Khơi 'mạch nguồn' sáng tạo trong sinh viên

GD&TĐ - Thông qua các cuộc thi, các trường ĐH mong muốn cung cấp kiến thức, truyền cảm hứng, sự sáng tạo của người học...

Sinh viên tham gia cuộc thi RoboCar tại VKU.
Sinh viên tham gia cuộc thi RoboCar tại VKU.

Khơi nguồn sáng tạo

Với thế mạnh là trường đại học hàng đầu về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chuyên gia về công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số của cả nước và duy nhất của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhiều năm qua, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) – Đại học Đà Nẵng trở thành một trong những trường tiên phong, tổ chức nhiều cuộc thi mang tính sáng tạo, tăng khả năng tư duy và độ nhạy bén cho học sinh, sinh viên.

Đơn cử, vừa qua, VKU tổ chức Ngày hội sáng tạo tuổi trẻ tỉnh Quảng Nam với cuộc thi RoboCar 2024 quy tụ hàng trăm học sinh đam mê khoa học, kỹ thuật đến từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh. RoboCar là sân chơi đặc trưng của VKU nhằm lan tỏa tinh thần sáng tạo trẻ thông qua các màn điều khiển RoboCar hứng khởi, sôi động, thu hút học sinh thể hiện kỹ năng lập trình, điều khiển robot, khả năng tư duy, nhạy bén để cùng thử sức với công nghệ. Cuộc thi đã cho thấy tiềm năng sáng tạo và sức thu hút của các hoạt động học thuật có thể gắn kết giữa các trường đại học với các trường THPT, thúc đẩy giáo dục STEM.

Đại diện nhóm sinh viên đoạt giải Nhất RoboCar 2024, sinh viên Hồ Minh Phi – lớp 21IT634 (VKU) cho hay: “Từ những cuộc thi đầy trí tuệ, thiết thực như RoboCar đã tạo cơ hội cho chúng em sáng tạo, qua đó còn được trao đổi, học hỏi, phát triển ý tưởng công nghệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

di-tim-mach-nguon-4-3709.jpg
Cuộc thi sinh viên giỏi tiếng Anh của VKU

Ngoài ra, VKU còn tổ chức Cuộc thi sinh viên với an toàn thông tin, giỏi tiếng Anh, thiết kế Website… Những cuộc tranh tài này được đầu tư kĩ lưỡng, quy mô, nội dung thi bổ ích, hỗ trợ yêu cầu nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, trau dồi kỹ năng mềm. Cuộc thi vừa giúp sinh viên trang bị thêm kiến thức về cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, cũng như kỹ năng hội nhập hiện nay.

TS Huỳnh Ngọc Thọ - Phó Hiệu trưởng VKU cho rằng, cùng với kiến thức chuyên ngành thì ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh đang ngày càng được chú trọng, là chìa khóa hội nhập, thúc đẩy sinh viên hướng tới công dân toàn cầu. Các chuyên ngành đào tạo hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… của VKU vừa đảm bảo kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, vừa tăng cường ngoại ngữ để sinh viên tốt nghiệp có thể hội nhập sâu với thị trường trong nước và quốc tế.

“Đối với tiếng Anh, VKU đặt mục tiêu nâng cao năng lực của sinh viên, đầu ra đạt chuẩn tương đương IELTS 5.5 - 6.0. Không chỉ các bài thi mà qua các sân chơi như ETC-2024 sẽ mang đến sự sáng tạo, cơ hội cho sinh viên thực hành ngôn ngữ, ứng dụng vào cuộc sống”, TS Huỳnh Ngọc Thọ chia sẻ.

di-tim-mach-nguon-5.jpg
Cuộc thi sinh viên giỏi tiếng Anh của VKU.

Với mục tiêu gắn kết với các trường THCS, THPT, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) vừa tổ chức Chương trình “Ngày hội STEM - Khơi nguồn sáng tạo” tại Trường THCS Lê Hồng Phong (Đà Nẵng). Chương trình không những góp phần kết nối liền mạch giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, mà còn nâng cao năng lực học tập, giúp học sinh có sân chơi bổ ích, thể hiện được sự sáng tạo.

Ngày hội diễn ra với các cuộc thi như: “Sáng tạo cùng STEM”, “Thiết kế bánh xe mơ ước”, “Làm kem siêu tốc”… Thuyết trình các sản phẩm công nghệ do chính học sinh thực hành, trải nghiệm và thể hiện. Từ đó giúp các em có cơ hội giao lưu, học hỏi, đồng thời được truyền cảm hứng về giáo dục STEM để hướng đến tương lai.

PGS.TS Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết: Giáo dục STEM kết hợp giữa khoa học kỹ thuật, công nghệ và toán học là nền tảng quan trọng để đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ. Do đó, chúng tôi phối hợp tổ chức ngày hội và tập huấn cho học sinh nhằm định hướng, truyền đạt các kiến thức, kỹ năng nhất là tư duy sáng tạo, truyền cảm hứng say mê học tập, nghiên cứu, ứng dụng STEM.

Các hoạt động, cuộc thi STEM dành cho học sinh lần này là cơ hội, tạo điều kiện cho các em vận dụng hiểu biết, kiến thức và năng lực sáng tạo để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống và thực tiễn. Từ các sân chơi này, hy vọng sẽ là nơi phát hiện, nuôi dưỡng, ươm mầm các tài năng trẻ để tiếp thêm động lực cho học sinh phổ thông phấn đấu, hướng tới những sinh viên, kỹ sư, nhà khoa học trong tương lai.

di-tim-mach-nguon3.jpg
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong được trải nghiệm tại “Ngày hội STEM - Khơi nguồn sáng tạo” do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tổ chức.

Kích thích sáng tạo và đổi mới không giới hạn

Với đề tài chế tạo máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị, nhóm sinh viên, gồm: Ngô Thanh Trúc, Nguyễn Thị Thùy Trang, Lê Đặng Hoàng Thư, Lê Viết Thiên Lộc và Đinh Thị Mai Chi - Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng) đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội nghị nghiên cứu khoa học cấp khoa năm học 2023 – 2024, giải Ba tại Hội nghị nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2023 – 2024 và giải Ba ở lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và Công nghệ tự nhiên, Khoa học Y Dược của Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng năm học 2023 - 2024.

TS Lê Thanh Huy - giảng viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cũng là người hướng dẫn nhóm sinh viên thực hiện đề tài trên cho rằng, bước vào con đường nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo là một hành trình đầy thử thách, nhưng cũng chứa đựng nhiều điều thú vị.

Trên hành trình đó, sẽ có lúc sinh viên gặp khó khăn, thậm chí là những thất bại. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là sự kiên trì và lòng đam mê mà các bạn đã thể hiện, bởi khi bạn làm nghiên cứu khoa học thì công sức đóng góp của các bạn thực sự có ý nghĩa và mang lại giá trị to lớn.

di-tim-mach-nguon1.jpg
di-tim-mach-nguon2.jpg
Thông qua các cuộc thi, trường đại học kích thích sự sáng tạo của sinh viên.

“Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thông qua các cuộc thi không chỉ giúp mở rộng kiến thức, mà còn là cơ hội để các em khám phá tiềm năng của chính mình, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Ngoài ra, nó truyền cảm hứng khởi nghiệp cho những sinh viên khác, tạo sự mới mẻ và đổi mới không giới hạn trong sinh viên”, TS Lê Thanh Huy nhấn mạnh.

Thầy Đặng Ngọc Lam – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ, thông qua sự hướng dẫn, huấn luyện của các giảng viên, chuyên gia của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, học sinh của trường đã được nâng cao nhận thức, vai trò của giáo dục STEM cùng các kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề…

“Sự gắn kết giữa trường đại học và các trường phổ thông như Trường THCS Lê Hồng Phong có ý nghĩa tăng cường sự liên thông, chuyển tiếp từ nền tảng giáo dục STEM đến giáo dục trung học, đại học, tạo ra một thế hệ mới hội đủ năng lực, tư duy đổi mới sáng tạo”, thầy Đặng Ngọc Lam cho hay.

TS Huỳnh Ngọc Thọ nhấn mạnh, các cuộc thi được VKU tổ chức thường niên, đầu tư quy mô, bài bản, đổi mới qua các năm, thể hiện qua tính chuyên nghiệp và cạnh tranh cao. Sinh viên của các đội thi không chỉ thể hiện kiến thức, mà còn thể hiện khả năng thuyết trình về sản phẩm bằng tiếng Anh.

VKU đặc biệt chú trọng đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy – học tiên tiến, sinh viên của nhà trường ngay từ năm đầu tiên đã bắt đầu làm ra các sản phẩm công nghệ, có thể làm việc ở các doanh nghiệp ngay từ năm thứ hai và được trang bị kiến thức chuyên sâu, gắn liền với các dự án sáng tạo, nghiên cứu khoa học thực tiễn từ năm thứ ba nhằm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao cho thị trường toàn cầu. - TS Huỳnh Ngọc Thọ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ