Với nhà giáo Phạm Đức Nam - Giám đốc Trung tâm, nhìn thấy sự tiến bộ của các em mỗi ngày, cán bộ (CB) GV trung tâm cảm nhận được những nỗ lực của mình đã chạm đến tất cả học trò. Ai nấy đều mong muốn các em có tri thức dày, tâm hồn đẹp, nhân cách sáng, vững vàng bước vào tương lai đang chờ đón ở phía trước…
Trân trọng nghị lực của trò
Thầy Nam cho biết: Với bề dày truyền thống, vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn với các thế hệ thầy và trò Trung tâm để làm sao kế tục được sự nghiệp của những người đi trước, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ chính. Đó là công tác xóa mù chữ, giáo dục sau xóa mù chữ; bổ túc THCS, THPT, chương trình THPT thí điểm; dạy nghề phổ thông, hướng nghiệp, giáo dục cộng đồng, các câu lạc bộ (CLB) chuyên đề đáp ứng nhu cầu người học…
Các lớp học lần lượt được mở ra, các thầy cô tạm gác lại những nhọc nhằn, bộn bề của cuộc sống để mang tri thức đến cho các em. Thầy Nam cho biết: Không ít em sau khi hoàn thành chương trình xóa mù chữ, tiếp tục hoàn thành chương trình tiểu học, THCS, bổ túc THPT. Khi ra trường, có kiến thức trong tay, nhiều em tìm được việc làm phù hợp.
Điều mà thầy cô nơi đây trân trọng nhất, đó là nghị lực vươn lên của học trò, nhất là những em khuyết tật, khiếm thị, hay có hoàn cảnh khó khăn… Thầy chia sẻ: Người khiếm thị rất thông minh, ham học, khát khao được trau dồi ánh sáng văn hóa. Tuy nhiên, cơ hội học tập với họ không nhiều. Nhiều địa phương không có điều kiện giảng dạy cho đối tượng này, vì vậy họ phải chịu thiệt thòi. Từ năm 1993, Trung tâm mở lớp nhận dạy cho HS khiếm thị. Đặc điểm của lớp là các em có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và phải đi học cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, đòi hỏi GV phải năng động, sáng tạo, chấp nhận dạy vào ngày nghỉ. Ngoài ra nhiều khi phải quên đi quyền lợi riêng của bản thân để giúp HS khiếm thị thêm cơ hội hoà nhập vào cộng đồng.
Cùng với đó, dù chỉ là trung tâm giáo dục của quận Hoàn Kiếm nhưng học sinh khiếm thị đến từ khắp các quận, huyện của Hà Nội và cả nhiều tỉnh, thành phố khác. Vì thế, các em đều có nhu cầu học bán trú trong hai ngày cuối tuần. Thương HS nghèo, các GV mang cả nồi niêu, gạo nước đến trường nấu cho các em ăn.
Thầy cô cùng học
Không chỉ có tấm lòng, GV dạy HS khiếm thị của Trung tâm còn phải trang bị cho mình phương pháp giảng dạy phù hợp, dù chưa từng được đào tạo ở trường sư phạm. Các thầy cô giáo phải khổ công học tập trong thời gian dài, không những có thể đọc, viết chữ nổi, đánh máy tính chữ nổi mà còn phải thu băng chuẩn bị bài giảng để HS có thể nghe lại ở nhà… Đến nay, Trung tâm đã và đang đào tạo hơn 200 HS khiếm thị; có trên 100 em tốt nghiệp THPT, nhiều em thi đỗ vào trường ĐH-CĐ. Khi ra trường, các em đã có việc làm ổn định, đảm nhận công tác ở Hội người mù các cấp của Hà Nội và tỉnh/thành khác…
Làm công tác quản lý, nhưng nhà giáo Phạm Đức Nam vẫn tham gia dạy môn Văn cho HS khiếm thị. Tận tâm, đồng cảm với từng học trò, anh xúc động khi nói về HS lớn tuổi nhất Nguyễn Những, năm nay 53 tuổi vẫn lặn lội từ Hưng Yên về Trung tâm học; em Ngô Văn Hiếu tốt nghiệp khoa Toán-Tin, Trường CĐSP Hà Nội (hiện là thầy giáo dạy môn Toán Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu). Đó là em Khúc Hải Vân được phong danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin đã thiết lập được phần mềm đọc sách giáo khoa cho HS khiếm thị. Em Chu Văn Hòa đã hoàn thành khóa học thạc sĩ. Em Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Thảo Đan có khả năng đàn, hát rất hay, đang theo học tại Nhạc viện Hà Nội…
Ngô Văn Hiếu - cựu HS của Trung tâm cho biết: Tôi thuộc HS khóa đầu tiên được theo học chương trình giáo dục cho HS khiếm thị tại Trung tâm GDNN-GDTX Nguyễn Văn Tố. Thời gian học tại Trung tâm, tôi và các bạn cảm nhận được tấm lòng yêu thương, thấu cảm với HS của thầy cô nơi đây. Các thầy cô đã “tiên phong” sáng tạo và can đảm gây dựng một hình thức giáo dục khá khó khăn, nhưng là bước đệm để HS khiếm thị học xong THCS ở Trường Nguyễn Đình Chiểu có cơ hội được học tập tiếp.
Hiếu chia sẻ: Không chỉ sáng tạo, tự tìm tòi phương pháp dạy học, tài liệu dạy học cho HS khiếm thị, các thầy cô còn tận tâm kết nối với tổ chức để hỗ trợ thêm điều kiện học tập cho học trò… Nhờ sự đồng hành của thầy cô ở Trung tâm, chúng tôi từng bước trưởng thành. Bản thân tôi từng theo học Trường CĐ Sư phạm Hà Nội và trở thành GV dạy Toán của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu từ năm 2008 đến nay…