Triệt phá đường dây buôn người lớn nhất tại Anh

GD&TĐ - Cảnh sát Anh đã triệt phá một băng nhóm buôn bán người bất hợp pháp được coi là “lớn nhất trong lịch sử nước này”. Đường dây này đã buôn bán hơn 400 người tới Anh. 8 tên tội phạm đã bị kết án với tổng mức án tù lên tới 55 năm. 

Thanh tra Nick Dale, người chỉ huy nhóm điều tra
Thanh tra Nick Dale, người chỉ huy nhóm điều tra

Tái diễn tình trạng nô lệ thời hiện đại

Giới chức thành phố West Midlands (Anh) cho biết tòa án địa phương đã xét xử xong vụ án liên quan đường dây buôn người do 8 đối tượng gốc Ba Lan cầm đầu. Các đối tượng nhận hình phạt từ 4,5 - 11 năm tù. Trong 5 năm qua băng nhóm này được cho là đã kiếm được hơn 2 triệu Bảng Anh từ việc buôn bán người.

Cầm đầu đường dây là một gia đình người Ba Lan. Tổng cộng khoảng 400 nạn nhân, độ tuổi từ 17 đến hơn 60, thường là người vô gia cư, cựu tù nhân hay người nghiện rượu… bị lôi kéo. Nếu dám lên tiếng phàn nàn, họ liền bị những kẻ cầm đầu đe dọa cắt suất ăn, thậm chí đánh đập, tra tấn dã man.

Những người này được hứa hẹn cung cấp nơi ăn chốn ở và công việc ổn định khi tới Anh, nhưng trên thực tế, họ phải làm việc liên tục trong các trang trại, khu tái chế rác và nhà máy chế biến thịt gà mà chỉ được trả chưa đến 25 USD/tuần, thậm chí có trường hợp không được nhận một đồng tiền công.

Những nạn nhân buộc phải sinh hoạt trong các khu nhà chật hẹp, bẩn thỉu và đầy chuột bọ; giặt quần áo trên các kênh nước đục ngàu; phòng ở dột nát không được tu sửa. Một nạn nhân mô tả: “Những người vô gia cư Anh còn có cuộc sống sướng hơn chúng tôi”.

Đa số họ không có đủ chăn đắp, không có lò sưởi, nhà vệ sinh, hoặc nếu có thì 4 - 5 người dùng chung một phòng vệ sinh đã rò rỉ sàn, tới mức phải dải chăn lên cho bớt mùi. Hằng ngày họ phải ăn thức ăn hết hạn, hoặc đến các trạm phát thức ăn miễn phí để có thêm đồ ăn.

Một nạn nhân phản ánh về điều kiện sống và lương quá thấp đã bị chúng đánh gãy tay nhưng không được chăm sóc y tế. Người này sau đó bị chúng nhốt lại vì chấn thương nặng và không thể làm việc.

Các nhân chứng khác cho biết, một người đã bị lột hết quần áo trước mặt các công nhân khác, và bị dọa cắt một quả thận nếu không giữ im lặng. Băng đảng buôn người này đã thu giữ giấy tờ cá nhân của nạn nhân khiến họ không thể ra ngoài nếu không được sự đồng ý. Nạn nhân cũng bị chúng dùng thẻ căn cước để đăng ký bảo hiểm và mở tài khoản ngân hàng bằng địa chỉ giả mạo để trục lợi từ tiền lương của họ.

Các nạn nhân phải làm việc trong điều kiện hạn chế, thậm chí còn phải trả những khoản nợ “từ trên trời” cho những kẻ buôn người vì chúng bất ngờ đòi thêm chi phí vận chuyển, tiền thuê nhà, thức ăn…

Trong quá trình điều tra, Dariusz là một trong hai nạn nhân trốn thoát. Những kẻ buôn người đã dọa giết và chôn xác ông xuống ngôi mộ trong rừng nếu ông cố chạy thoát. Dariusz sống trong căn nhà 2 phòng ngủ với 8 người khác và phải ăn đồ hết hạn từ tiệm gần đó.

Băng đảng kiểm soát mọi hoạt động của ông. “Tôi tưởng đây là cơ hội tốt để ra nước ngoài và kiếm tiền. Nhưng thật tệ... Cuộc sống của tôi bị những kẻ đó kiểm soát toàn bộ. Khi làm việc trên cánh đồng, tôi phải thức dậy lúc 5 giờ sáng và lên xe chở tới chỗ làm lúc 7 giờ sáng. Công việc vất vả. Chúng tôi được hứa trả lương tối thiểu, nhưng tôi không nhận được một xu” - Dariusz cho biết.

Đường dây buôn người đến Anh còn có vỏ bọc là một công ty lao động, nên dễ dàng “lách” được các quy định pháp lý về cung cấp việc làm cho người nhập cư. Hoạt động của công ty này diễn ra trong một thời gian dài, từ tháng 6/2012 - 10/2017.

Mạng lưới chỉ bị phát hiện sau khi hai nạn nhân đã trốn được và tìm kiếm sự giúp đỡ của Tổ chức từ thiện Hope for Justice (Hy vọng cho công lý). “2007 là thời điểm kỷ niệm 200 năm ra đời đạo luật hủy bỏ chế độ nô lệ trong các thuộc địa của nước Anh. Nhưng sự thật đến khó tin đến ngay hôm nay điều đó vẫn diễn ra chính tại Vương Quốc Anh” đó là câu nói chua chát của thẩm phán Mary Stacey trong ngày xét sử vụ trọng án này.

Theo Nick Dale, người chỉ huy nhóm điều tra thì đây là một cuộc đấu tranh chống tội phạm rất khó khăn, kéo dài ròng rã nhiều ngày. Thẩm phán Mary Stacey thì nhận xét đây là đường dây “tham vọng nhất, quy mô lớn nhất và diễn ra liên tục”, một mạng lưới tội phạm nô lệ hiện đại chưa từng có tại Anh. Các điều tra viên tin rằng, đã tạo ra một phiên xét xử điển hình nhất ở châu Âu.

Tên trùm Ignacy Brzezinski thường lái xe Bentley thu tiền của các nạn nhân.
 Tên trùm Ignacy Brzezinski thường lái xe Bentley thu tiền của các nạn nhân. 

Lật mặt những kẻ phạm tội

Kể từ tháng 2/2015, cảnh sát West Midlands bắt đầu tiến hành điều tra sau khi họ xác minh danh tính của nạn nhân được cung cấp bởi Hope for Justice. Tổ chức Hope for Justice cho biết, ít nhất 51 nạn nhân của đường dây này đã liên lạc với họ và kêu cứu về tình trạng sống tồi tệ, bị bóc lột sức lao động nặng nề.

Thẩm phán Mary Stacey cho biết, nạn nhân nô lệ hiện đại phải sống dưới mức nghèo khổ trong khi những tên trùm buôn người bóc lột sức lao động của họ lại sở hữu tài sản hàng triệu USD, có nhà và xe hơi sang trọng ở Anh.

“Được coi là kẻ cầm đầu trong gia đình, Ignacy Brzezinski là người chỉ huy mọi hoạt động và cũng là kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ những mưu đồ đê tiện, hắn đi xe Bentley và sở hữu một dàn xe hơi sang trọng”, thẩm phán Mary Stacey nói thêm. Ignacy

Brzezinski, 52 tuổi, theo mô tả của cảnh sát Anh là “một kẻ cực kỳ xảo quyệt”, hắn khôn khéo biết cách “lợi dụng sự thương hại của bồi thẩm đoàn” để được quyền bảo lãnh bằng cách cố tình bị gẫy chân để bỏ trốn khi bị xét xử hồi tháng 7/2019.

Ông Mark Paul - Giám đốc Cơ quan công tố Anh (CPS) cho biết: “Quy mô của đường dây buôn nô lệ hiện đại nói trên được xem là lớn nhất châu Âu cho đến thời điểm hiện nay. Chúng kiếm lời hàng triệu USD từ việc bóc lột không thương tiếc một cách tinh vi và có hệ thống các nạn nhân.

Các thành viên trong nhóm tội phạm có tổ chức chia nhau đi khắp các đường phố Ba Lan để dụ dỗ những người có hoàn cảnh khó khăn sang Anh làm việc và dựng lên viễn cảnh tươi đẹp, hấp dẫn.

Tuy nhiên, khi sang Anh, chúng lộ diện là những kẻ tráo trở, lừa đào. Đẩy người lao động vào đường cùng và buộc phải phụ thuộc vào chúng vì họ không biết phải đi đâu và làm gì”. Ngoài ra, ông Mark Paul nhấn mạnh, cơ quan điều tra đã tiếp cận được với khoảng gần 100 nạn nhân của chúng.

Nhưng còn khoảng 300 người lao động Ba Lan khác đã bị băng đảng này thao túng mà không dám trình báo cảnh sát vì sợ bị kết tội. Cảnh sát trưởng, nhân viên điều tra cấp cao Nick Dale cho biết thêm: “Băng nhóm này đã đối xử với nạn nhân như “hàng hóa để phục vụ lòng tham của chúng”.

Chúng tìm kiếm các nạn nhân ở Ba Lan vì quốc gia này có nhiều người muốn tìm việc. Họ đều muốn thoát ra khỏi tình trạng thất nghiệp. Có người do đang cần một khoản tiền để trả chi phí chữa bệnh cho người thân hay một số hoàn cảnh khác… Tất cả dễ rơi vào bẫy của chúng”.

Marek Brzezinski là kẻ thường xuyên thực hiện các chuyến đi tới đông bắc Ba Lan để tuyển công nhân. Cảnh sát bắt được hắn khi đang ẩn náu tại một căn hộ. Marek Brzezinski tin rằng hắn có thể thoát khỏi tội bóc lột công nhân ở quy mô công nghiệp theo quy định của nước sở tại, hắn chỉ biểu lộ sự khinh rẻ nạn nhân và coi thường tòa án.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các nhà chức trách Ba Lan để trao trả hắn nhanh nhất có thể, để trong thời gian ngắn các nạn nhân biết được Brzezinski và đồng phạm phải đền tội” ông Nick Dale nhấn mạnh.

Trong băng của Ignacy Brzezinski còn có Wojciech Nowakowski, 42 tuổi, kẻ từng là nạn nhân của chính băng nhóm này sau đó trở thành tay chân của băng nhóm buôn người. Cảnh sát Anh mô tả Brzezinski “đã hoàn toàn trở thành tay chân thân tín và vai trò của hắn ngày càng được củng cố.

Hắn rất thích thể hiện quyền lực trước các nạn nhân”. Không chỉ Nowakowski, nhiều đối tượng khác cũng chuyển từ nạn nhân thành thủ phạm khi được chúng tiếp cận và hứa hẹn về “những khoản thu nhập béo bở” thay cho cuộc sống “như nô lệ” trước đây nếu họ chấp thuận giám sát các nạn nhân khác.

Cảnh sát Anh nhấn mạnh, tình trạng buôn bán người di cư sang Anh rồi ép họ làm việc như nô lệ đã diễn ra từ nhiều năm qua và hình thức ngày càng tinh vi.

Bà Emilie Martin, thuộc đơn vị chống buôn người và nô lệ hiện đại của Tổ chức từ thiện Salvation Army cho biết rằng, nạn buôn bán lao động là vấn đề đang gia tăng ở Anh. Theo Báo cáo thường niên về nạn nô lệ hiện đại, 6.837 nạn nhân đã được xác định ở Anh trong năm 2017.

Nạn bóc lột lao động được báo cáo nhiều nhất, sau đó là lạm dụng tình dục. Bà Emilie Martin nhấn mạnh, không phải tất cả nạn nhân của nạn buôn lao động đều “nhẹ dạ cả tin”, mà đơn giản là những người tìm việc bị lừa bởi những kẻ buôn người chuyên nghiệp để đến Anh và sau đó bị lạm dụng.

Phiên tòa xét xử nhóm buôn người đã khép lại. Tuy nhiên, cảnh sát Anh tiếp tục kêu gọi bất kỳ người nào cảm thấy bị tước đoạt quyền tự do và bóc lột sức lao động nên tìm cách trình báo với họ bởi họ đang là nạn nhân của những hoạt động phi pháp. Việc họ đứng ra trình báo sẽ giúp cảnh sát có căn cứ để ngăn chặn tệ nạn biến người di cư thành nô lệ thời hiện đại.

Căn phòng, nơi các nạn nhân sống trong thời gian bị bóc lột tại Anh.
 Căn phòng, nơi các nạn nhân sống trong thời gian bị bóc lột tại Anh.
Nhà vệ sinh của những công nhân trong đường dây buôn người
 Nhà vệ sinh của những công nhân trong đường dây 
buôn người
Những đối tượng trong đường dây nô lệ hiện đại bị kết án.
 Những đối tượng trong đường dây nô lệ hiện đại bị kết án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ