Ngày 18/3, ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Pleiku (Gia Lai) cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên ngành Giáo dục thành phố tổ chức dạy học trực tiếp song song với trực tuyến.
Theo ông Thức, sau Tết nguyên đán 2022 khi dịch bệnh ổn định thì tất cả các cấp học đã quay trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, chỉ được vài tuần, dịch bệnh lại diễn biến phức tạp nên từ ngày 28/2, học sinh Mầm non, Tiểu học tập dưới hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, các trường cũng phối hợp với phụ huynh để quản lý, hướng dẫn và giao bài tập cho học sinh. Riêng cấp THCS dạy học linh hoạt, đan xen giữa trực tuyến và trực tiếp.
Cũng theo ông Thức, hiện tại mỗi ngày ngành Giáo dục TP Pleiku ghi nhận từ 200-300 trường hợp cán bộ, giáo viên và học sinh mắc Covid-19. Do đó, đối với giáo viên F0 thì cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc cơ sở y tế. Với những giáo viên sức khoẻ ổn định thì ngành Giáo dục thành phố khuyến khích thầy, cô dạy trực tuyến tại nhà. Còn nếu sức khoẻ không đảm bảo, kèm theo những triệu chứng nặng thì phân công giáo viên khác giảng dạy để đảm bảo kiến thức cho học sinh.
Riêng với học sinh thuộc diện F0 các lớp phối hợp với lực lượng y tế truy vết F1. Với những em đã tiêm vắc xin, cách ly theo dõi tại nhà 5 ngày, còn chưa tiêm vắc xin thì cách ly 7 ngày. Nếu kết quả test nhanh hoặc PCR âm tính thì có thể quay trở lại trường học trực tiếp sau thời gian cách ly. Sau khi học sinh quay trở lại trường giáo viên sẽ hướng dẫn, bổ sung thêm kiến thức cho các em.
"Chương trình Sóng và máy tính cho em triển khai trên địa bàn thành phố đã thu hút đông đảo cá nhân, tổ chức tham gia để hỗ trợ phương tiện cho những em khó khăn trong học tập. Năm học 2021-2022 đã kêu gọi được hơn 4,4 tỷ đồng để hỗ trợ cho 2.234 học sinh. Bên cạnh đó, hiện vật quy ra tiền là hơn 666 triệu đồng và 3.000 sim 4G. Nhờ vậy, đảm bảo việc học trực tuyến của học sinh", thầy Thức nói.
Thầy Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP Pleiku, Gia Lai) cho hay, toàn trường có 2.127 học sinh với 45 lớp. Hiện tại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên trường có 15 giáo viên và 205 học sinh mắc Covid-19.
Để đảm bảo công tác dạy và học, nhà trường rà soát F0, F1 để cách ly, điều trị tại nhà. Những học sinh khác vẫn tham gia học trực tiếp tại trường để đảm bảo kiến thức.
“Khi học sinh đến trường sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn và phân thành 4 luồng để di chuyển vào lớp học. Qua đó, hạn chế các em tiếp xúc gần với nhau. Đồng thời, học sinh học tập và ra chơi tại lớp để tránh dịch bệnh lây lan trong trường học”, thầy Tâm nói.
Theo thầy Tâm, để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau giáo viên vừa dạy trực tiếp cho học sinh trên trường và vừa dạy trực tuyến cho những em có yếu tố dịch tễ. Ngoài ra, có những thời điểm, học sinh đến trường học tập trung và giáo viên dạy trực tuyến tại nhà do mắc Covid-19.
“Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng thầy và trò trường THCS Phạm Hồng Thái vẫn luôn quyết tâm vượt khó. Tuy trường ở vùng thuận lợi nhưng vẫn có một số học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Do đó, nhà trường đã kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và cá nhân thầy, trò ủng hộ máy tính, điện thoại thông minh để tất cả học sinh đều được tham gia học.
Ngoài ra, nhà trường cũng ủng hộ 130 triệu đồng và một số thiết bị cho chương trình Sóng và máy tính cho em để phục vụ công tác dạy học trực tuyến.
Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng kết quả học tập của các em vẫn đảm bảo. So với cùng kì năm ngoái thì năm học này tỉ lệ học sinh khá, giỏi của trường tăng hơn”, thầy Tâm chia sẻ.