Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh- Vụ trưởng GD Mầm non, (Bộ GD&ĐT) cho biết: Chương trình GDMN ban hành năm 2009 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu về lý luận và thực tiễn trong phát triển GDMN Việt Nam và tiếp cận những xu hướng tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, theo đánh giá của các chuyên gia của các cơ quan quản lý, ý kiến của các địa phương, chương trình GDMN có nhiều ưu việt và nâng cao chất lượng, chăm sóc giáo dục toàn diện trẻ em GDMN.
Các địa phương đã quan tâm chăm lo giáo dục cho trẻ, nâng cao chất lượng đội ngũ, bố trí đủ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao quản lý chuyên môn để triển khai thực hiện một cách chất lượng chương trình GDMN.
Tuy nhiên, để tiếp cận xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay thì chương trình GDMN hiện hành còn một số điều hạn chế, cần phải chỉnh sửa để giải quyết một số vấn đề trong thực tiễn.
Nội dung giáo dục trong chương trình khung quá cụ thể, chi tiết dẫn đến nhiều giáo viên thiếu tính sáng tạo trong việc xây dựng nội dung giáo dục cho trẻ, không dựa trên khả năng, năng lực của học sinh và đặc điểm địa phương.
Phương pháp giáo dục còn bó hẹp trong các phương pháp truyền thống; thời gian thực hiện chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ hiện nay đang nhiều hơn số giờ lao động của giáo viên theo Luật Lao động.
Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất về định hướng đổi mới chương trình GDMN sau năm 2020. Theo đó, chương trình GDMN cần bổ sung những nội dung giáo dục về tin học, ngoại ngữ.
Cần có những điều chỉnh về chế độ chính sách và cơ chế thực hiện thúc đẩy phát triển khối nhà trẻ; rà soát, xem xét lược bỏ các nội dung quá cụ thể, chi tiết dẫn đến giáo viên triển khai dễ bị khuôn mẫu, cứng nhắc.
Một số đại biểu mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục phát huy những điểm mạnh của chương trình hiện hành, tiếp tục xây dựng chương trình GDMN dưới dạng chương trình khung. Khuyến khích các địa phương, cơ sở giáo dục phát triển chương trình đáp ứng tầm nhìn chiến lược, mục tiêu phát triển, điều kiện thực tiễn tại cơ sở.
Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung những nội dung như khuyến khích các cơ sở GDMN cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chương trình để có sự thống nhất giữa các văn bản và làm căn cứ pháp lý giúp các địa phương xây dựng cơ chế xã hội hóa ngoài tiền học phí hỗ trợ cho đời sống giáo viên.