Các trường hợp nên gửi trữ “mẫu”
Thông tin từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Đêm 5/1/2019, bệnh viện đã tiến hành lấy mẫu để lưu trữ, bảo quản tinh trùng cho một thanh niên 28 tuổi vừa mất đột ngột theo đề nghị của gia đình. Đây là một trong số những trường hợp gia đình đề nghị lưu trữ tinh trùng tại bệnh viện sau khi người thân đột ngột qua đời.
Trong số những gia đình đã gửi mẫu lưu trữ, có một gia đình (đã có một con gái trước khi người chồng mất) đã sử dụng mẫu lưu tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm và người vợ đã sinh đôi hai con trai sau khi chồng mất bốn năm.
“Trường hợp mới nhất vừa gửi mẫu là gia đình nam thanh niên 28 tuổi và chưa lập gia đình. Anh ấy đã mất vào chiều 5/1 và tối muộn hôm đó gia đình đã liên lạc với chúng tôi đề nghị bệnh viện cử bác sĩ đến lấy mẫu tinh trùng để sau đó lưu trữ tại bệnh viện. Gia đình anh ấy có hai người con, duy nhất anh ấy là con trai” - bác sĩ bệnh viện cho biết.
Theo đó, những gia đình có nguyện vọng gửi mẫu tinh trùng sau khi người thân mất đều là gia đình ít con. Họ có nguyện vọng gửi mẫu để sau này mong có thêm con cháu, bù đắp cho mất mát trước đó. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện này, cho rằng: “Bất kỳ người đàn ông khỏe mạnh nào cũng có thể gửi trữ mẫu vào ngân hàng tinh trùng để bảo tồn khả năng sinh sản. Đặc biệt, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn và lối sống không lành mạnh ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh sản ở nam giới”.
Về mặt kỹ thuật, tinh trùng có thể lưu trữ trong nhiều năm, tùy theo nhu cầu của gia đình. Hiện nhiều bệnh viện có ngân hàng có thể lưu trữ tinh trùng, trứng, phôi.
Theo các chuyên gia, những trường hợp nam giới cần thiết trữ lạnh tinh trùng, đó là bệnh nhân ung thư có nguy cơ vô sinh có thể quyết định trữ lạnh tinh trùng trước khi bắt đầu điều trị bệnh vì họ sẽ phải truyền hóa chất, hoặc xạ trị.
Đàn ông muốn triệt sản hoặc phẫu thuật chuyển giới có thể lấy tinh trùng ra để bảo quản phòng khi muốn có con sau này. Cần lưu trữ để bảo tồn khả năng sinh sản còn là các trường hợp nam giới phải đi công tác xa, bị mắc bệnh quai bị, hay chuẩn bị làm việc trong những môi trường nguy hiểm, bức xạ, hoặc bị tai nạn liệt nửa người, tai nạn giao thông…
Ngoài ra, nam giới đang điều trị vô sinh gặp phải một số vấn đề trong việc lấy tinh trùng như quá căng thẳng nên không thể lấy được tinh trùng vào ngày lấy trứng hoặc thụ tinh nhân tạo cũng nên đông lạnh tinh trùng.
Giữ hạt giống cho tương lai
Việc lưu trữ tinh trùng được áp dụng cho ba nhóm đối tượng chính: Trữ lạnh cho vợ điều trị hiếm muộn, tinh trùng hiến tặng và lưu trữ để bảo tồn khả năng sinh sản.
Và trên thực tế, hình thức lưu giữ tinh trùng này đã chứng minh được mặt lợi ích, khi nó đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều cặp vợ chồng không may gặp một sự cố nào đó trong cuộc sống.
Việc lưu trữ tinh trùng được áp dụng cho 3 nhóm đối tượng chính: Trữ lạnh cho vợ điều trị hiếm muộn, tinh trùng hiến tặng và lưu trữ để bảo tồn khả năng sinh sản. Các quý ông sẽ được làm các xét nghiệm loại trừ các bệnh lây nhiễm để có thể lấy mẫu tinh trùng chất lượng nhất.
Nghiên cứu về trẻ em được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng hiến so với trẻ em được thụ thai một cách tự nhiên cho thấy: Không có sự khác biệt gì về cân nặng của trẻ lúc mới sinh, sinh non, tỷ lệ giới tính nam - nữ, bất thường của nhiễm sắc thể và dị tật bẩm sinh, kể cả sức khỏe trẻ sơ sinh…
Lợi ích của đông lạnh tinh trùng còn làm giảm nguy cơ lây nhiễm ở các bệnh nhân bị bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như AIDS.
Ví dụ trong trường hợp người đàn ông bị nhiễm AIDS và đang điều trị bệnh thì phải kiểm tra tinh trùng và không có virus mới được trữ lạnh để thực hiện thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Điều đó sẽ làm giảm được nguy cơ lây bệnh cho người phụ nữ.