Hạnh phúc vỡ òa của người lính Trường Sa 6 năm cùng “tập nói”

Suốt 6 năm qua, vợ chồng đại úy Bùi Công Thành (SN 1977, công tác tại Bộ Tư lệnh vùng 3 hải quân) và chị Nguyễn Thị Ngần đã kiên trì đưa con gái - cháu Bùi Thị Ngân Thanh (SN 2008) đi khắp nơi để điều trị bệnh. Được biết, khi chưa được 3 tháng tuổi, bé Ngân Thanh đã bị viêm màng não.

Anh Công chia sẻ về hành trình chữa bệnh cho con
Anh Công chia sẻ về hành trình chữa bệnh cho con

Di chứng của căn bệnh khiến Ngân Thanh rơi vào tình trạng mất khả năng vận động và điếc cả hai tai, không có khả năng giao tiếp với thế giới xung quanh. 

Thương con, anh Công chưa một ngày chấp nhận buông xuôi. Nhìn người cha vừa canh cánh nỗi lo bảo vệ tổ quốc lại vừa đau đáu nghĩ về đứa con gái tội nghiệp, chúng tôi không khỏi đau lòng.

6 năm “tập nói” cùng con

Tìm đến nhà bố đẻ anh Bùi Công Thành tại tổ 7 Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi vô cùng xúc động khi nhìn thấy cảnh người lính Trường Sa đang ngồi dạy con từng lời nói. 

Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Thành nghẹn ngào: “Ngay từ lúc nhỏ, cháu đã chịu thiệt thòi rồi. Chưa đầy ba tháng tuổi, bác sĩ kết luận cháu bị viêm màng não, điếc cả hai tai, phải tiêm 81 mũi thuốc kháng sinh vào đầu. 

Thương cháu lắm nhưng tôi cũng không biết làm gì. Bản thân tôi là người lính canh giữ đảo xa, không mấy khi về được nhà để chăm sóc vợ con. Ngay từ khi biết Ngân Thanh bị bệnh, vợ tôi khóc suốt. 

Có những hôm nhìn con ngồi một mình, mắt buồn, không hề nghe hay nói được, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Từ khi ấy, tôi đã tự hứa với lòng, bằng mọi giá tôi phải cứu được con”.

Thế rồi, vợ chồng anh chị đã đưa con đi khắp các bệnh viện để chữa trị. Suốt mấy năm điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh viện Tai mũi họng TPHCM, Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng tình trạng cháu vẫn chưa có gì biến chuyển. 

Suốt 6 năm qua, nghe ai mách chỗ nào chữa được câm, điếc thì anh đều tranh thủ kì nghỉ phép để đưa con đến chữa. Khắp các vùng đất từ Nam ra Bắc… đều in dấu chân của hai cha con. 

Thế nhưng từng ấy năm trôi qua, chưa một lần anh chị thấy được ánh sáng hi vọng. Ngân Thanh vẫn cứ như thế, không nghe, không nói được như những đứa trẻ bình thương khác.

Hằng ngày, ngoài những buổi đưa Ngân Thanh đến lớp học đặc biệt thì chị Ngần vẫn tự dạy bé ở nhà. Anh Thành cũng vậy. Đến kì nghỉ phép, anh dành phần lớn thời gian để dạy Ngân Thanh học nói. 

“Tôi dạy đi dạy lại cháu, chỉ có vài từ đơn giản như bố, mẹ, ông, bà nhưng cháu cũng không thể nói được. Bác sĩ cũng khuyên phải kiên trì thì mới có kết quả nên 6 năm qua, tôi bắt đầu học nói cùng con”.

Không nghe, không nói được, suốt ngày Ngân Thanh chỉ biết ngồi thu lu một góc nhà, xem hoạt hình được chiếu trên ti vi. “Con bé chỉ biết xem các hình ảnh mà không hề nghe được những âm thanh xung quanh. 

Đôi khi, tôi có cảm giác, con bé ở xa chúng tôi lắm, cứ như ở một thế giới khác vậy. Làm cha, làm mẹ nhìn con mình như thế, ai mà chẳng đau lòng hả cô” - Anh Thành tâm sự. 

Vì thế, khi mổ ốc tai cho bé Ngân Thanh, các bác sĩ khẳng định rằng, khả năng về ngôn ngữ của cô bé có thể được cải thiện nên anh Thành ngày càng hi vọng nhiều hơn. 

Anh cho biết: “Giờ bố cũng phải tập nói cùng con thôi. Đi đâu tôi cũng phải nói để cho cháu học theo. Bình thường tôi vốn là người ít nói nhưng từ khi bác sĩ khuyên nên nói để con học theo thì bản thân tôi lại là người nói nhiều”.

Nước mắt người cha
Hạnh phúc vỡ òa của người lính Trường Sa 6 năm cùng “tập nói” 2

Bé Ngân Thanh

Lòng người cha ngoài biển khơi luôn đau đáu hướng về gia đình, về đứa con vừa ra đời không may gặp căn bệnh quái ác. Cho nên suốt từng ấy năm qua, anh Thành chưa bao giờ bỏ cuộc. Để có thể điều trị cho Ngân Thanh, anh Thành cho biết, đó là cả một quá trình lâu dài.

Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ anh Thành – chị Ngần từ bỏ hi vọng chữa bệnh cho con. Thời gian rỗi, anh thường ngồi nghiên cứu các tài liệu liên quan đến bệnh của bé Ngân Thanh rồi tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ. 

Gần đây, anh Thành được biết phương pháp tốt nhất để giúp Ngân Thanh có thể nghe được, đó là cấy điện cực ốc tai COCHLEAR. Đây là phương pháp tốt nhất để giúp bé trong hoàn cảnh hiện tại. 

Tuy nhiên đó là loại máy móc hiện đại nhất hiện nay nên chi phí để thực hiện không phải là nhỏ. Một bộ máy có giá lên tới 620 triệu đồng. 

Để có tiền phẫu thuật cho con, anh Thành đã nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè rồi may mượn mỗi nơi một ít nhưng cũng chưa thể có được số tiền lớn đến thế.

Công việc của anh Thành thường xuyên phải xa gia đình. 6 năm ròng từ khi có Ngân Thanh, ngoài những tháng ngày lênh đênh cùng đồng đội trên đảo Trường Sa, anh đều dành thời gian dạy con phát âm, giao tiếp. 

Nhưng đến nay, Ngân Thanh cũng chỉ mới bập bẹ theo khẩu hình miệng được 4 từ: Ba, mẹ, bà, ông. Không nghe được con, cháu gọi thành tiếng nhưng như vậy cũng khiến cả gia đình mừng đến rơi nước mắt. 

Muốn uống nước hoặc ăn gì, Ngân Thanh cũng chỉ biết đưa tay lên miệng hay ngửa cổ lên. “Nhìn những hành động theo bản năng đó và sự “bí bách” trong giao tiếp, những người làm cha làm mẹ như chúng tôi đau như bị cắt từng khúc ruột” - Anh Thành tâm sự.

Sau bao nhiêu cố gắng, cuối cùng bé Ngân Thanh cũng có cơ hội nghe được. Sau khi điều trị tại bệnh viện tai mũi họng Trung ương, các bác sĩ đã mổ để cấy điện cực ốc tai cho bé Ngân Thanh. 

Ca mổ diễn ra thành công tốt đẹp. Đấu tranh với bệnh tật 6 năm trời cuối cùng, bé Ngân Thanh cũng có thể nghe được âm thanh của thế giới. 

Anh Thành cho biết: “Khi nghe được âm thanh đầu tiên, cháu cứ chỉ tay vào tai suốt. Những thứ lạ lẫm mà 6 năm qua không hề có được khiến con bé vui mừng ra mặt. 

Khi bác sĩ thử xem khả năng tiếp nhận âm thanh của cháu đến đâu thì liên tục thấy Ngân Thanh ú ớ, chỉ tay vào tai và làm điệu bộ tỏ ra thích thú lắm. 

Nhìn thấy cảnh đó, tôi cũng không cầm được nước mắt. Niềm hạnh phúc như vỡ òa. 6 năm, không biết bao nhiêu lần tôi mơ ước được nhìn thấy con gái có thể nghe được, nói được như những đứa trẻ khác. Khi ấy tôi thật sự đã khóc. Khóc vì vừa mừng lại vừa lo”.

Hiện tại một tuần bé Ngân Thanh phải vào viện 2 lần để khôi phục khả năng thính giác. 3 tuần phải đi đến kiểm tra máy kĩ thuật một lần. 

Việc điều trị như thế phải được tiến hành trong suốt một năm rưỡi nữa thì mới có phác đồ điều trị tiếp. Anh Thành cho biết, hiện tại anh đang rất lo lắng về việc cho con chữa bệnh. 

Bởi phép nghỉ của anh đã hết, đơn vị đã tạo điều kiện cho anh đi học chính trị nên nhờ đó mà anh mới tranh thủ đưa con đi chữa bệnh được. 

Tuy nhiên, anh cũng cho biết thêm: “Vợ con và gia đình luôn luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành tốt công việc ngoài biển đảo. 

Vì vậy, để tôi yên tâm tiếp tục công tác, vợ tôi cũng như gia đình đã sẵn sàng hi sinh để tôi không phải vướng bận gì cả. Nhưng dù có khó khăn đến thế nào, tôi cũng nhất định chữa khỏi bệnh cho con gái”.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ