Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức cao, nhiều sinh viên đã tìm kiếm những cơ hội khởi nghiệp độc đáo ngay trong ký túc xá. Với sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, những phòng ký túc xá đã trở thành “cửa hàng” kinh doanh mọi ngành nghề.
Tại Đại học Khoa học và Công nghệ Thanh Đảo, sinh viên Wang Rui và các bạn cùng phòng đã biến kí túc xá thành một “cửa hàng” bán pha lê. Với khoản vốn ban đầu khoảng 3 nghìn nhân dân tệ, nhóm sinh viên đã chế tác vòng tay, vòng cổ từ pha lê, và bắt đầu quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội.
Mỗi cuối tuần, 10 - 15 sinh viên sẽ xếp hàng dài ngoài cửa kí túc xá của Wang để đợi đến lượt mua vòng. Dù không gian bán hàng chỉ vỏn vẹn trên một chiếc bàn nhỏ, họ vẫn rất thích thú.
Giống như Wang, sinh viên Trung Quốc đang “khởi nghiệp” từ các kí túc xá trường đại học như bán bánh sandwich, cà phê hay làm móng, làm đẹp. Những “cửa hàng” này nhanh chóng thu hút sự chú ý và yêu thích của sinh viên khi các em có thể trải nghiệm nhiều tiện ích mà không phải đi xa. Bên cạnh đó, đây là cách sinh viên Trung Quốc tích lũy kinh nghiệm kinh doanh và tăng thu nhập.
Nữ sinh Xin bắt đầu bán cà phê đá từ 6 tháng trước. Xin chọn khởi nghiệp vì không muốn xin tiền sinh hoạt từ gia đình. Xin chia sẻ: “Công việc phụ tại ký túc xá mang đến cho tôi nguồn thu nhập mới. Đặc biệt, công việc này rất an toàn vì trước đó nhiều công việc bán thời gian không trả đủ lương cho tôi”.
Trong khi đó, Zhang Ziye, sinh viên năm hai, lại học được cách kinh doanh từ công việc thú vị này. Em Zhang bắt đầu làm dịch vụ trang điểm trong phòng ký túc xá với mức phí thấp. Sau một thời gian, em nhận ra năng khiếu của mình và quyết định mở studio trang điểm, kiếm được từ một đến 2 nghìn nhân dân tệ mỗi ngày.
Đối với nhiều người Trung Quốc, việc có nhiều nguồn thu nhập không phải là điều hiếm gặp và các mô hình “khởi nghiệp” trong kí túc xá là lựa chọn mới lạ cho người trẻ. Mặc dù chính sách giáo dục nước này tập trung vào việc đạt được tri thức, các trường không ngăn cản sinh viên sáng tạo và tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp.
Thậm chí, nhiều trường đại học không can thiệp, miễn là các hoạt động kinh doanh không ảnh hưởng đến an toàn cơ sở vật chất và con người.
TS Lim Tai Wei, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đại học Quốc gia Singapore, Singapore, nhận xét: “Tinh thần kinh doanh của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ ngay cả khi nước này đang vật lộn với nền kinh tế chậm lại và những thách thức cấp bách khác.
Việc tham gia vào nền kinh tế phi chính thức và khởi nghiệp là một lựa chọn hợp lý trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đặc biệt, khi mà các sinh viên đại học ngày càng phải đối mặt với áp lực tìm kiếm việc làm ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng thành công. Những khó khăn trong việc duy trì kinh doanh và học tập là một thách thức lớn. Nhưng đối với nhiều sinh viên, công việc phụ trong ký túc xá không chỉ là một cách kiếm tiền mà còn là bước đệm để phát triển kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm, đặc biệt là trong một thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh.
Tại Trung Quốc, với tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16 - 24 đang ở mức cao, những doanh nghiệp nhỏ trong ký túc xá có thể chính là giải pháp giúp sinh viên giảm bớt áp lực về tài chính và tạo dựng những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Nhiều em sinh viên đã tìm được định hướng nghề nghiệp và mở các doanh nghiệp chính thức từ trải nghiệm thú vị này.