Hành trang vào đại học: Đừng chủ quan rồi lỡ 'chuyến tàu'

GD&TĐ - Nợ môn, tốt nghiệp muộn, chán nản rồi bỏ học… là những tình huống không hiếm gặp với sinh viên đại học.

Tân sinh viên khóa 2024 Trường Đại học Gia Định làm thủ tục nhập học. Ảnh: Đức Toàn
Tân sinh viên khóa 2024 Trường Đại học Gia Định làm thủ tục nhập học. Ảnh: Đức Toàn

Hành trang với kế hoạch, mục tiêu cụ thể và nỗ lực cần thiết là điều tân sinh viên cần chuẩn bị cho những năm tháng ở giảng đường.

Đủ lý do để nợ môn, tốt nghiệp muộn

N.T.T. (25 tuổi, sinh viên Khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Trường Đại học Văn Lang) phải “bứt tốc” làm luận văn cuối khóa để kịp thời hạn đào tạo. Chương trình T. theo học có thời gian đào tạo 3,5 - 4 năm, tuy nhiên, sinh viên này đang theo học năm thứ… 7 tại trường.

“Năm đầu tiên em chỉ học được một học kỳ rồi bảo lưu một học kỳ tiếp theo bởi lý do cá nhân. Sau đó là quãng thời gian vừa học để kịp tiến độ, vừa học lại các môn nợ. Tuy nhiên, việc nợ môn cứ diễn ra liên tiếp, có những học kỳ em chỉ dành để trả nợ môn”, nữ sinh kể và cho biết: Ngoài việc bị “sốc” do chưa quen với môi trường ở bậc đại học, em còn bị vướng vào “vòng xoáy” của công việc làm thêm.

“Thời gian đầu, em chủ quan do nghĩ thời gian còn dài. Tuy nhiên, việc trả nợ môn sau đó càng lúc càng khó, vì không phải môn học lúc nào cũng có sẵn để đăng ký. Lúc đăng ký được thì lại bận công việc bên ngoài. Do ham kiếm tiền nên em lại bỏ học”, T. nói.

T. không phải là trường hợp cá biệt trong hàng trăm nghìn sinh viên ở các trường đại học hiện nay. Hằng năm, các trường đại học trên cả nước đều công bố danh sách sinh viên bị cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học, trong đó không ít em rơi vào trường hợp nợ môn (nợ quá số lượng tín chỉ cho phép), thời gian học tập vượt quá giới hạn theo quy định.

Bước vào giảng đường đại học với môi trường sống, phương pháp học tập khác xa bậc phổ thông, nhiều sinh viên chủ quan, chưa có phương pháp học tập đúng đắn… đã rơi vào tình trạng chán nản, bỏ học, tốt nghiệp muộn...

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông, Trường Đại học Quốc tế, giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) kể câu chuyện cô được nghe, gần đây, có một sinh viên tại TPHCM đã chọn cách tự kết thúc cuộc đời mình sau khi không thể tốt nghiệp đúng hạn.

“Đọc thông tin này, tôi nhớ đến nhiều trường hợp khác cũng đối mặt với áp lực tương tự trong học tập, dẫn đến căng thẳng với gia đình, bạn bè, cùng với những lo lắng về kinh tế và định hướng tương lai”, ThS Ngọc cho biết.

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc dẫn số liệu từ các trường đại học và nhận định, sinh viên nợ môn, tốt nghiệp muộn, quá hạn đào tạo… là phổ biến. Ví dụ, nếu một trường có 2.000 sinh viên nhập học mỗi năm, thông thường khoảng 1.000 - 1.200 sinh viên trong số đó tốt nghiệp đúng hạn. Điều này đồng nghĩa, khoảng 800 - 1.000 em chậm tốt nghiệp, lý do chủ yếu đến từ việc nợ chuẩn đầu ra hoặc nợ môn học.

ThS Ngọc đưa ra những nguyên nhân khiến sinh viên nợ môn hoặc tốt nghiệp muộn. Thông thường, mỗi trường đại học có yêu cầu khác nhau về chuẩn đầu ra như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Thêm vào đó, nhiều sinh viên phải hoãn xét tốt nghiệp do thiếu môn học hoặc nợ môn vì không tập trung trong quá trình học. Cũng có trường hợp chủ quan, không tập trung sức lực, trí lực để học tập, tích lũy đủ tín chỉ, chứng chỉ mà sa đà vào các hoạt động vui chơi game, nhậu nhẹt hay đánh bạc…

ThS Nguyễn Võ Nguyên Anh - Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM nhận định, tình trạng ra trường trễ của sinh viên ở bậc đại học có xu hướng tăng dần.

Thực trạng này xuất hiện bởi nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất là sinh viên đang tập trung quá nhiều thời gian cho việc đi làm thêm để kiếm tiền. “Sinh viên đi làm thêm là việc đáng khuyến khích. Tuy nhiên, nếu phân bổ thời gian không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, cũng như chưa kịp hoàn thành các chứng chỉ để ra trường”, ThS Nguyên Anh cho biết.

hanh-trang-vao-dai-hoc-1-7832-9084.jpg
Tân sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) trong lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: HCMUT

Cần mục tiêu, kế hoạch và nỗ lực cụ thể

Theo TS Hoàng Thịnh Nhân - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, để có thể học tốt ở bậc đại học, ra trường đúng hạn, sinh viên phải xác định mục tiêu rõ ràng và lên kế hoạch cụ thể. Khi bước vào giai đoạn năm 3 - 4, sinh viên dành thời gian xem lại mục tiêu học tập và nghề nghiệp; xem mình đang ở đâu trong hành trình học tập, còn bao nhiêu tín chỉ và môn học cần hoàn thành, từ đó lập kế hoạch chi tiết cho từng học kỳ.

Các em cũng cần biết quản lý thời gian hiệu quả, tạo ra lịch học rõ ràng, phân chia thời gian cho việc học, ôn tập và các hoạt động ngoại khóa hợp lý. Điều này sẽ giúp mỗi người tối ưu hóa việc học và các hoạt động khác.

Ở bậc đại học, kỹ năng tự học là yếu tố quyết định để sinh viên có thể học nhanh và hiệu quả hơn. Đặc biệt trong năm 3 - 4, khối lượng kiến thức ngày càng phức tạp, người học cần phải chủ động tìm hiểu, học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau.

“Các bạn cần tập trung vào việc rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, viết báo cáo và thuyết trình. Những kỹ năng này không chỉ giúp các em đạt kết quả tốt trong học tập mà còn cần thiết cho sự nghiệp sau này”, TS Nhân đưa ra lời khuyên và chia sẻ một số phương pháp để học tập hiệu quả ở bậc đại học như thường xuyên tương tác với giảng viên và bạn bè; tham gia thực tập hoặc dự án thực tế; tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ nhà trường; cân bằng giữa học tập và sức khỏe…

Nói riêng về vấn đề làm thêm ở bậc đại học, ThS Nguyễn Võ Nguyên Anh khuyên sinh viên xác định học tập là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn còn ngồi trên ghế giảng đường. “Cần xác định học tập là con đường bền vững dẫn đến thành công, còn đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm. Điều này giúp sinh viên tập trung đầu tư thời gian việc học cho hợp lý”, ThS Nguyên Anh nói.

Tại lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Ban đại diện Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa lấy câu chuyện từ bản thân mình (một cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa ngành Nâng chuyển và Bốc xếp) khuyên sinh viên chuẩn bị hành trang thật tốt trên hành trình mới tại giảng đường đại học.

Trong đó, ông nhấn mạnh tính kỷ luật: Chúng ta có sự tự do nhất định, nhưng cũng chính là thời điểm phải giằng xé giữa cái mình đeo đuổi cho tương lai và cái thích trước mắt. Chúng ta có thể lướt web say sưa và đến khi coi lại đồng hồ thì 3 giờ, không thức dậy nổi để đi học. Xin các em lưu ý tính kỷ luật trong môi trường đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ