Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Fakt của Ba Lan hôm 22/4, ông Duda thừa nhận vấn đề đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ đến nước mình “đã là chủ đề của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ba Lan trong một thời gian”.
Mỹ hiện có vũ khí hạt nhân tại 5 thành viên NATO: Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Duda nói rằng khi được hỏi về vấn đề đặt vũ khí hạt nhân Mỹ, ông đã tuyên bố sẵn sàng.
Ông cho rằng nguyên nhân của động thái trên là “Nga đang ngày càng quân sự hóa” vùng đất Kaliningrad giáp Ba Lan và Litva, đồng thời cho biết Moscow cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.
Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, một đồng minh chủ chốt của Moscow.
Vào thời điểm đó, ông lập luận rằng động thái này được kích hoạt bởi quyết định của Anh cung cấp cho Ukraine đạn uranium nghèo. Tổng thống Nga cũng chỉ ra rằng Mỹ đã giữ vũ khí hạt nhân ở châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Ông Duda giải thích, nếu các đồng minh của Ba Lan quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này để tăng cường an ninh cho sườn phía đông của NATO, Ba Lan đã sẵn sàng.
Ông nhắc lại rằng với tư cách là thành viên NATO, Ba Lan có một số nghĩa vụ nhất định và “về mặt này, chúng tôi chỉ đơn giản thực hiện một chính sách chung”.
Hồi tháng 1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow coi tài sản hạt nhân của Mỹ, Anh và Pháp là “kho vũ khí hạt nhân duy nhất nhằm vào Liên bang Nga” vì NATO đã tuyên bố Nga là “mối đe dọa chính”.
Ông nói thêm rằng Nga đã tính đến thực tế này trong chính sách hạt nhân của mình.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố một cuộc chiến tranh hạt nhân không được phép xảy ra và Nga chưa bao giờ đe dọa sử dụng kho vũ khí nguyên tử của mình.
Biên giới Ba Lan-Nga ngày nay là phần giữa Cộng hòa Ba Lan và Kaliningrad, một khu vực không nối với lãnh thổ đất liền của Nga. Nó hiện có 232 km chiều dài.