Hãnh diện về 'Dòng máu cao quý'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Điều thú vị nhất về cuốn sách 'Dòng máu cao quý' là nhân vật chính Patrick Nothomb chính là cha của nhà văn, tác giả Amélie Nothomb.

Ảnh: ITN.
Ảnh: ITN.

“Amélie Nothomb luôn là phiên bản tốt nhất của chính mình: Tàn bạo, dịu dàng và hài hước”. Tạp chí Télérama đã dành cho tác giả của “Dòng máu cao quý” lời nhận xét ấy. Và qua truyện ký đặc sắc này, câu chuyện về cuộc đời của một nhà ngoại giao tài năng bị bắt làm con tin bởi quân nổi loạn được dần hé lộ tới độc giả bằng cả niềm hãnh diện đặc biệt.

Tác phẩm mở đầu bằng lời kể ở ngôi thứ nhất - nhân vật “tôi” - khi bị đưa ra pháp trường vừa cuốn hút vừa cung cấp những thông tin cơ bản: “Người ta đưa tôi đến trước đội hành quyết. Thời gian giãn ra, giây sau dài hơn giây trước cả thế kỷ. Tôi hai mươi tám tuổi”.

Ở tuổi hai mươi tám, con người ta còn nhiều hoài bão, ước vọng trong đời, vì vậy khoảnh khắc phải đối mặt với thần chết không khỏi mang lại nhiều tiếc nuối, ngậm ngùi.

Trong nhân vật “tôi” một ước vọng mạnh mẽ đã trỗi dậy: “Đến lượt tôi nếm trải cuộc nổi loạn của con người bên trong tôi. Không, tôi không chấp nhận sự bất công trong cái chết của tôi, tôi yêu cầu thêm một lát nữa, mỗi khoảnh khắc đều thật mãnh liệt, dù chỉ nhấm nháp từng giây đồng hồ trôi qua thôi cũng đã đủ cho cơn hứng khởi nơi tôi”.

Nữ nhà văn Amélie Nothomb. Ảnh: ITN.

Nữ nhà văn Amélie Nothomb. Ảnh: ITN.

Sau sự kiện này, số phận của nhân vật “tôi” được bỏ ngỏ để tác giả Amélie Nothomb đưa độc giả trở về quãng thời gian hai mươi tám năm trước, khi nhân vật “tôi” chào đời. Ngay từ bé, nhân vật chính đã tự miêu tả mình “nhìn thấy niềm vui sống lạ thường của chính mình” bởi lẽ “chết chóc tựa như một truyền thống gia đình”.

Mồ côi cha từ nhỏ do sự cố trong một vụ dò mìn, nhân vật chính sống cùng người mẹ tên là Claude - một người dần đánh mất đi chính bản thân mình khi phải trở thành góa phụ. Tại đây, những thay đổi trong tính cách của một người mẹ, người vợ đã được khắc họa rõ nét.

Nhân vật chính chưa bao giờ được mẹ của mình quan tâm, để mắt đến bởi lẽ bà luôn cố gắng tỏ ra ở tầng lớp thượng lưu cùng: “Ý nghĩ phải thay thế tình yêu chồng bằng tình yêu con khiến mẹ phẫn nộ”.

Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb – nguyên mẫu của tác phẩm 'Dòng máu cao quý'. Ảnh: ITN.

Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb – nguyên mẫu của tác phẩm 'Dòng máu cao quý'. Ảnh: ITN.

Trái với mẹ của mình, cậu bé Patrick được ông bà ngoại chăm sóc, cưng chiều. Nhất là đối với bà ngoại của cậu bé, Patrick là “món hời từ trên trời rơi xuống”, việc chăm bẵm và làm đẹp cho cậu cháu trai kháu khỉnh là quan trọng nhất của bà.

Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời ảnh hưởng đến cá tính của cậu bé Patrick sau này chính là việc ông ngoại quyết định cho cậu sang thăm nhà nội. Ông nội của nhân vật chính là ngài Nam tước, sở hữu một lâu đài. Thế nhưng, trái ngược hoàn toàn với những tưởng tượng của độc giả và cậu bé Patrick, nơi ở của nhà nội không phải trang nhã như cái cách mà ông nội cậu bé nói mà là một nơi nghèo khó, đói kém.

Trong khi ông nội thích làm thơ và khoe với mọi người, thì những chú và cô của Patrick “cao lớn, gầy gò, dữ tợn, áo quần rách rưới”. Sự nghèo khó trong lâu đài cộng thêm luật lệ kì cục ngay trong bữa ăn, người lớn được ăn trước sau đó mới đến trẻ con đã khiến cho những đứa trẻ, cô chú của Patrick trở nên đói rét và hoang dại.

Trong chuỗi ngày đầu bị bắt nạt, trêu chọc, Patrick đã học được cách sống mạnh mẽ, quyết đoán và thích nghi với môi trường xung quanh. Cùng với lòng yêu thương mà Patrick học được từ bà nội, những tố chất của một nhà ngoại giao đã được tôi rèn trong lòng cậu bé từ một môi trường đặc biệt như thế. Điều đáng nói là, dù hoàn cảnh sống có “trái khoáy” bao nhiêu đi chăng nữa thì Patrick vẫn không ngừng vươn lên…

Ước mơ từ bé của Patrick là trở thành thủ môn và sau này là quân nhân, song đều bị ngăn cản bởi chứng bệnh ngất xỉu khi thấy máu của cậu. Chàng trai Patrick đã thành một nhân viên ngoại giao của Bỉ tại đất nước Congo đầy rẫy nguy hiểm.

Cuối cùng, điều không may nhất đã xảy ra khi quân nổi loạn bắt giữ rất nhiều con tin, trong đó có Patrick. Cuộc đấu trí căng thẳng trên bàn đàm phán diễn ra hằng ngày, vắt kiệt sức lực của nhà ngoại giao trẻ. Nhưng chính những lúc khó khăn như vậy, những phẩm chất từ nhỏ của Patrick đã được phát huy, giúp anh kéo dài được thời gian sống của chính bản thân và những con tin khác.

Mặc dù nỗ lực là vậy nhưng Patrick vẫn bị lôi ra pháp trường. Từ đây, độc giả sẽ trở lại với sự kiện ở đầu tác phẩm. Liệu tính mạng của chàng trai trẻ có được toàn vẹn để có thể trở về với gia đình hay không, tất cả vẫn chờ đợi độc giả khám phá.

Tác phẩm 'Dòng máu cao quý' được giới thiệu đến độc giả Việt Nam từ sự liên kết xuất bản của Nhã Nam và NXB Thông Tấn. Ảnh: Anh Sơn.

Tác phẩm 'Dòng máu cao quý' được giới thiệu đến độc giả Việt Nam từ sự liên kết xuất bản của Nhã Nam và NXB Thông Tấn. Ảnh: Anh Sơn.

Điều thú vị nhất về cuốn “Dòng máu cao quý” là nhân vật chính Patrick Nothomb chính là cha của nhà văn, tác giả Amélie Nothomb. Trong đại dịch Covid-19, Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb đã bất ngờ rời xa cõi đời do bị phình mạch máu. Bởi những quy tắc chống dịch nghiêm ngặt thời điểm đó, tác giả đã không thể dự tang lễ của cha.

Do vậy, một cuốn sách ý nghĩa đã ra đời khi cô con gái hóa thân thành cha mình và kể lại về hành trình “chết đi sống lại” của Patrick Nothomb tại Congo. Và từ chính sự đồng cảm, thấu hiểu về cuộc đời làm ngoại giao của người cha, tác giả đã viết nên “Dòng máu cao quý” thấm đẫm niềm hãnh diện về mạch máu ngầm cô được tiếp nối luôn chảy trong huyết quản của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ