Chia sẻ với độc giả Báo Giáo dục & Thời đại, cô Lê Thu Hương – Nhân vật trong tác phẩm "U Hương của những học sinh khiếm thị" - đoạt Giải A phát thanh cuộc thi "Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục" năm 2018 cho biết, đa phần người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng rất mong muốn được học tập, hòa nhập và được công nhận trong cộng đồng.
Hơn nữa, đây cũng là cái duyên, khi các học sinh khuyết tật mắt của Hà Nội những năm 1996 sau khi tốt nghiệp THCS Nguyễn Đình Chiểu thì chưa có trường nào dạy tiếp các em trình độ THPT. Các em đã mạnh dạn tìm đến Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố để xin học tiếp. Được sự đồng ý của Sở GD&ĐT Hà Nội, lớp học khiếm thị đầu tiên đào tạo trình độ bổ túc THPT được hình thành.
Cô Hương rất tự hào vì rất nhiều học sinh khiếm thị sau khi tốt nghiệp hệ THPT tại Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố, tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, TCCN và trở về phục vụ hiệu quả tại cộng đồng người khiếm thị, trong đó có học sinh khiếm thị đầu tiên liên hệ với nhà trường để xin học tiếp là Ngô Văn Hiếu, tốt nghiệp khoa Toán Tin - CĐSP Hà Nội, hiện đang là giáo viên dạy môn Toán Tin tại THCS Nguyễn Đình Chiểu.
Hai chàng “Hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Sơn Hà và Khúc Hải Vân, sau khi tốt nghiệp đại học đã thành lập ra Trung tâm “Tia Sáng”, chuyên đào tạo CNTT cho các học sinh khiếm thị , sáng lập ra phần mềm, giáo trình học vi tính cho những người khiếm thị…
Trong quá trình dạy học, cô Hương nhận thấy, chính sự tương tác trong quá trình dạy và học thực tế của cô và trò sẽ khơi nguồn cho mọi đam mê sáng tạo để cùng khám phá kho tàng tri thức.
Ví dụ: Khi dạy về giá trị lượng giác của các cung có liên quan đặc biệt (Toán 10), cô đang cố gắng tìm cách diễn giải thì một học sinh "xem" đồng hồ, vậy là ý tưởng sử dụng chính chiếc đồng hộ làm dụng cụ dạy học nảy sinh. Trục tung đi qua số 6 và số 12, trực hoành đi qua số 9 và số 3; gốc tọa độ chính là chốt kim đồng hồ; đường tròn lượng giác chính là vành đồng hồ... Nhờ đó học sinh dễ tưởng tượng và dễ áp dụng trong thực tế sử dụng.
Tâm huyết của cô Hương trong việc truyền dạy kiến thức cho học sinh khiếm thị còn được thể hiện qua "Bộ đồ dùng dạy Toán cho học sinh khiếm thị", được ghi nhận bằng giải nhất Quốc gia trong cuộc thi “Sáng tạo đồ dùng dạy học” do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức năm 2008.
Cô Hương cho biết, bộ đồ dùng của cô sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, dễ làm, mọi người đều có thể làm được. Chỉ với băng dính hai mặt, phấn rôm, bút màu là có thể tạo bộ đồ dùng như ý.
Đặc thù nhận biết của học sinh khiếm thị là các hình nổi. Vì vậy, cách làm đồ dùng cũng đơn giản, quan trọng là đảm bảo học sinh sử dụng xúc giác để nhận biết: Photo hình vẽ, đồ thị trong sách giáo khoa; vê băng dính hai mặt thành sợi, uốn theo các hình vẽ; dùng phấn rôm phủ cho bớt dính; dùng bút màu tô trang trí. Cuối cùng là châm chữ nổi để chú thích cho các hình vẽ.
Khi làm bộ đồ dùng này, cô mong muốn kinh nghiệm của mình được phổ biến rộng rãi để các gia đình, các thầy cô dạy học sinh khiếm thị có thể áp dụng để tự làm đồ dùng dạy học cho con.
Trong suy nghĩ của cô Hương, nhu cầu học để biết cùng với trí tưởng tượng vô cùng phong phú của học sinh khiếm thị chính là nguồn cảm hứng lớn nhất cho mọi sáng tạo của mỗi giáo viên.