Quan điểm trường học tốt là có điểm số tốt, điểm số tốt là có tấm bằng đẹp, tấm bằng đẹp là có công việc tốt. Nhưng thực tế thì công việc tốt không đồng nghĩa với thành công của một con người. Đây cũng chính là quan điểm của tác giả Sara Imas trong cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”.
Trước hết nói về tác giả: Sara Imas là người Do Thái đã đến định cư lâu đời ở Trung Quốc. Bà là người mẹ đơn thân phải nuôi nấng ba người con, hai trai, một gái. Vậy bà đã làm thế nào để nuôi dạy ba đứa trẻ trở thành những người thành công trong cuộc sống cũng như sự nghiệp? Đó là hành trình dài của một bà mẹ đi từ bỏ cuộc sống phồn hoa ở Thượng Hải, Trung Quốc trở về quê hương tìm phương pháp giáo dục con của người Do Thái. Sau khi quan hệ Trung Quốc – Israel được thiết lập, bà trở về Israel bắt đầu trải nghiệm nền giáo dục xuyên quốc gia của mình.
Thứ hai, nói về ý nghĩa nhan đề “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”. Nhan đề gợi cho người đọc về một phương pháp giáo dục vừa khắc nghiệt đến tàn nhẫn nhưng lại rất mực yêu thương. Hai vế tàn nhẫn và yêu thương tưởng là đối lập nhưng thực tế lại thống nhất trong một vấn đề: Yêu con và dạy con. Yêu con thì cần phải biết dạy con để con trở thành người tốt, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Yêu con mà chỉ biết đáp ứng những đòi hỏi của con, không biết dạy con đó là hại con.
Câu chuyện về Các dạy con của Sư tử mẹ là một minh chứng cho điều này: Một con sư tử mẹ dạy con săn mồi. Sư tử mẹ bảo hai con: “Các con nghe này, bây giờ mẹ sẽ dạy các con săn mồi. Nào, Simba, Kovu chúng ta đi bắt thỏ nhé!”
Sư tử mẹ vừa dứt lời, hai chú sư tử con liền chạy băng băng trên đồng cỏ. Đột nhiên, sư tử anh vì chạy quá nhanh mà ngã lăn quay. Sư tử mẹ xót xa: Từ nay con không cần đi săn mồi nữa.
Hàng ngày, sư tử mẹ đều đưa sư tử em đi săn, sau khi sư tử em ăn no, nó sẽ mang phần thịt còn lại về cho sư tử anh. Từ đó, sư tử anh sống vô cùng sung sướng.
Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, sư tử anh và sư tử em đều trưởng thành. Một hôm, sư tử mẹ bị bệnh rồi qua đời, hai con sư tử tự đi săn mồi. Chúng mải miết chạy, chia thành hai ngả. Sư tử anh muốn tìm thức ăn nhưng nó chẳng biết làm thế nào. Ba ngày sau, sư tử ngã quỵ. Câu nói sau cùng của nó là: Mẹ, con hận mẹ!
Cha mẹ không thể ở mãi bên con. Vì vậy các con cần được học kĩ năng sinh tồn từ cha mẹ. Đó chính là tàn nhẫn và yêu thương. Tàn nhẫn để dạy con những kĩ năng sinh tồn chính là yêu thương. Còn nếu cha mẹ chỉ yêu thương bao bọc con mà không dạy con những kĩ năng sinh tồn cần thiết thì cũng chính là hại con.
Thứ ba, về nội dung. Cuốn sách kể về hành trình nuôi dạy ba người con của bà mẹ Do Thái Sara Imas. Bắt đầu từ việc bà mẹ quyết đinh rời Trung Quốc trở về Irael tìm cuốn sách nuôi dạy con. Do vẫn bị ảnh hưởng từ cách giáo dục ở Trung Quốc nên bà mẹ đơn thân gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy con. Nhưng sau đó, tiếp cận với cách giáo dục của những người Do Thái và nhà trường ở nơi đây, Sara Imas đã quyết định từ bỏ cách giáo dục của các bậc cha mẹ Trung Quốc để nuôi dạy con cái theo cách của người Do Thái. Chính vì sự thay đổi này mà bà mẹ đã nuôi dạy ba đứa con trưởng thành và thành công.
Trong cuốn sách bà mẹ còn cho chúng ta thấy quan điểm, triết lí của hai nền giáo dục người Trung Quốc và người Do Thái. Từ đó, cho thấy cái nhìn khách quan đầy lí trí của bà mẹ Do Thái.
- Tác giả viết: “Các bậc cha mẹ cứ nghĩ rằng làm bức bình phong cho con mới là nhiệm vụ quan trọng nhất. Thật ra họ làm như vậy không phải mang đến cho con một ngày mai tươi sáng, tiền đồ xán lạn, mà họ đang dùng thành tích của con cái đổi lấy tiếng thơm cho mình” (T.154)
- Quan điểm:
Điểm số tốt = trường học tốt
Trường học tốt = Tấm bằng đẹp
Tấm bằng đẹp = Công việc tốt
Công việc tốt # sự nghiệp thành công
- Theo người Do Thái, mỗi đứa trẻ đều có tố chất trở thành triệu phú, sự nghiệp của chúng đều có thể lên như diều gặp gió, quan trọng là phương pháp giáo dục trong gia đình của các bậc cha mẹ có thể phát huy được điều này không” (T.154)
Phương pháp giáo dục coi trọng việc bồi dưỡng kĩ năng cho trẻ như: kĩ năng sinh tồn, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng quản lí thông tin, kĩ năng lập kế hoạch.
Mỗi phần, mỗi kĩ năng cần dạy cho trẻ, tác giả đều hướng dẫn cụ thể chi tiết những phương pháp để các bậc cha mẹ có thể áp dụng dạy con cái của mình, sao cho phù hợp với hoàn cảnh và văn hóa của gia đình. Có thể nói, đây là cuốn sách tuyệt vời về phương pháp nuôi dạy con mà các ông bố, bà mẹ nên đọc.