Hạnh phúc là được cho đi

GD&TĐ - Họ là những người trẻ, làm nhiều công việc khác nhau nhưng lại gặp nhau ở một điểm chung: Có trái tim ấm nóng của tuổi trẻ và sự nhân ái với đời. Từ điểm chung ấy, 7 năm qua họ cùng nhau lặng lẽ góp nhặt yêu thương khắp nơi cho một hành trình chung “Nối vòng tay lớn” đong đầy những sẻ chia và nụ cười.

Tổ chức sinh hoạt, giao lưu với trẻ em vùng khó
Tổ chức sinh hoạt, giao lưu với trẻ em vùng khó

Cảm xúc từ những chuyến đi

Là người làm công tác tuyển sinh trong Trường ĐH Mở TPHCM, có điều kiện đi nhiều vùng miền của đất nước, cả những nơi heo hút và khó khăn nhất, Lệ Quyên thấy cần làm một cái gì đó có ý nghĩa với các em nhỏ nơi mình đã đi qua.

Năm 2013, ngay khi xong việc tuyển sinh, Quyên và hai người bạn thân của mình là Phương Anh và Thuý An lên kế hoạch cho chuyến đi đầu tiên tại xã Tam Bố (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Sau 21 ngày chuẩn bị với những chuyến ngược xuôi nhận hàng từ những tấm lòng, nhóm của Quyên đã tập kết được gần 1 tấn gạo, 150 chiếc mùng, quần, áo, tương chao, trái cây, sữa… cho chuyến hành trình đầu tiên về với Tam Bố.

“25 thành viên nhóm ai cũng háo hức, mong chờ cho chuyến đi đầu tiên ấy. Sau chuyến đi nhiều bạn đã khóc rất nhiều, khóc bởi qua chuyến đi đã giúp các bạn có những phút lắng lại, nhìn lại bản thân và cuộc sống, thầm cảm ơn nó như một món quà được ban tặng, để cùng nhau nhận ra rằng giữa cuộc sống bộn bề những yêu thương vẫn tròn đầy và khi trao đi, cũng chính là lúc chúng ta đang nhận lại một cuộc sống ý nghĩa và sâu sắc” - Quyên nhớ lại.

Và từ chuyến hành trình ấy, yêu thương cứ thể nhân lên bằng những chuyến đi tiếp nối. Đến nay, sau 7 năm các thành viên của Hành trình nối vòng tay lớn đã thực hiện được 20 chuyến đi từ miền Trung đến dải đất Tây Nguyên, về miền Tây và ra cả vùng núi Tây Bắc. Phương Anh cho biết: Dù công việc có thể vắt kiệt sức, nhưng chỉ cần nghĩ về những chuyến xe Hành trình làm sao cho đầy tình cảm đến với các bé vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào còn lắm khó khăn trong cuộc sống và thiếu thốn trăm bề là mình lại có động lực làm việc, hướng đến những chuyến hành trình tiếp theo.

Trước mỗi chuyến đi Hành trình nối vòng tay lớn đều có bước tiền trạm, thăm hỏi và khảo sát thực tế cũng như nắm bắt mức độ khó khăn và nhu cầu thiết yếu của trẻ nơi đến. “Mục tiêu trong mỗi hành trình là làm sao để chương trình vừa ý nghĩa nhưng phải thiết thực, tặng cái các em cần chứ không phải tặng cái mình có và tất nhiên, hoạt động tặng quà cũng lồng ghép nhiều hoạt động mang tính giáo dục cho các em nhỏ, tránh và hạn chế tạo thói quen xấu của việc “xin cho”, tạo tiền lệ “cứ khó khổ thì sẽ có người đến tặng quà”- Lệ Quyên chia sẻ.

Nhóm bạn trẻ trước một chuyến đi
Nhóm bạn trẻ trước một chuyến đi 

Cứ thế lan tỏa những thương yêu

“Hữu xạ tự nhiên hương”, Hành trình nối vòng tay lớn cứ thế tiếp nối, gieo mầm yêu thương từ vùng đất lạnh giá Tây Bắc như Bum Tở (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) hay Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cho đến những vùng đất nơi cực Nam của Tổ quốc. Nơi đâu hành trình cũng đọng lại những yêu thương và nhân ái.

Hành trình (mỗi chuyến đi) phần lớn là những người trẻ, thỉnh thoảng cũng có những cô chú lớn tuổi, thậm chí cả các em nhỏ tham gia. Không phải tổ chức, không có ban bệ và nội quy hoạt động như các CLB, Trung tâm nhân đạo, nhưng mỗi khi chuyến xe Hành trình nối vòng tay lớn chuẩn bị cho một điểm đến, mọi người ai nấy đều đảm nhận phần việc của mình một cách chuyên nghiệp, với tinh thần và trách nhiệm cao nhất.

Nhắc tới kỉ niệm đáng nhớ nhất trong 20 hành trình đã đi suốt 7 năm qua, Lệ Quyên, Phương Anh, Thúy An và mọi bạn trẻ trong nhóm đều chỉ nói: Hành trình nào, điểm đến nào cũng là nơi giữ lại trong tâm trí những giá trị và bài học sống rất riêng, dù đôi lúc là trùng trùng gian nan và thách thức. “Kỉ niệm là vô kể, cảm xúc là rất thật, chỉ có yêu thương là ở lại. Cứ mỗi tấm ảnh cũ mở ra là những thước phim chiếu chậm từ từ phát trong nó, chậm rãi thôi nhưng gợi nhớ thật nhiều. Nhớ và nhớ rất rõ từng gương mặt anh em, từng câu chuyện, từng nụ cười, từng ánh mắt trên các chuyến đi về Y Tý, Mường Tè hay Đắk Nông. Chúng em luôn nhắc nhau, mình cứ đi và cứ đến, đến để chia sẻ và yêu thương, chừng nào còn có thể…”- Quyên nói.

Là người thường xuyên tham gia Hành trình nối vòng tay lớn khi có dịp, Nguyễn Văn Tài - cán bộ Phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: Những chuyến đi ấy đọng lại trong tôi vô vàn cảm xúc. Từ những chuyến đi thấy cuộc sống cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia và đồng hành của xã hội. “Các em nhỏ vùng sâu vùng xa thật sự còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Chỉ cần những người trẻ như chúng ta chìa một cánh tay ra nắm lấy tay các em, vất vả sẽ bớt đi rất nhiều”- Tài nói về hành trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ