Hàng trăm trường học Anh đóng cửa vì nguy cơ mất an toàn

GD&TĐ - Tính từ ngày 31/8, hơn 100 trường học ở Anh và xứ Wales được lệnh đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần vì nguy cơ sụp đổ.

Giáo viên Trường Tiểu học Willowbrook, Leicester, dọn dẹp trường trước khi học sinh nghỉ học vì lo ngại an toàn.
Giáo viên Trường Tiểu học Willowbrook, Leicester, dọn dẹp trường trước khi học sinh nghỉ học vì lo ngại an toàn.

Tính từ ngày 31/8, hơn 100 trường học ở Anh và xứ Wales được lệnh đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần vì nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, các công đoàn giáo dục Anh cảnh báo số lượng trường mất an toàn có thể còn cao hơn vì những trường này được xây dựng bằng bê tông khí chưng áp (RAAC).

Tại Trường Honywood, Essex, Anh, hơn 830 học sinh sẽ phải học trực tuyến ít nhất một học kỳ vì ngôi trường sử dụng bê tông RAAC có nguy cơ bị sập. Thầy Hiệu trưởng James Saunders cảnh báo việc cơ sở vật chất kém chất lượng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là khi các em đang phục hồi sau dịch Covid-19.

Hiện nay, học sinh khối 7, lớp đầu cấp tại Trường Honywood, sẽ học trực tuyến một số ngày trong tuần và đến trường vào những ngày còn lại. Các em sẽ sử dụng máy tính bảng để học trực tuyến nhưng dự kiến cần mất nhiều thời gian để cài đặt chương trình học hiện nay. Hơn nữa, nhà trường cũng cần thời gian để tu sửa hoặc xây mới hoàn toàn.

“Đây là thời điểm tồi tệ nhất để chuyển sang học trực tuyến. Chúng ta cần đặt mình vào vị trí của học sinh lớp 7. Với các em, đây là giai đoạn quan trọng vì chuyển tiếp từ tiểu học sang THCS. Việc học bị xáo trộn như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của học sinh trong tương lai”, ông Sanders phân tích.

Điều này cũng ảnh hưởng đến cha mẹ học sinh. Phụ huynh sẽ phải bỏ ca, thay đổi lịch làm việc, thậm chí là nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con cái cho đến khi nhà trường bố trí được chỗ học thay thế.

Tình trạng trên cũng diễn ra ở nhiều trường đại học danh tiếng và lâu đời tại Anh. Những năm 1950 đến 1990 là giai đoạn các trường đại học xây dựng và mở rộng quy mô nên nhiều trường sử dụng bê tông RAAC. Hiện nay, một số trường buộc phải đóng cửa một phần khuôn viên để thẩm định chất lượng phòng ốc.

Ông Steve Chalke, người đứng đầu tổ chức giáo dục Oasis, sở hữu 52 học viện ở Anh, cảnh báo trẻ em đến từ các gia đình khó khăn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc đóng cửa trường học do nguy cơ sập trường.

Tác động của nó tương đương với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi học sinh không thể đến trường, không có cơ hội tiếp cận giáo dục trực tuyến và không được kèm cặp để nâng cao kiến thức. Cuộc khủng hoảng sẽ khoét sâu vào khoảng cách giàu - nghèo tại Anh và mức độ phân hóa trong trình độ học tập của trẻ em nước này.

Các trường học lẫn chuyên gia giáo dục đang kêu gọi Chính phủ Anh và Bộ Giáo dục sớm đưa ra giải pháp cho tình trạng trên và phân bổ nguồn ngân sách hợp lý để các trường tu sửa. Tuy nhiên, việc tu sửa hoặc xây mới những trường học đang xuống cấp sẽ tiêu tốn chi phí tương đối lớn.

Tại các trường phổ thông, việc tu bổ dự đoán khoảng một triệu bảng Anh. Như vậy, Bộ Giáo dục có thể phải trích hàng trăm triệu bảng để tu bổ toàn bộ hệ thống trường họ, trong khi, năm học 2021 - 2022, chi tiêu vốn của Bộ Giáo dục là 4,9 tỷ bảng Anh, mức thấp nhất được ghi nhận tính từ năm học 2009 - 2010.

RAAC là vật liệu được sử dụng trong các tòa nhà khu vực công tại Anh vào những năm 1960, 1970. Đây là một dạng bê tông nhẹ, sủi bọt, thường dùng làm mái nhà hoặc làm tường nhưng chỉ có tuổi thọ khoảng 30 - 40 năm. Từ những năm 1990, Anh đã cảnh báo nguy cơ sụp đổ ở những nơi sử dụng vật liệu này.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ