bị buôn bán để lấy nội tạng có thể im lặng vì việc bán nội tạng bị kỳ thị và là bất hợp pháp. Do đó, chính người bị bóc lột có thể sợ bị buộc tội như tội phạm. Cản trở cho quá trình điều tra còn có thể đến từ tính bảo mật và quyền riêng tư của bệnh nhân.

Một số nhà quan sát cho rằng các tổ chức chuyên nghiệp có thể đóng vai trò nhất định trong việc chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp. Các bác sĩ phải mạnh tay từ chối khám lâm sàng hay tham gia phẫu thuật cấy ghép nội tạng để gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng hành vi này là không thể chấp nhận được.

TS Cynthia Obiora, bác sĩ tư vấn phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Epe, cho biết việc tham gia nghiên cứu và hội nghị quốc tế sẽ tạo điều kiện hợp tác và có thể tạo cơ hội giúp bác sĩ nhận thức về rủi ro buôn bán nội tạng.

Đơn cử, năm 2017, các quan chức Vatican đã mời đại diện Ủy ban Cấy ghép Nội tạng quốc gia Trung Quốc tham gia hội nghị về buôn bán nội tạng nhằm khuyến khích sự thay đổi nếu vấn nạn này vẫn đang diễn ra.

Về phía các tổ chức phi chính phủ, tháng 10/2022, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã ban hành bộ công cụ hỗ trợ điều tra và truy tố tội phạm buôn bán nội tạng người.

Bộ công cụ được đánh giá là bước tiến lớn đối với quốc tế nhằm xây dựng năng lực thực thi pháp luật để đẩy lùi vấn nạn này.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.