An toàn là hạnh phúc
Đối với học sinh khiếm thính, các thầy cô không chỉ giúp các em học tập, vui chơi, mà còn giúp các em hòa nhập với thế giới xung quanh.
Ở trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội), môi trường dạy hòa nhập có cả học sinh bình thường và học sinh khiếm thính. Tại đây, học sinh được học tập,vui chơi, hòa nhập và thực sự “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Thầy Phạm Văn Hoan – Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn chia sẻ: “Khi chúng ta hết lòng với học sinh, thì khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua.Ở trường, việc bảo đảm an toàn đối với học sinh chưa bao giờ là vấn đề đơn giản. Làm thế nào để học sinh khiếm thính được giao tiếp, hòa nhập với học sinh bình thường.Và làm thế nào để học sinh bình thường yêu thương, chăm sóc học sinh khiếm thính để các con có tấm lòng nhân hậu hơn là bài toán mà giáo viên luôn trăn trở”.
Học sinh của trường PTCS Xã Đàn đến từ mọi địa bàn của Hà Nội trong đó có những em nhà ở rất xa. Trường lại chưa có khu nội trú nên hàng ngày, các em phải đi một quãng đường xa, qua nhiều chặng xe bus, ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe.
An toàn trong trường học được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, phòng chống bạo lực học đường cũng là ưu tiên số 1 trong các nhà trường.
Bạo lực học đường có thể rất dễ nhận ra, nhưng cũng có thể không dễ dàng phát hiện bởi tính đa dạng của nó và sự cố tình giấu diếm của người vi phạm.
Theo thầy Phạm Văn Hoan: “Muốn phòng chống bạo lực học đường hiệu quả, phải có sự thống nhất, quyết tâm của toàn hệ thống, đặc biệt là người đứng đầu. Phải có sự hiểu biết để phát hiện ra mọi góc khuất của tình trạng bạo lực học đường. Phải có lòng yêu thương tận tụy với học sinh, coi nỗi đau, nỗi buồn của các em như của chính con, cháu chúng ta.Cuối cùng, cần có sự kết hợp hiệu quả của gia đình – nhà trường – xã hội để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho các con”.
Người thầy không chỉ nhân hậu mà phải hài hước
Trong quá trình dạy học, mỗi giáo viên thường gặp những tình huống rất khó khăn mà đôi khi phải có kinh nghiệm và tấm lòng bao dung lớn mới có thể xử lý được tình huống sư phạm một cách tốt đẹp. Với những học sinh ngỗ nghịch hay cá tính, các thầy cô thường phải cân nhắc nhiều hơn để giải quyết các tình huống mà các con gây ra.
Thầy Hoan cho rằng: “Nếu các thầy cô luôn thể hiện được tình yêu lớn với học trò, kể cả những lúc mình nghiêm khắc nhất thì thường sẽ lay động được trái tim của các em. Với những trường hợp khó khăn, các thầy cô có thể đi “đường vòng” qua những câu chuyện thực tế, qua những tình huống gây bất ngờ với học trò nhưng mang lại xúc cảm sâu sắc sẽ có tác dụng tích cực”.
Học sinh trường PTCS Xã Đàn luôn vui vẻ khi đến trường |
Tuy nhiên, trong môi trường sư phạm hay bất cứ đâu, việc mắng mỏ hay trách phạt cần tránh. Bởi vì, nó thường mang lại hiệu ứng xấu và dẫn tới việc giáo dục các em gặp khó khăn hơn. Không chỉ ở trường PTCS Xã Đàn, mà ở bất kỳ cơ sở giáo dục nào, thì thầy cô giảng dạy trực tiếp học sinh sẽ là người quan trọng nhất đối với các em.
Để học sinh yêu mến và sẵn sàng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, là điểm tựa cho học sinh, người thầy trước hết phải có chuyên môn vững vàng, có tâm lòng nhân hậu và đôi khi cũng cần có chút hài hước, sự cảm thông với từng hoàn cảnh học sinh.