Hành trình đứng lên của cô bé… chân voi

GD&TĐ - Trong số gần 2 triệu trẻ chào đời mỗi năm, không ít trẻ mang trong mình căn bệnh hiếm gặp. Dù ở thể nhẹ hay nặng, cả trẻ và gia đình các em đều mong muốn y học tìm ra lời giải và can thiệp để trả lại cho các em cuộc sống như bao người bình thường khác.

Hành trình đứng lên của cô bé… chân voi

Nỗi ám ảnh

Chân voi là bệnh không mới nhưng thuộc dạng bệnh hiếm ở nước ta bởi số người mắc không nhiều. Đây là bệnh bẩm sinh do sự bất thường của hạch bạch huyết hoặc hệ thống mạch bạch huyết dẫn đến sự ùn ứ dịch ở phần một chi. Bệnh có giai đoạn phát triển từ nhẹ đến nặng. Bệnh khởi phát bằng việc phù chân nhưng do chi vẫn hoạt động bình thường nên mọi người thường không để ý. Bệnh tiếp tục tiếp triển đến khi một bên chân phát triển to bất thường, có dấu hiệu xơ hóa, hoại tử.

Điểm dễ nhận thấy của người mắc bệnh chân voi là khó khăn trong vận động, mất thẩm mỹ. Dưới góc độ y học, việc ứ trệ dịch là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, lâu dần dẫn đến nhiễm trùng mô mềm. Do vậy, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh này đều bị lở loét một bên chân.

Ở nước ta, số người mắc bệnh này không nhiều và chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu. Trước kia, người bệnh thường chấp nhận sống chung… với lũ. Họ thường hạn chế tới nơi đông người do mặc cảm và do khó khăn trong đi lại. Năm 2016, cô bé chân voi ở Lâm Đồng may mắn được tài trợ sang Đài Loan phẫu thuật sau hàng chục năm em và gia đình đi tìm kiếm cơ hội ở nhiều nơi. Ngày trở về, dù vẫn phải nhờ sự trợ giúp của chiếc nạng nhưng em đã tự tin đứng lên bằng đôi chân của mình.

Từ đó đến nay, những bệnh nhi bị bệnh chân voi đều phải tìm cơ hội chữa trị ở nước ngoài do chưa có cơ sở y tế trong nước nào chữa được căn bệnh này. Thấu hiểu được nỗi thất vọng của bệnh nhi, cha mẹ các em, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Xanh pôn) và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình (GS Corinne Becker) tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật cho bệnh nhi. 4 bệnh nhân may mắn được phẫu thuật thành công không chỉ mở ra cơ hội mới cho người bệnh mà còn đặt nền móng nền y học nước ta trong việc điều trị bệnh.

Giải tỏa bế tắc

Một trong bốn bệnh nhân vừa được phẫu thuật bị dị dạng mạch bạch huyết chi dưới mới 9 tháng tuổi. Căn bệnh khiến cô bé không thể di chuyển như bạn bè cùng trang lứa. Bế tắc là cảnh gia đình em và gia đình bệnh nhân khác gặp phải trong hành trình tìm kiếm cơ hội chữa bệnh cho con.

GS Corinne Becker đã sử dụng phương pháp ghép hạch tự thân vùng bẹn trong quá trình điều trị. Ê kíp đã bóc tách tổ chức mỡ ngang núm vú tìm mạch ngực ngoài, tách động mạch và tĩnh mạch ngực ngoài, bóc tách vạt mỡ-hạch bạch huyết với cuống mạch ngực ngoài, chuyển xuống vụng bẹn nối vào động mạch và tĩnh mạch thượng vị nông. Vạt hạch sau khi ghép sẽ tiết ra hormon kích thích quá trình tạo ra các đường bạch hạch mới, giải tỏa sự ùn ứ của dịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Quỳnh Anh, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, đây là kỹ thuật khó, lần đầu tiên được “cầm tay chỉ việc” giúp bác sĩ vỡ ra nhiều điều. Ngay sau ca mổ đầu tiên, GS Corinne Becker đã chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ các bác sĩ tại bệnh viện, đặc biệt là bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Hy vọng, đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Xanh pôn sớm làm chủ được kỹ thuật để đem lại nhiều cơ hội cho bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhi và người lớn được chẩn đoán bệnh và được phẫu thuật tại cơ sở y tế trong nước, giảm chi phí điều trị.

Chân voi là bệnh hiếm gặp, phức tạp với bác sĩ trong nước và thế giới. Đây là bệnh có thể gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em. Ở người lớn, bệnh có thể do giun chỉ làm tổ gây tắc mạch hoặc biến chứng trong điều trị ung thư, chấn thương. Với trẻ nhỏ, phần lớn do bẩm sinh.

Lâu nay người mắc bệnh tìm cơ hội điều trị ở nước ngoài. Với thành công đầu tiên trong điều trị bệnh ở cơ sở y tế trong nước sẽ mở ra cơ hội cho cả bác sĩ và bệnh nhân, giúp hành trình đứng lên của họ bớt nhọc nhằn, vất vả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ