Dù khởi sắc, song hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên vẫn gặp không ít rào cản.
Phần lớn sinh viên “biết”, khao khát khởi nghiệp
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm TPHCM vừa công bố kết quả khảo sát với hơn 2.024 sinh viên các ngành đào tạo giáo viên của trường về khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp. Trong số này, trên 41% sinh viên năm nhất, gần 27% là sinh viên năm hai, còn lại sinh viên năm ba và năm tư. Kết quả khảo sát cho thấy, 1.946 sinh viên (hơn 96%) trả lời có biết về khái niệm “khởi nghiệp”; 1.416 sinh viên (khoảng 70%) trả lời có biết về khái niệm “giáo dục khởi nghiệp”.
Đồng thời, hơn 57% sinh viên tham gia khảo sát cho biết có nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu khởi nghiệp trong tương lai sau khi ra trường. Bên cạnh đó, 36,6% sinh viên chưa đưa ra quyết định và hơn 5% không có ý định về việc sẽ khởi nghiệp trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, phần lớn sinh viên tham gia khảo sát đã tìm hiểu, nắm bắt thông tin về lĩnh vực khởi nghiệp, giáo dục khởi nghiệp tại nhà trường. Tuy nhiên, họ cũng gặp không ít khó khăn trong việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo: Kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp; môi trường, mạng lưới kết nối, giới thiệu doanh nghiệp và các tổ chức đến với sinh viên có ý định khởi nghiệp; nguồn lực thực hiện các dự án khởi nghiệp.
Kết quả nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM phần nào phản ánh thực trạng hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên tại các trường đại học hiện nay. Theo số liệu được công bố tại tại hội thảo “Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên: Thực trạng và giải pháp chính sách”, được tổ chức tại TPHCM hôm 20/12, hiện có hơn 200 trường đại học, viện nghiên cứu triển khai các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng được vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên có nhiều chuyển biến tích cực sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665).
Ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh (Bộ GD&ĐT) cho biết, có 110 cơ sở giáo dục đại học bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên. Hầu hết trường đại học có phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Khoảng 60% cơ sở giáo dục đại học thành lập được câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh từng cơ sở giáo dục đại học.
Cả nước có hơn 50 cơ sở giáo dục đại học (chiếm 25% số cơ sở giáo dục đại học) thành lập được các trung tâm hoặc bộ phận hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên. Số lượng dự án và doanh thu từ hoạt động khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên có những tín hiệu tích cực qua các năm.
Còn nhiều rào cản, vướng mắc
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cũng nêu những tồn tại, hạn chế trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, chủ yếu đến từ các yếu tố cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn lực, nguồn vốn, việc tiếp cận thị trường và kinh nghiệm thực tế.
Trong đó, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học hoạt động còn yếu, thiếu định hướng, cơ chế, nguồn lực. Kinh phí đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học không được cấp thường xuyên mà chủ yếu cấp theo từng hoạt động, do đó khó khăn trong việc xây dựng và hoạch định kế hoạch. Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên gặp khó khi muốn tiếp cận thị trường thực tế, do thiếu kỹ năng nghiên cứu thị trường, phân tích nhu cầu và tiếp thị sản phẩm.
Chưa kể, các ý tưởng khởi nghiệp hiện tại hầu như bị lặp, chưa có tính sáng tạo cao, chưa gắn với nhu cầu của người dân, cộng đồng, dẫn đến không thu hút được nguồn lực đầu tư từ các quỹ.
Về tổng thể, nhiều lãnh đạo các trường đại học cho rằng, các nhân tố của “hệ sinh thái” khởi nghiệp cho sinh viên, gồm nhà trường, các trung tâm khởi nghiệp, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư… còn khá rời rạc. Một minh chứng là nguồn vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên còn hạn chế. Các quỹ đầu tư chưa quan tâm đến hoạt động đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên, trong khi các trường chưa thành lập được quỹ cộng đồng, quỹ quyên tặng… Hiện cũng chưa có sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên với các doanh nghiệp.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, các trường đại học không thể đơn độc trong hoạt động đào tạo khởi nghiệp sinh viên. “Các trường đại học, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau. Các trường đại học lĩnh vực kỹ thuật phối hợp với trường kinh tế, khoa học xã hội thì mới khởi nghiệp thành công”, ông Thắng nêu quan điểm.
Để thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của người thầy. “Để các cơ sở đào tạo có bước phát triển đột phá trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, cần xây dựng và lan tỏa hệ sinh thái khởi nghiệp gồm các trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm, mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp…”, Thứ trưởng đề nghị.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho hay, nhà trường đã xây dựng các chính sách khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo, tổ chức nhiều cuộc thi đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên.
Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Phenikaa được tạo nên từ 3 yếu tố, trong đó có việc xây dựng các viện, trung tâm và nhóm nghiên cứu mạnh, hạt nhân để tạo ra công nghệ mới, giải pháp mới, đồng thời đầu tư cho nghiên cứu (cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng).
Hệ sinh thái này vừa là nơi đặt nhu cầu, xác định những bài toán lớn, đồng thời là môi trường giúp các doanh nghiệp mới hình thành trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm để vận hành trong môi trường kinh doanh thực tế.