Trang bị “Hành trình kiến tạo tương lai”
Từ tháng 11/2024, Trường Đại học Trà Vinh chính thức triển khai Dự án “Hành trình kiến tạo tương lai” với mục tiêu hỗ trợ hơn 10.000 học sinh THPT tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển tư duy sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.
Đây là sáng kiến quan trọng hưởng ứng Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) của Thủ tướng Chính phủ. Việc này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Trường Đại học Trà Vinh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực. Với sự phối hợp cùng mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL. Dự án không chỉ cung cấp kiến thức mà còn khơi dậy khát vọng và ý chí cống hiến của thế hệ trẻ.
Theo đại diện Trường Đại học Trà Vinh, trong giai đoạn đầu từ tháng 11 - 12/2024, dự án tiếp cận hơn 1.440 học sinh và giáo viên của 9 trường THPT tại ĐBSCL gồm: Trường THPT Mỹ Phước, THPT Vĩnh Xuân, THPT Hựu Thành (Vĩnh Long), THPT Huỳnh Tấn Phát, THPT Đoàn Thị Điểm (Bến Tre), THPT Hưng Lợi, THPT Thiều Văn Chỏi (Sóc Trăng), THPT Châu Thành (Kiên Giang) và Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ).
Dự án tập trung vào phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, hướng dẫn xây dựng và tinh chỉnh ý tưởng khởi nghiệp cũng như hỗ trợ học sinh tham gia các cuộc thi khởi nghiệp ở nhiều cấp độ.
Tham gia chương trình, các em học sinh được đội ngũ chuyên gia là các cán bộ, giảng viên Trường Đại học Trà Vinh với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chia sẻ tư duy kiến tạo, các công cụ phát triển đổi mới sáng tạo như động não hình thành ý tưởng, tư duy ngược và bí kíp rèn luyện các công cụ trong kinh doanh. Đồng thời, các em được lắng nghe những chia sẻ chi tiết về tư duy thiết kế cụ thể như: Lợi ích cốt lõi của tư duy thiết kế, nguyên tắc, tính thiết thực và quy trình xây dựng tư duy thiết kế…
Bên cạnh đó, các em học sinh được chuyên gia chia sẻ cách hình thành và trình bày ý tưởng dựa trên 9 nội dung của mô hình kinh doanh, cách mô tả thêm về sản phẩm hoặc dịch vụ như tính cấp thiết, tính khả thi, tính độc đáo và sáng tạo, kết quả tiềm năng, các kênh truyền thông.
Sau khi được chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, Đỗ Ngọc Nhi, học sinh lớp 10A1- Trường THPT Thiều Văn Chỏi (Sóc Trăng) cho biết: “Chương trình giúp chúng em định hướng tương lai, xác định thế mạnh của bản thân và tìm kiếm các cách làm, ý tưởng sáng tạo thông qua việc hiểu và vận dụng các phương pháp tư duy sáng, tư duy ngược, tư duy thiết kế… Những kiến thức về mô hình kinh doanh và cách trình bày ý tưởng giúp em hiểu rõ hơn về quá trình phát triển ý tưởng; tích lũy kiến thức phục vụ cho việc học và lựa chọn ngành nghề, phát triển nghề nghiệp trong tương lai”.
“Chương trình rất ý nghĩa và thiết thực, không chỉ mang đến những kiến thức mới trong lĩnh vực khởi nghiệp mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo và khát vọng khởi nghiệp ở các em. Nội dung chia sẻ của các chuyên gia giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về cách tư duy kiến tạo, phát triển ý tưởng và hiện thực hóa chúng trong thực tế. Hy vọng rằng đây sẽ là hành trang quý giá cho các em trong định hướng hành trình sắp tới”, cô Hà Thị Kim Thoa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bến Tre) thông tin.
Rèn tư duy đổi mới sáng tạo
Qua khảo sát từ chương trình “Hành trình kiến tạo tương lai”, có 96% học sinh và giáo viên bày tỏ sự hài lòng với nội dung chương trình; 91% nhận thấy kiến thức có tính ứng dụng thực tiễn cao và 100% giáo viên khẳng định phương pháp triển khai phù hợp với tâm lý, nhu cầu của học sinh THPT.
Những con số này cho thấy dự án không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn tạo ra giá trị thực tiễn, giúp học sinh phát triển khả năng sáng tạo, tinh thần học tập chủ động và khả năng xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.
ThS Nguyễn Đồng Khởi - Trưởng Phòng Truyền thông và Quảng bá cộng đồng, Trường Đại học Trà Vinh) cho biết: Dự án “Hành trình kiến tạo tương lai” không dừng lại ở giai đoạn đầu mà sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2025 để đạt được mục tiêu hỗ trợ toàn diện cho 10.000 học sinh.
Nhà trường cam kết cải tiến nội dung, tối ưu hóa phương pháp tổ chức và tăng cường kết nối với các trường THPT, đảm bảo rằng dự án tiếp tục tạo ra tác động tích cực cho thế hệ trẻ. Đây không chỉ là một dự án giáo dục mà còn là nền tảng định hình tư duy đổi mới sáng tạo, giúp học sinh sẵn sàng đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Theo ông Khởi, tại Trường đại học Trà Vinh, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được thành lập từ năm 2016. Nơi đây đã trở thành cầu nối đưa ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên nhà trường đến các đơn vị, cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là nơi ra đời của nhiều dự án như: Tận dụng vỏ xoài để chế tạo sản phẩm da sinh học, nước màu khóm mật ong, vòi nước cảm biến 2 chế độ, Dự án Nano sinh học bảo quản nông sản…
Giai đoạn đầu, trung tâm đóng vai trò truyền cảm hứng, cung cấp thông tin cho giới trẻ thông qua các sự kiện, buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo kết nối với chuyên gia nước ngoài, cựu sinh viên khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp hằng năm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khai mở tiềm năng, từ đó tìm ra các ý tưởng, dự án khả thi tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế.
ThS Nguyễn Văn Vũ An - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Trường Đại học Trà Vinh) cho biết: “Nhà trường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để sinh viên có thể phát triển ý tưởng và hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp. Chúng tôi luôn đồng hành cùng các em trong suốt hành trình khởi nghiệp, từ giai đoạn khai mở ý tưởng đến khi thành lập doanh nghiệp thực thụ.
Với định hướng, sự hỗ trợ của nhà trường và được truyền động lực mạnh mẽ từ các chuyên gia, tạo môi trường lý tưởng cho các bạn trẻ khởi nghiệp, không chỉ giúp họ học hỏi kiến thức mà còn cung cấp nền tảng để hiện thực hóa những ước mơ và khát vọng”.