Hạnh phúc vỡ òa của những cặp vợ chồng hiếm muộn

GD&TĐ - Không ít cặp vợ chồng đã 'vỡ òa' trong hạnh phúc, khi chào đón thiên thần đến với gia đình sau hành trình dài kiên trì 'tìm con'.

BSCKII Lê Công Tước mổ lấy thai cho sản phụ Đặng Thị Thật. Ảnh: BVCC
BSCKII Lê Công Tước mổ lấy thai cho sản phụ Đặng Thị Thật. Ảnh: BVCC

Có con sau hơn một thập kỷ bên nhau

Hiếm muộn là một trong những nỗi đau không nói thành lời của bất cứ cặp vợ chồng nào. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến vấn đề này có thể xuất phát từ người chồng, người vợ hoặc cũng có thể do cả hai phía.

Nguyên nhân xuất phát từ người chồng thường gồm: Chất lượng tinh trùng kém, số lượng tinh trùng không đủ, xuất tinh sớm, yếu sinh lý… Trong khi đó, nguyên nhân xuất phát từ người vợ thường bao gồm: Tổn thương vòi trứng, rối loạn chu kỳ rụng trứng, u buồng trứng, nhiễm trùng vùng chậu, lạc nội mạc tử cung hay do tuổi tác.

Song, không ít cặp vợ chồng đã “vỡ òa” trong hạnh phúc, khi chào đón thiên thần đến với gia đình sau hành trình dài kiên trì “tìm con”. Vừa qua, gia đình anh Đàm Văn Tuân (SN 1988) và chị Trần Thị Hương (1992) quê Tuyên Quang đã hạnh phúc chào đón con đầu lòng sau 12 năm mong chờ.

Trong hành trình tìm con, anh chị đã phải đối mặt với vô vàn áp lực. Hai vợ chồng anh Tuân - chị Hương từng mất hết hi vọng sau 2 lần chuyển phôi không thành công, kinh tế gia đình khó khăn.

Năm 2009, anh Tuân và chị Hương quyết định về chung một nhà. Song, sau nhiều mong chờ, chị Hương vẫn chưa thể mang thai. Một năm sau kết hôn, đôi vợ chồng bắt đầu hành trình “tìm con” khắp mọi nơi. Ai chỉ đâu có thuốc hay thầy giỏi, anh Tuân chị Hương cũng tìm tới, nhưng không có kết quả.

Một thời gian sau, vợ chồng chị Hương quyết định đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khám. Bác sĩ kết luận, anh Tuân bị viêm tinh hoàn biến chứng quai bị ngày còn nhỏ, nên ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng. Do không phát hiện sớm nên lâu dần gây vô sinh hiếm muộn.

Sau đó, anh Tuân được kê thuốc uống điều trị để nâng cao chất lượng tinh trùng. Cuối năm 2020, chị Hương bắt đầu thực hiện chọc trứng và tạo được 12 phôi. Tháng 6/2021, chị Hương được bác sĩ chuyển phôi thành công.

“Cầm trên tay kết quả xét nghiệm Beta HCG thông báo có thai mà tay em run lên vì hạnh phúc, cảm giác hạnh phúc em tìm kiếm suốt 12 năm ròng rã mới có được”, chị Hương chia sẻ.

Hy vọng “kiếm con” nhờ thuốc Bắc, thuốc Nam

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh trung bình của các cặp vợ chồng trên toàn cầu là từ 6 - 12%. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất.

Các chuyên gia khuyến cáo, với những cặp vợ chồng, khi duy trì đời sống tình dục bình thường, không sử dụng biện pháp tránh thai, dưới 35 tuổi, trong vòng 1 năm vẫn chưa thấy mang thai thì nên đi thăm khám vô sinh, hiếm muộn. Với người trên 35 tuổi, trong vòng 6 tháng chưa thấy mang thai thì nên đi thăm khám.

Cũng trải qua nhiều trắc trở, anh Dũng và chị Thành đã không khỏi xúc động khi chào đón thiên thần nhỏ sau 13 năm. Vợ chồng anh chị kết hôn vào năm 2004.

Dù không dùng biện pháp tránh thai, nhưng sau một năm, anh chị vẫn không thấy tin vui. Một năm sau đó, anh chị quyết định tới bệnh viện thăm khám để tìm nguyên nhân. Bác sĩ chẩn đoán, anh Dũng bị viêm tinh hoàn nặng do biến chứng của bệnh quai bị, nên dẫn đến vô tinh.

Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Dũng - chị Thành chỉ biết tìm đến các loại thuốc nam, thuốc bắc để hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến. Chị Thành tâm sự, hai vợ chồng đã “lên rừng xuống biển”, rong ruổi hết tỉnh này sang tỉnh khác để cắt thuốc uống.

Có những lần anh chị đi lạc cả vào rừng trên chiếc xe máy cũ, tìm mãi không thấy đường ra. Bởi, khi đó, có người mách rằng, trong rừng ấy có ông lang bắt mạch cắt thuốc mát tay.

10 năm trôi qua, dù uống không biết bao nhiêu thang thuốc, đi không biết bao nhiêu nơi, nhưng không có kết quả. Anh chị quyết định vay mượn tiền để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Năm 2016, anh chị tới trung tâm công nghệ phôi tại Hà Nội. Sau thủ thuật PESA (chọc hút tinh trùng từ mào tinh), anh chị được thông báo có thể làm IVF vì đã tìm thấy tinh trùng của anh. Ngay từ lần đầu tiên chuyển phôi, chị Thành có thai.

Song, ở tuần thứ 9, bác sĩ thông báo, không có tim thai. Anh chị lại một lần nữa tìm đến thuốc bắc, thuốc nam với hy vọng cứu được em bé. Tuy nhiên, 2 tuần sau, chị phải nhập viện cấp cứu vì thai lưu lâu trong bụng mẹ.

Sau hơn một năm, anh chị quyết định “tìm con” một lần nữa tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Sau khi mang thai, chị được chẩn đoán là bị nhau tiền đạo - một trong những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.

Đến tuần thứ 31, chị bị ra máu bất thường ồ ạt, phải cấp cứu. Được các bác sĩ thăm khám và theo dõi, cố gắng giữ bé trong bụng mẹ từng ngày, cuối cùng vào tuần thứ 36, chị đã hạ sinh khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ.

Vừa qua, ngày 12/2, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cũng chào đón “công dân đặc biệt” ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF. Chị Đặng Thị Thật (32 tuổi, trú tại xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) và chồng - anh Thạch, đã không khỏi vui mừng, xúc động khi chào đón con đầu lòng.

“Sau 2 năm kết hôn, mặc dù đã dùng rất nhiều loại thuốc đông - tây y hỗ trợ việc thụ thai, nhưng vợ chồng tôi mãi vẫn không có tin vui. Chúng tôi đã từng rất tuyệt vọng”, anh Thạch tâm sự.

Đầu năm 2022, anh chị tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang thăm khám vô sinh - hiếm muộn. Dựa trên các kết quả siêu âm, chụp X-quang, bác sĩ chẩn đoán chị Thật bị vô sinh do tắc 2 bên vòi trứng nên không thể mang thai tự nhiên. Giải pháp duy nhất để có con là thụ tinh trong ống nghiệm IVF.

Sau quá trình khám và kích trứng, dùng thuốc rụng trứng, ngày 28/5/2022, bác sĩ chọc trứng cho chị Thật. Ngày 31/5, chị được chuyển 2 phôi tươi trong số 14 phôi được tạo ra từ phòng Lab.

Hơn một tuần kể từ ngày chuyển phôi, chị Thật thử que lên 2 vạch. Ngày 12/2, ca mổ lấy thai do Thầy thuốc Ưu tú, BSCKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện và BSCKI Thân Thị Nhung - Khoa Hỗ trợ sinh sản thực hiện đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ