Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Lệ Thuỷ (Quảng Bình):

Hành trình 60 năm 'ươm mầm' trên vùng đất 'địa linh nhật kiệt'

GD&TĐ - Trường THPT Lệ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) được thành lập vào năm 1962, trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng.

Tập thể giáo viên, học sinh Trường THPT Lệ Thủy đang từng bước tự khẳng định mình qua từng giai đoạn phát triển, để xây dựng trở thành ngôi trường chất lượng, uy tín hàng đầu của tỉnh Quảng Bình.
Tập thể giáo viên, học sinh Trường THPT Lệ Thủy đang từng bước tự khẳng định mình qua từng giai đoạn phát triển, để xây dựng trở thành ngôi trường chất lượng, uy tín hàng đầu của tỉnh Quảng Bình.

Trải qua những bước thăng trầm gắn liền với lịch sử đất nước, các thế hệ thầy và trò Trường THPT Lệ Thủy, tiền thân là Trường cấp 3 Lệ Thủy luôn vượt lên khó khăn, gian khổ, thử thách; từng bước tự khẳng định mình qua từng giai đoạn phát triển để xây dựng Trường THPT Lệ Thủy trở thành ngôi trường chất lượng, uy tín hàng đầu của tỉnh Quảng Bình.

60 năm “ươm mầm”…

Thời điểm khai giảng khóa học đầu tiên vào tháng 9/1962, Trường cấp 3 Lệ Thủy lúc bấy giờ chỉ có 6 thầy cô giáo, trong đó thầy Vũ Xuân Dương (quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm Hiệu trưởng; trường chỉ có 2 lớp 8 với 86 học sinh. Cơ sở vật chất của trường chỉ có 2 phòng học, 1 phòng Ban giám hiệu làm bằng tranh, tre, rơm rạ và bùn đất trên 3 sào đất mạ bên dòng Kiến Giang lịch sử, giáp rìa làng Phan Xá, địa điểm kho A39 bây giờ.

Những ngày ban đầu với biết bao khó khăn, thiếu thốn, nhưng thầy và trò đã luôn đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, thực hiện tốt nguyên lý giáo dục của Đảng là “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.

Đến năm học 1964 - 1965, trường đã trở thành một trường cấp 3 hoàn chỉnh với 7 lớp (3 lớp 8, 2 lớp 9 và 2 lớp 10). Kết thúc năm học, 86 học sinh khóa đầu tiên của Trường cấp 3 Lệ Thủy đều đỗ tốt nghiệp, hầu hết vào đại học, được đi học ở nước ngoài.

Cựu học sinh khoá 1, Trường cấp 3 Lệ Thủy, nay là Trường THPT Lệ Thuỷ.

Cựu học sinh khoá 1, Trường cấp 3 Lệ Thủy, nay là Trường THPT Lệ Thuỷ.

Năm 1965, chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ nổ ra, Lệ Thủy trở thành tuyến lửa gánh chịu nhiều bom đạn của kẻ thù. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trường phải sơ tán và phân tán về các xã: An Thủy, Liên Thủy, Hồng Thủy. Lớp học trong hầm với biết bao gian khó, vất vả nhưng kết thúc năm học vẫn có trên 95% học sinh đỗ tốt nghiệp.

Những năm 1967 - 1968, nhà trường được lệnh sơ tán ra vùng núi xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa). Trên vai ba lô giáo án, sách vở, gạo muối… thầy, trò vẫn bền bỉ hành quân, vượt nhiều đèo cao, dốc thẳm với quãng đường xa gần 200km mới đến được vùng núi xa nhất Quảng Bình, giáp Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Trường sơ tán nên tạm chia làm hai: Trường A do thầy Trương Quang Thuần làm Hiệu trưởng; Trường B do thầy Nguyễn Văn An làm Hiệu trưởng (năm 1967-1968); thầy Đinh Ngọc Thương làm Hiệu trưởng (năm 1968-1969). Lớp học giữa rừng sâu. Biết bao khó khăn nhưng nhà trường thường xuyên giáo dục học sinh ý thức kỷ luật thời chiến ở nơi sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng nhưng vẫn duy trì hoạt động dạy và học.

Các thế hệ học trò thời điểm đó sẽ mãi khắc ghi phong trào thi đua “Dạy giỏi - Học giỏi” với hình ảnh những người thầy tài hoa, uyên thâm về trí tuệ, đẹp về phong cách, giàu lòng yêu thương học sinh. Từ phong trào ấy, xuất hiện nhiều tấm gương học giỏi, rèn luyện tốt như: anh Lê Thuận Đăng, Đỗ Văn Đồng được kết nạp Đảng khi còn là học sinh cấp 3; các anh Nguyễn Quốc Toàn, Võ Mạnh Hà, Võ Mạnh Hải, Nguyễn Văn Đức, Đỗ Quý Doãn... đều là những học sinh xuất sắc.

Trong hai năm sơ tán ở Ngư Hóa, sự cố gắng vượt bậc của thầy và trò đã được Ty Giáo dục Quảng Bình ghi nhận, được đánh giá là “Trường tiên tiến xuất sắc”, được UBND tỉnh và Bộ Giáo dục tặng Bằng khen. Điều đáng tự hào là dưới các lán học giữa núi rừng đại ngàn, hàng trăm học sinh đã được vào các trường đại học, nhiều học sinh được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Năm 1969, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, trường trở lại bên dòng Kiến Giang trong sự đùm bọc yêu thương của Nhân dân và sự chăm lo của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Nhiệm vụ chính lúc này là vừa học tập vừa sản xuất, tự túc lương thực có ăn để học. UBND huyện Lệ Thủy giao cho trường một vùng đất ở Tam Hương (xã Phú Thuỷ). Ngoài diện tích được giao, hàng năm cứ đến mùa vụ cả trường lại nghỉ học 1 đến 2 tuần để cấy gặt, giúp dân làm ra hạt gạo gửi nhanh vào chiến trường.

Tập thể Sư phạm nhà trường 1980-1981.

Tập thể Sư phạm nhà trường 1980-1981.

Trong muôn vàn khó khăn, gian khổ ấy, thầy và trò vẫn không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” và đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Nhà trường được Thủ tướng Chính phủ 2 lần tặng Bằng khen. Nhiều tổ chuyên môn được công nhận danh hiệu “Tổ lao động XHCN”. Nhiều cán bộ giáo viên được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp Cơ sở, Chiến sỹ thi đua cấp Tỉnh”. Thi học sinh giỏi văn hóa cấp Tỉnh, nhiều học sinh đã đạt giải cao.

Năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Các lớp học lại phải sơ tán vào các khu dân cư, dạy và học trong các nhà hầm dưới lòng đất. Không quản ngại nguy hiểm tính mạng, thầy cô vẫn ngày đêm đến với từng căn hầm để động viên, duy trì phong trào học tập của các nhóm, tổ học sinh.

Cũng trong những năm tháng này, hưởng ứng lời kêu gọi “Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hòa chung với tinh thần của quân dân miền Bắc “Vì miền Nam, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hàng ngàn học sinh của Trường cấp 3 Lệ Thủy đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường B, tham gia vào lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước.

Với những thành quả đạt được trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển. Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập, Trường THPT Lệ Thuỷ sẽ long trọng tổ chức Chương trình Lễ kỷ niệm vào 2 ngày 11 và 12/11/2022, tại địa điểm số 96, đường Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

Ngày 11/11/2022.

Từ 14h-17h: Trường THPT Lệ Thuỷ sẽ tổ chức gặp mặt các thầy, cô giáo;

Từ: 20h-22h: Sẽ diễn ra Chương trình văn nghệ "Tiếng hát ngày hội trường".

Ngày 12/11/2022.

Từ 7h-8h: Sẽ tổ chức tiếp đón đại biểu.

Từ 8h-10h50: Diễn ra Lễ kỷ niệm.

Từ 10h50-11h15: Chụp ảnh lưu niệm và tham quan phòng truyền thống.

Từ 11h15 - 13h: Dự tiệc mừng.

Sự hy sinh của các thầy giáo - liệt sỹ Nguyễn Đình Tuyến, Trần Đình Hia, Trương Huy Hoàng cùng bao học sinh - liệt sỹ đã tô thắm thêm trang sử truyền thống của nhà trường, mãi mãi là niềm tự hào của thầy và trò Trường THPT Lệ Thủy.

Khi đất nước độc lập, thống nhất, bước vào thời kỳ quá độ đi lên xây dựng CNXH, được sự quan tâm của Thường vụ Huyện ủy và Thường trực UBND huyện, phong trào xã hội hóa giáo dục được phát động; mỗi xã, hợp tác xã xung phong đảm nhận xây dựng một phòng học. Vì vậy, trong một thời gian ngắn, hàng chục phòng học và nhà làm việc, khu nội trú đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho quy mô của một trường lớn trên 30 lớp. Trường đã thực sự trở thành một trung tâm giáo dục lớn của huyện nhà.

Khi Bình Trị Thiên hợp nhất, trường được mang tên là Trường PTTH số 1 Lệ Ninh, được đầu tư xây dựng 2 dãy nhà 2 tầng khang trang. Trường tiếp tục phát huy truyền thống “Dạy tốt - Học tốt”, luôn là một trong những trường có chất lượng giáo dục cao, một điểm sáng của Giáo dục Bình Trị Thiên. Hằng năm, có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi tỉnh, thi đỗ vào đại học. Phong trào thể dục, thể thao được đẩy mạnh. Trường PTTH số 1 Lệ Ninh cũng là trường luôn đạt giải cao trong các kỳ Hội khỏe toàn tỉnh Bình Trị Thiên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba, xuất chúng - một người con của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình về thăm Trường THPT Lệ Thuỷ vào năm 1985.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba, xuất chúng - một người con của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình về thăm Trường THPT Lệ Thuỷ vào năm 1985.

Từ năm 1986, thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, thầy và trò Trường THPT Lệ Thủy cũng chuyển mình cùng nhịp sống thời đại. Tuy nhiên, giai đoạn này đất nước còn rất khó khăn, đời sống Nhân dân vất vả, thiếu thốn, học sinh bỏ học nhiều. Biên chế giáo viên giảm từ 80 người xuống còn 40 người; một số giáo viên chuyển về dạy cấp 1, cấp 2.

Bắt nhịp với yêu cầu của thời đại, đổi mới để tồn tại, hội nhập để khẳng định và phát triển, hưởng ứng phong trào thi đua của ngành giáo dục tỉnh nhà và cả nước, thầy và trò Trường THPT Lệ Thủy đã tích cực đổi mới cách dạy, cách học, xây dựng nhà trường văn hóa…

Nhờ vậy, chất lượng dạy và học được giữ vững và từng bước nâng cao. Đội ngũ giáo viên của trường ngày càng được trẻ hóa, chuẩn hóa, có trình độ học vấn cao. Từ đây tên tuổi và đội ngũ giáo viên của Trường THPT Lệ Thủy luôn là niềm tự hào của đồng nghiệp và các thế hệ học sinh tỉnh nhà. Trường là một trung tâm giáo dục chất lượng cao của tỉnh Quảng Bình, một địa chỉ uy tín được phụ huynh và học sinh tin yêu.

Tự hào là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước

Hiện nay, Trường THPT Lệ Thủy có quy mô 30 lớp với 1.255 học sinh. Tổng số cán bộ giáo viên của trường là 70, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 62 giáo viên và 5 nhân viên. 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn. Số cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ là 24, đạt tỉ lệ 34,3%; 100% giáo viên có năng lực chuyên môn khá, giỏi.

Nhiều thế hệ học sinh của Trường THPT Lệ Thuỷ đã vươn lên trong học tập, tích cực học tập, nghiên cứu, đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi.

Nhiều thế hệ học sinh của Trường THPT Lệ Thuỷ đã vươn lên trong học tập, tích cực học tập, nghiên cứu, đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi.

Trong những năm gần đây, chất lượng giáo dục của trường không ngừng được nâng lên, tỷ lệ lên lớp đạt 100%, tỷ lệ học sinh khá giỏi trên 98%, trong đó loại giỏi trên 57%, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp đạt trên 99,5%. Là một trong những trường có kết quả cao hàng đầu trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh. Tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học đạt trên 85%. Phong trào thể dục thể thao, văn nghệ ngày càng được đẩy mạnh.

Có được tầm vóc, vị thế, uy tín của nhà trường hôm nay là nhờ sự đóng góp của các thế hệ các nhà quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo cho sự nghiệp trồng người: Thầy Vũ Xuân Dương, Trần Chấn, Trương Quang Thuần, Đinh Ngọc Thương, Nguyễn Văn An, Nguyễn Đình Thuật, Dương Viết Tuynh, Phạm Xuân Thạnh, Lê Văn Thiên, Nguyễn Văn Thành,…

Các thế giáo viên Trường THPT Lệ Thuỷ chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo địa phương nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017.

Các thế giáo viên Trường THPT Lệ Thuỷ chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo địa phương nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017.

Với bề dày 60 năm xây dựng và trưởng thành, trường đã đào tạo gần 30.000 học sinh tốt nghiệp ra trường, công tác ở mọi miền Tổ quốc. Nhiều học sinh cũ của trường là giáo sư, tiến sĩ. Nhiều người đã và đang là cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các Viện, các trường Đại học, giữ trọng trách ở nhiều lĩnh vực khác nhau: anh Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; anh Nguyễn Văn Đức - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; anh Trương Tấn Viên - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

T.S Nguyễn Hữu Hoài - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, anh Trương Tấn Thiệu - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; GS.TS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội khoá XV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; Thiếu tướng, Giáo sư, NGND Nguyễn Văn Tài - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang - nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15...

Thầy Hà Văn Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lệ Thuỷ (thứ 2 từ phải sang) trao thưởng cho học sinh thanh lịch của trường.

Thầy Hà Văn Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lệ Thuỷ (thứ 2 từ phải sang) trao thưởng cho học sinh thanh lịch của trường.

Bên cạnh đó, từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành. Đó là những cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh, là giám đốc, tổng giám đốc, là chuyên gia kinh tế, doanh nhân thành đạt, là người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ Tổ quốc…

Và ngôi trường bên dòng Kiến Giang cũng đã nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ cho bao nhà thơ, nhà văn có tiếng trên văn đàn thi ca Việt Nam như nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Hải Kỳ, Lê Đình Ty, Trần Quang Đạo, Nguyễn Thế Tường, Thai Sắc...

Phát huy những thành quả đã đạt được, thầy Hà Văn Trung, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Mục tiêu phấn đấu và định hướng của Trường THPT Lệ Thủy trong những năm tới đó là: Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên mạnh về chuyên môn, nhiệt tình, đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật để nâng cao hiệu quả dạy và học.

Đào tạo những công dân tương lai được phát triển toàn diện, mạnh về thể chất, sáng về trí lực, có lối sống lành mạnh, có kỹ năng sống, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để tạo dựng thành công cuộc sống thời hội nhập. Tiếp tục xây dựng trường ngày càng phát triển, giữ vững vị trí dẫn đầu các trường THPT không chuyên của tỉnh Quảng Bình. Tích cực huy động mọi nguồn lực, tăng trưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 3.

Với bề dày 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Lệ Thuỷ đã đào tạo gần 25.000 học sinh tốt nghiệp ra trường, công tác ở mọi miền Tổ quốc.

Với bề dày 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Lệ Thuỷ đã đào tạo gần 25.000 học sinh tốt nghiệp ra trường, công tác ở mọi miền Tổ quốc.

Những thành quả mà nhà trường đã đạt được trong 60 năm qua là niềm vinh dự, niềm tự hào to lớn, nhưng cũng đặt ra một trách nhiệm hết sức nặng nề cho đội ngũ sư phạm.

Với nền tảng 60 năm đầy vinh quang, kiêu hãnh, thầy và trò Trường THPT Lệ Thủy nguyện phát huy truyền thống tốt đẹp, tiếp tục xây dựng và phát triển nhà trường ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin yêu của các cấp lãnh đạo, của các bậc cha mẹ học sinh và các thế hệ thầy, trò đã từng công tác, học tập dưới mái trường thân thương mang tên THPT Lệ Thủy này; xứng đáng với quê hương Lệ Thủy anh hùng, giàu truyền thống hiếu học”, thầy Trung đặt quyết tâm.

60 năm xây dựng, phát triển, Trường THPT Lệ Thủy đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2002, hạng Nhì năm 2013; Thủ tướng Chính phủ tặng 3 Bằng khen; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 7 Bằng khen; Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tặng 2 Bằng khen.

UBND tỉnh Quảng Bình 2 lần tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu khối THPT” của tỉnh, 19 Bằng khen về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, về phong trào thể dục thể thao, trường tiên tiến xuất sắc; 47 năm trường đạt danh hiệu Tập thể Tiên tiến.

Công đoàn nhà trường nhiều năm được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tặng Cờ thi đua, Bằng khen; Đoàn trường 5 lần được Trung ương Đoàn tặng Cờ luân lưu mang chân dung Bác, 26 Bằng khen Trung ương Đoàn, Cờ đơn vị dẫn đầu khối Đoàn trường học trong toàn tỉnh…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.