Hành trình của yêu thương

GD&TĐ - Để bảo đảm quyền học tập, vui chơi, hòa nhập cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, nhiều trường rộng mở cánh cửa đón các em vào học như những học sinh (HS) bình thường khác.

Theo cô Đỗ Huyền Trang – Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội): Giáo dục HS “đặc biệt” cần yêu thương, vị tha và kiên nhẫn. Ảnh: TG
Theo cô Đỗ Huyền Trang – Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội): Giáo dục HS “đặc biệt” cần yêu thương, vị tha và kiên nhẫn. Ảnh: TG

Tuy nhiên, việc hoàn thành nhiệm vụ của người giáo viên (GV) trên lớp không hề dễ dàng. Hành trình giáo dục phải bắt đầu bằng khoa học, kiên nhẫn và tình yêu thương học trò.

Giáo viên không được phép nản lòng

Khối 1, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội), cô giáo Đào Thanh Hương là người nhiều tuổi nhất. Điều đó cũng đồng nghĩa kinh nghiệm, bản lĩnh trong nghề “gõ đầu trẻ” đã có “thâm niên”. Tuy nhiên, bước vào triển khai Chương trình (CT)và SGK 1 mới, lớp cô gần 40 HS thì có 3 HS dạng tự kỷ. Điều đó khiến cô phải dày công, vất vả hơn để bảo đảm hoạt động giáo dục trên lớp cho cả 2  nhóm HS.

Cô Hương chia sẻ: Lớp có 3 HS tự kỷ, mỗi em lại có một số phận, hoàn cảnh khác nhau. Em thì im lặng suốt buổi học, có em lại nói nhiều, chạy nghịch trong lớp, em còn lại luôn nhõng nhẽo, chậm tiếp thu. Như vậy, GV phải tìm ra phương pháp dạy học riêng, làm sao để các em có thể tiếp thu được bài học ít nhiều trên lớp, hòa đồng với các bạn. Thậm chí, nhiều lúc phải nịnh nọt, dỗ dành, âu yếm để các em không quấy khóc, không đòi về giữa buổi học hoặc ảnh hưởng đến HS khác. 

Theo cô Hương, HS dạng tự kỷ có nhiều khiếm khuyết đặc biệt về tương tác với xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, hành vi rập khuôn, cứng nhắc nên trẻ khó khăn trong hòa nhập với bạn bè, tuân thủ nội quy, quy định chung… Từ đó, yêu cầu chung về học tập, tiếp thu, hòa đồng… với các em cũng không theo chuẩn nào. GV chỉ biết nỗ lực cố gắng hàng ngày để giúp các em tiến bộ hơn trong giao tiếp, học tập, ứng xử… Mọi tiến bộ dù nhỏ nhất đều được ghi nhận, khen ngợi để HS vui vẻ, phấn khởi chịu khó đến lớp, gia đình cha mẹ nhẹ lòng hơn. 

“Cả 3 HS tự kỷ đề có sự tiến bộ rõ ràng so với đầu năm học. Các em có thể đọc dù chậm, viết được dù chưa theo hàng lối. Hết giờ học, tôi kèm thêm cho các em 30 - 40 phút. Dạy học cho HS tự kỷ nếu chỉ làm đúng trách nhiệm thì không đủ,GV phải có những hiểu biết nhất định về vấn đề trò mắc phải, đặc biệt phải hết sức kiên nhẫn, yêu thương và không được phép nản lòng…” – cô Đào Thanh Hương chia sẻ.

Lớp học của cô Đỗ Huyền Trang – Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) năm nay lớp có 1 HS tự kỷ. Cô cho biết: Khi mới nhận lớp, cũng lo lắng trong việc tìm phương pháp giáo dục hiệu quả cho HS đặc biệt này. Con thông minh, học và chơi bình thường nhưng hay có hành động không kiểm soát (ví dụ như đi vệ sinh không đúng chỗ; tự ý đi ra khỏi chỗ trong giờ học…). Nhiều khi vừa hướng dẫn con xong một việc quay đi con đã làm ngược lại.

Và theo cô Trang, nghề giáo là một nghề đặc biệt. Trước khi là một nhà sư phạm giỏi, thầy cô là tấm gương mẫu mực, sáng trong về nhân cách và tình yêu thương vô bờ bến. “Quả ngọt” người thầy nhận được đôi khi đơn giản là một bó hoa tươi thắm, lời cảm ơn tình cờ trên trang viết, dòng tin nhắn thăm hỏi từ phương xa… cũng đủ ấm lòng.

Cô Đào Thanh Hương và HS lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội). Ảnh: TG
Cô Đào Thanh Hương và HS lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội). Ảnh: TG

Giúp trẻ hòa nhập đúng cách

Theo bà Mai Thị Phương – Trung tâm Giáo dục Đặc biệt quốc gia (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ cần chuẩn bị kĩ càng yếu tố người dạy – đó chính là GV. Đây là khâu quan trọng bởi GV sẽ đưa ra những biện pháp, hoạt động giáo dục phù hợp với HS. Điều này giúp cho quá trình giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ đi tới thành công. 

Lựa chọn GV cần bảo đảm yêu cầu như: Tâm huyết với nghề và yêu thương trẻ hết lòng; Có trình độ chuyên môn về giáo dục đặc biệt; Có kinh nghiệm làm việc với trẻ rối loạn phổ tự kỷ; Kỹ năng làm việc với phụ huynh và tổ chức hoạt động nhóm…

Bà Mai Thị Phương khẳng định: Mọi trẻ em đều cần chuẩn bị đầy đủ về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, xã hội để bước vào lớp 1 thuận lợi. Với trẻ rối loạn phổ tự kỷ, việc chuẩn bị này lại càng có quan trọng. Do đó, tổ chức lớp tiền hòa nhập để chuẩn bị những kĩ năng học đường cơ bản vô cùng cần thiết và ý nghĩa với trẻ, gia đình trẻ và cho xã hội. 

Ngoài ra, bà Mai Thị Phương nhấn mạnh: Gia đình đóng vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ nói chung và trẻ rối loại tự kỷ nói riêng. Vì vậy, khi lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân, GV cần chủ động trao đổi với phụ huynh để xây dựng kế hoạch sao cho phù hợp nhất với trẻ đồng thời phối hợp với gia đình để cùng tham gia vào quá trình giáo dục. Thực hiện được như vậy, kết quả giáo dục trẻ tự kỷ mới đạt được kết quả tốt nhất.

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cũng chỉ ra: Trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp nhiều khó khăn và giao tiếp xã hội; khó khăn khi sử dụng giao tiếp không lời và có lời để tương tác với người khác; khó khăn về khởi xướng giao tiếp, tương tác qua lại; Trẻ hiểu người khác theo cách riêng của mình… Do đó, việc dạy kĩ năng xã hội (KNXH) cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ từ trường mầm non là cần thiết. 

3 biện pháp để dạy KNXH cho trẻ tự kỷ được bà Nguyễn Thị Hạnh chỉ ra: Trước hết, để hình thành và phát triển KNXH cho trẻ tự kỷ cần quan tâm quan sát, hướng dẫn, nhắc nhở và cho trẻ tập giải quyết các tình huống gặp phải, hình thành các hành vi đúng, đưa ra những nhận xét và sử dụng hình thức thưởng phạt với trẻ. 

Biện pháp phát triển KNXH cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ đã có KNXH  là tạo cơ hội/điều kiện cho trẻ thực hành những KNXH đã có. Cùng đó củng cố và mở rộng KNXH cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ thông qua sử dụng biện pháp khen thưởng; Thường xuyên tổ chức các hoạt động nhóm có chủ đích cũng là 1 biện pháp, giúp trẻ tự kỷ khái quát hóa các KNXH trong những tình huống, địa điểm, thời điểm, đối tượng khác nhau… 

Có những lúc cảm thấy “bất lực” nhưng luôn tự nhắc bản thân phải cố gắng kìm nén cảm xúc để không tức giận, tiếp tục nhẫn nại dạy bảo cho tới khi trẻ hiểu và làm theo hướng dẫn. Bởi sau tất cả, trẻ thiệt thòi vẫn cần được yêu thương và giúp đỡ  nhiều hơn nữa... - Cô Đỗ Huyền Trang 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.