Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2019: Tình yêu Hà Nội tiếp tục tỏa lan

GD&TĐ - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 - 2019 đã xướng tên những chủ nhân xứng đáng tại lễ trao giải chiều 27/8, tại Hà Nội. Từ đây, thêm một lần nữa, tình yêu Hà Nội một cách chân thành, đằm thắm được tỏa lan…

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội ở tuổi 83. Ảnh: Bình Thanh
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội ở tuổi 83. Ảnh: Bình Thanh

Tìm tri âm, tri kỷ về Hà Nội

Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo của giải thưởng chia sẻ, xét bình giải đối với các giám khảo là một công việc đầy cảm hứng, giống như việc tìm kiếm những tri âm, tri kỷ về Hà Nội. Và, trong cuộc tìm kiếm đầy cảm hứng nhưng không kém phần áp lực khi những “cây đa, cây đề” được công chúng biết tới rộng rãi đã lần lượt được vinh danh trong các mùa giải trước, thì Hội đồng giám khảo đã tìm thấy tri âm, tri kỷ về Hà Nội - PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ.

“PGS Nguyễn Thừa Hỷ có thể chưa phải là một cái tên quá quen thuộc với công chúng hay giới truyền thông, nhưng từ 30 - 40 năm nay, ông đã là một “định danh” sừng sững trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Với những công trình nghiên cứu, dịch thuật mẫu mực về Thăng Long - Hà Nội trên cả bình diện lịch sử, văn hóa và kinh tế xã hội, ông đã có nhiều đóng góp cho ngành Hà Nội học, bên cạnh những tên tuổi lớn khác như Hữu Ngọc, Nguyễn Vinh Phúc...” - nhà thơ Bằng Việt nói.

Quả vậy, trong suốt mấy mươi năm qua, PGS Nguyễn Thừa Hỷ đã lặng lẽ, cần mẫn nghiên cứu về Hà Nội và công bố hàng loạt các công trình khoa học, trong đó ông có những công trình xuất sắc như: “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” (vốn là luận án tiến sĩ ông đã bảo vệ thành công từ năm 1984), được coi là một trong những cuốn sách công cụ quan trọng và hữu ích dành cho giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước khi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội thời kỳ trung đại. Hay, cuốn “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2012.

Nói về cuốn “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX”, PGS Nguyễn Thừa Hỷ cho biết, ông đã không ngừng theo đuổi đam mê đến cùng dù gặp muôn vàn khó khăn về việc tiếp cận tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp hồi những năm 80 thế kỷ trước; điều kiện kinh tế cũng ngặt nghèo… Thế nhưng, “nhờ thông thạo 2 ngoại ngữ từ thời còn đi học, tôi đã dần tìm tòi, chắt lọc, tự dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án hàng trăm nguồn tư liệu gốc nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu chưa được ai khai thác trước đó. Năm 2002, cuốn sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, với tên gọi Economic History of Hanoi in the 17th,18th,19th centuries. Năm 2006, dựa trên những tiền đề sẵn có, tôi biên soạn cuốn “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” và sau đó được trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2012” - PGS Nguyễn Thừa Hỷ chia sẻ.

Lý giải thêm về sự tôn vinh đặc biệt này với PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thành viên Hội đồng Giám khảo nói: “Bác Hỷ là người rất Hà Nội, trong lối sống, công việc, trong đối nhân xử thế... Tình yêu với mảnh đất này là động lực chính để ông đạt được thành tựu như ngày hôm nay. Đối với Giải thưởng Lớn, người được vinh danh ở hạng mục này luôn cần có một quá trình tích lũy lâu dài, kết tinh qua bề dày tri thức, tác phẩm cụ thể và nhân cách sống”.

Mong được sống trong một Hà-Nội-mới như thế!

Nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng BTC giải, thành viên Hội đồng Giám khảo đã nhấn mạnh tại lễ trao giải: “Có lẽ tất cả chúng ta đều mong sống trong một Hà-Nội-mới như thế!”. Với nhà báo Lê Xuân Thành, Hà-Nội-mới ấy là “một thành phố cổ kính, đầy hoài niệm đang vươn lên ở một tầm cao mới với những công trình, những hướng đi năng động, sáng tạo, hiện đại, hội nhập mà vẫn giữ được cái nền truyền thống ngàn năm”. Và, Hà-Nội-mới đó được tìm thấy trong những giải thưởng, những đề cử xuất sắc của giải thưởng này.

Đó là một Hà Nội trong “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” của Nguyễn Trương Quý (Giải Tác phẩm). Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, giữa những “Kim Liên một thuở” của Vũ Công Chiến hay “Hà Nội quán xá phố phường” của Uông Triều với những góc nhìn mới lạ về Hà Nội thì “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” là một công trình khảo cứu độc đáo về lịch sử văn hóa Hà Nội, có lẽ chỉ có ở một con người vừa tỉ mỉ, chi tiết vừa phóng khoáng, tài hoa và đầy đam mê như Nguyễn Trương Quý.

Thật thú vị khi nhóm ký họa đô thị Hà Nội với khát vọng “ôm và lưu giữ” cả Hà Nội bằng cả tâm hồn mình vào tranh nên đã giành Giải thưởng Việc làm (vượt qua 2 đề cử xuất sắc: Các hoạt động tích cực của TP Hà Nội và cả cộng đồng nhằm khẳng định vị thế và quảng bá hình ảnh Hà Nội - “thành phố vì hòa bình”; Nỗ lực của TP Hà Nội và cộng đồng trong việc yêu cầu khôi phục tên gọi tòa nhà “Bưu điện Hà Nội” bên Hồ Gươm). Có ngạc nhiên hay không khi hôm nay, giữa phố phường ồn ào, tất bật, bỗng ta bắt gặp những con người yêu Hà Nội bằng một tình yêu đặc biệt ấy đắm say vẽ ngôi nhà cổ, một khu chung cư cũ, hay một góc phố nhỏ…? Có lẽ, không có gì ngạc nhiên cả vì “với họ, khi vẽ, mọi người được đánh thức những giác quan, cảm nhận từng chi tiết nhỏ bình dị, những khía cạnh đáng yêu của Hà Nội và họ sẽ trân quý những điều đó, làm những việc có ích khác nữa cho Hà Nội”, nhà thơ Bằng Việt nói.

Và, giữa bao tranh luận, các đề xuất, dự án thể hiện quyết tâm làm “hồi sinh” sông Tô Lịch của các cơ quan, đơn vị hữu quan và cộng đồng người dân Hà Nội vẫn xuất sắc giành Giải Ý tưởng. Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Việc hồi sinh sông Tô Lịch là khao khát và cũng là một nhu cầu khẩn thiết mà thực tế đang đặt ra với Hà Nội, nơi vẫn được coi là một thành phố của sông hồ”. Thế nên, theo Hội đồng Giám khảo, dù còn mong manh và gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả, nhưng những việc làm đó vẫn toát lên “tình yêu Hà Nội”.

Thêm nữa, Hà-Nội-mới còn rất năng động, hiện đại với việc xây dựng đường đua xe Công thức 1 và đăng cai tổ chức giải đua vào 4/2020, do UBND TP Hà Nội và Công ty Việt Nam Grand Prix (Tập đoàn Vingroup) thực hiện (Giải Ý tưởng). Và, F1 Hà Nội cũng đang truyền cảm hứng lớn trong hội nhập, sáng tạo cho thế hệ hôm nay.

Từ mong ước về một Hà-Nội-mới, Trưởng BTC Lê Xuân Thành nhấn mạnh: “Bước sang mùa giải thứ 12, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội quyết tâm tiếp tục mở rộng sức ảnh hưởng của mình với phương châm: Không để những tấm lòng “Vì tình yêu Hà Nội” chỉ được tôn vinh gói gọn trong một buổi lễ trao giải ở một khán phòng mà phải trở thành một phong trào lớn thực sự đi vào đời sống, hình thành nên một cộng đồng những người yêu Hà Nội với triết lý sống, cống hiến cho Thủ đô”.

Trong khuôn khổ của Lễ tổng kết, trao giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 12 – 2019, Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức triển lãm 60 tác phẩm ký họa về Hà Nội do các thành viên Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội sáng tác. Triển lãm trưng bày 60 bức ký họa về một Hà Nội dịu dàng, đầy thương nhớ do các thành viên Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội sáng tác đã được lựa chọn. Đây là những tác phẩm xuất sắc mà 4.000 thành viên của nhóm đã đi đến các công trình, góc phố, các khu tập thể cũ… để chuyển tải cái hồn Hà Nội vào tranh. Họ tin rằng, du khách khi nhìn thấy những bức ký họa ấy sẽ ngay lập tức bị hút hồn bởi vẻ đẹp cổ kính xen lẫn hiện đại của đô thị này.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 30/8/2019 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Nguyên Sa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.