Hành trình đoạt huy chương bạc Tin học châu Á của nam sinh Quảng Ninh

GD&TĐ - “Khi bước vào phòng thi, 15 phút đầu em hơi run, nhất là lúc đọc đề em bị choáng. Sau đó em bình tĩnh lại và bắt đầu làm bài”, nam sinh kể.

Hoàng (áo đen bên phải) và thầy giáo chủ nhiệm Vũ Trường Xuân, khi còn học tại Trường THPT chuyên Hạ Long.
Hoàng (áo đen bên phải) và thầy giáo chủ nhiệm Vũ Trường Xuân, khi còn học tại Trường THPT chuyên Hạ Long.

Inforgraphic thành tích của học sinh Việt Nam tại Olympic Tin học Châu Á 2022

Bén duyên với Tin học

Em Vũ Huy Hoàng (nguyên học sinh lớp 12 Tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long) đoạt huy chương bạc tại Kỳ thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2022.

Sinh ra tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), bố là bộ đội, mẹ là giáo viên nên từ nhỏ Hoàng đã được kèm cặp, học hành chăm chỉ.

Từ khi học Tiểu học, Hoàng đã được tiếp xúc với máy tính. Lên cấp THCS, em phát hiện bản thân thích được lập trình và đam mê với môn học này.

“Lúc em đang học lớp 7 và 8, tỉnh Quảng Ninh có tổ chức cuộc thi Tin học trẻ, em có tham gia và đạt được một số kết quả. Cũng từ thời điểm này em thật sự đam mê môn Tin và quyết tâm thi vào Trường THPT chuyên Hạ Long, sau đó trúng tuyển và học lớp chuyên Tin”, Hoàng nói.

Đồ họa: An Nhiên

Đồ họa: An Nhiên

Khi học ở Trường THPT chuyên Hạ Long, Hoàng bắt đầu tham gia các cuộc thi Tin học cao hơn. Hồi năm lớp 10 em tham gia Kỳ thi Duyên Hải Bắc Bộ, sau đó đạt huy chương vàng, cùng năm này Hoàng cũng đạt giải khuyến khích cấp quốc gia. Năm lớp 11 và 12 đều đoạt giải nhì cấp quốc gia.

Để chuẩn bị cho Kỳ thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ngày 29/5, nhiều tháng trước đó, Hoàng đã ôn tập suốt ngày đêm với lịch học dày đặc.

“Đêm trước hôm thi em thấp thỏm nên mất ngủ, chỉ ngủ được 3 đến 4 tiếng vì lo lắng. Khi bước vào phòng thi, 15 phút đầu em hơi run, nhất là lúc đọc đề em bị choáng. Sau đó em bình tĩnh lại và bắt đầu làm bài”, Hoàng chia sẻ.

Thời gian thi của các thí sinh là 300 phút, kéo dài từ sáng cho đến đầu giờ chiều. Trong phòng thi, thí sinh được mang đồ ăn và đồ uống vào phòng thi, nhưng lúc đó làm bài căng thẳng nên Hoàng không nghĩ đến ăn, chủ yếu uống nước.

“Ra khỏi phòng thi em cảm thấy rất thoải mái và vui sướng. Do lúc làm bài thi xong em đã tự chấm bài của mình sẽ được vào tốp xét giải. Lúc đó em nghĩ mình sẽ được giải đồng hoặc bạc”, Hoàng vui vẻ nói.

Hoàng cho biết, độ khó của kỳ thi này cao hơn rất nhiều so với kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Tin học cấp quốc gia. Muốn đoạt được giải, thí sinh phải có quyết tâm, giỏi suy luận logic, khả năng tư duy và có cách giải để trình bày hợp lý.

Trước khi đến với kỳ thi này, Hoàng đã chuẩn bị tốt kỹ năng thực hành. Em cũng từng tham dự nhiều cuộc thi online để trải nghiệm, ôn luyện trước khi dự thi để có kết quả tốt nhất.

Hoàng quây quần bên bố mẹ, em trai, thầy cô và bạn bè.

Hoàng quây quần bên bố mẹ, em trai, thầy cô và bạn bè.

Nói về bí quyết để đạt được kết quả cao trong học tập, Hoàng chia sẻ, các thầy cô đóng vai trò định hướng một phần, chủ yếu là do bản thân mình phải chăm chỉ và phải có một môi trường cạnh tranh, lúc đó ai cũng có động lực để cố gắng.

Hiện Hoàng đang là sinh viên năm nhất, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội).

Dự kiến cho tương lai, Hoàng cho biết, trước mắt tập trung vào học, nếu học thạc sĩ có thể sẽ đi du học. Còn về công việc sẽ suy nghĩ dần.

Nền tảng của trường học giúp nam sinh bứt phá

Cô giáo Đỗ Thị Diệu Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hạ Long cho biết, Hoàng được phát hiện có tố chất về Tin học từ hồi còn học ở cấp THCS tại Đông Triều. Đến khi vào học ở Trường THPT Chuyên Hạ Long, ba năm liền đều có nhiều giải cao ở cấp tỉnh, cấp quốc gia, nhưng với Hoàng thì chưa dừng lại. Sau đó Hoàng đặt mục tiêu phải có giải quốc tế.

“Quá trình ôn luyện kéo dài nhiều tháng. Các thầy cô Toán, Tin của trường cũng rất mạnh, đều là những người giỏi, có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các chuyên gia nên các bạn có kiến thức chuyên ngành sâu hơn vì thi quốc tế ở một tầm rất cao”, cô Thúy nói.

Theo cô Thúy, đây là lần đầu tiên nhà trường có huy chương bạc cấp quốc tế, cũng là giải cao nhất. Trường cũng đã từng có học sinh đoạt huy chương đồng Vật lí châu Á, huy chương đồng Vật lí châu Âu… Đây cũng là nền tảng để các em học sinh nhìn vào để phấn đấu.

“Hoàng là một học sinh trầm tính, nhưng chắc chắn và sâu sắc. Rất phù hợp với môi trường em đang theo đuổi”, cô Thúy chia sẻ.

Chiều 25/8, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trao Bằng khen và tiền thưởng 300 triệu đồng cho em Vũ Huy Hoàng, học sinh lớp 12 Tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương.
Chiều 25/8, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trao Bằng khen và tiền thưởng 300 triệu đồng cho em Vũ Huy Hoàng, học sinh lớp 12 Tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương.

Năm học 2021-2022, cùng với sự đầu tư của tỉnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho giáo viên trường chuyên nên thầy cô và học sinh nhà trường đã có những thành tích ấn tượng.

Với tổng số 39 lớp và 1.363 học sinh, toàn trường có 1.237 học sinh đạt học lực loại giỏi, chiếm 90,8%. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 191 giải, thi học sinh giỏi cấp quốc gia đạt 48 giải…

Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Ai cập là nước đăng cai. Đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 15 thí sinh, thi trực tuyến tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 29/5. Theo quy định của ban tổ chức, Việt Nam được chọn 7 thí sinh đạt điểm cao nhất tham gia xét giải. Trong đó có ba em giành huy chương vàng, bốn huy chương bạc. Đây là kết quả tốt nhất sau 10 năm học sinh Việt Nam tham gia Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với các thí sinh Việt Nam, có 881 thí sinh của 34 quốc gia và vùng lãnh thổ khác được tham gia cuộc thi này. Trong đó, 186 em đoạt giải với 17 huy chương vàng, 74 bạc và 95 đồng. Chỉ có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có huy chương vàng, ngoài Việt Nam giành ba, Trung Quốc đoạt sáu, Nga đoạt năm, ba đội tuyển còn lại là Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan mỗi đội đoạt một.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...