Do đó, môn Tin học theo Chương trình GDPT 2018 khi triển khai bắt buộc sẽ trang bị cho học sinh năng lực, kỹ năng thích ứng chuyển đổi số.
Bảo đảm quyền được học
Triển khai dạy học Tin học bắt buộc gặp không ít thách thức về nhân lực, vật lực. Tuy nhiên, các nhà trường, giáo viên đã không ngừng nỗ lực để đảm bảo quyền được học của học sinh (dù ở nơi thuận lợi hay khó khăn); không “mù” công nghệ và đạt chuẩn đầu ra theo quy định.
Thầy NguyễnThanh Tuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Hà (Quản Bạ, Hà Giang) cho biết: Năm học trước, trường vẫn “trắng” về cơ sở vật chất, giáo viên dạy Tin học. Song bước vào năm học 2022 - 2023, trường đã chuẩn bị được phòng Tin học chuyên biệt với 25 đầu máy. Nguồn cơ sở vật chất quan trọng có được do Ban giám hiệu, giáo viên cùng nhau kêu gọi, huy động suốt thời gian dài để tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện.
Việc chuẩn bị nhân lực khi không có chỉ tiêu biên chế giáo viên Tin học, khó khăn hợp đồng ở vùng cao cũng được nhà trường chủ động tháo gỡ bằng cách chọn giáo viên văn hóa (trẻ tuổi, có khả năng công nghệ thông tin (CNTT) tốt) cử đi đào tạo văn bằng 2 môn Tin học từ sớm. Do đó, bước vào năm học mới, giáo viên đã hoàn thành đào tạo, có thể đáp ứng đủ yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy.
Với học sinh khối 3 tại 2 điểm trường lẻ không thể dồn về trường chính (do điều kiện bán trú không đảm bảo), trường bố trí giáo viên lên tận nơi giảng dạy các tiết lý thuyết. Tiết thực hành sẽ di chuyển học sinh về điểm chính học tập trên máy do khoảng cách giữa 2 điểm trường không quá xa.
“Để chuẩn bị các điều kiện triển khai dạy học Tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3 trong khi thiếu thốn cả cơ sở vật chất lẫn nhân lực đòi hỏi sự chủ động, nỗ lực lớn của toàn trường. Hiện trường tiếp tục cử giáo viên văn hóa học văn bằng 2 Tin học để có đủ giáo viên giảng dạy khối 4, 5 những năm tiếp theo…”, thầy Tuyên khẳng định.
“Đảm bảo chất lượng đầu ra môn Tin học không đáng lo ngại bởi chuyên môn giáo viên dạy Tin học hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo Chương trình GDPT mới. Hơn thế, trường đã triển khai Tin học tự chọn nhiều năm nay, đây là nền tảng thuận lợi để việc dạy học bắt buộc thành công thời gian tới...”, thầy Mạnh tự tin chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng cho biết đã có sẵn giáo viên Tin học nên triển khai dạy môn Tin học thuận lợi. Về cơ sở vật chất, tuy không được đầu tư mới nhưng đã tu bổ, nâng cấp 25 máy tính đáp ứng việc dạy và học trước mắt. Để khắc phục tình trạng số học sinh nhiều hơn máy tính/lớp, trường sẽ ghép 2 học sinh/máy (với một số máy nhất định). Thời gian tới, bên cạnh huy động nguồn lực để tăng cường số lượng máy, trường sẽ tiết kiệm các khoản chi tiêu để bổ sung thêm.
Trong tâm thế đã hoàn tất các điều kiện triển khai Tin học bắt buộc (với 2 phòng máy, 45 máy kết nối mạng, đủ về số lượng giáo viên giảng dạy), cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Tiểu học Phong Khê (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) cũng cho biết, trường sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua đồng hành trong hoạt động tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên; cùng giáo viên tháo gỡ khó khăn trong quá trình dạy học… hướng tới mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thế hệ công dân số hội nhập…
Trường Tiểu học Định Sơn (Cẩm Giàng, Hải Dương). Ảnh: NTCC |
Hành trang hội nhập và phát triển
Tin học trở thành môn bắt buộc theo Chương trình GDPT mới từ lớp 3 dưới góc nhìn của TS Hoàng Thị Mai, Trưởng khoa KHTN&CN (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), Chủ biên sách giáo khoa Tin học 3, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” được xem như bước chuẩn bị cần thiết những năng lực, kỹ năng… thích ứng với chuyển đổi số cho học sinh từ tiểu học.
Bởi nếu là môn tự chọn sẽ có tình trạng trường làm trường không, học sinh sẽ không có cơ hội tiếp cận Tin học một cách công bằng ở các điều kiện khác nhau. Do đó, Tin học trở thành môn bắt buộc, dạy bài bản từ lớp 3, TS Hoàng Thị Mai cũng bày tỏ tin tưởng không chỉ giúp học trò có thể sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập mà còn biết cách dùng an toàn, hình thành tư duy giải quyết vấn đề có sự hỗ trợ của máy tính.
Đáng nói, Tin học sẽ hỗ trợ tích cực trong việc hình thành tư duy tính toán sớm ở học sinh bởi tư duy tính toán được đưa vào bài học và trở thành nền tảng xuyên suốt từ lớp 3 đến hết phổ thông. Từ đó hình thành nền tảng cơ bản, chắc chắn chuẩn bị cho học sinh trở thành công dân số hội nhập.
Triển khai Tin học bắt buộc lớp 3 để đáp ứng chuẩn đầu ra theo yêu cầu, TS Hoàng Thị Mai lưu ý các nhà trường cần đảm bảo chất lượng giáo viên. Môn Tin học bao gồm cả khoa học và công nghệ, nếu giáo viên không được bồi dưỡng, hiểu không đúng tinh thần Chương trình GDPT mới (xem nặng công nghệ, nhẹ phần khoa học…) sẽ mất đi tính đặc thù của chương trình.
Đồng thời, môn Tin học lớp 3 có thời lượng thực hành không nhiều (theo quy định 35% thực hành, 65% triển khai không cần điều kiện máy móc) nhưng về nguyên tắc khi là môn bắt buộc nhất định phải đủ điều kiện triển khai, không để học sinh thực hành “chay”. Mặt khác, nhà trường, giáo viên đã được trao quyền chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch giáo dục thì cần có kế hoạch phù hợp với đặc thù điều kiện thực tế. Tránh bị động, khuôn mẫu ảnh hưởng hiệu quả giáo dục nói chung, nhận thức của học sinh nói riêng…
Trong thời đại số, việc dạy học Tin học bắt buộc từ lớp 3 cần thiết cho sự hình thành và phát triển khả năng sử dụng công cụ kỹ thuật số của học sinh. Hơn thế, trong bối cảnh dịch bệnh chưa được “khống chế” hoàn toàn thì Tin học bắt buộc sẽ trang bị cho học sinh năng lực cần thiết về CNTT để phục vụ học tập. - Thầy Đào Chí Mạnh