Ngày 16/2, thông tin từ huyện Yên Lập (Phú Thọ), địa phương vừa tổ chức lễ đón nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mở cửa rừng của người Mường huyện Yên Lập” và khai mạc lễ hội.
Tại buổi lễ, ông Hồ Đại Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL đã trao Giấy chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ mở cửa rừng của người Mường huyện Yên Lập” cho đại diện lãnh đạo huyện Yên Lập.
Lễ mở cửa rừng là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đặc trưng và độc đáo mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với quá trình tụ cư và phát triển của của dân tộc Mường, xã Minh Hoà, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Bên cạnh đó, Lễ mở cửa rừng còn phản ánh nhận thức của người Mường về mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết mật thiết giữa rừng - đất và nước là ba yếu tố cần để đảm bảo cho cuộc sống của mỗi cộng đồng dân cư.
Thông qua các nghi lễ để giáo dục cho con cháu trong gia đình, dòng họ bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc, trở thành niềm tự hào của người Mường.
Lễ mở cửa rừng của người Mường ở huyện Yên Lập (Phú Thọ) được tổ chức thường niên vào tháng Giêng hằng năm với mong muốn được thánh thần và Thành hoàng làng phù hộ cho một năm săn bắn, hái lượm và sản xuất bội thu, làng bản hòa thuận, vui vẻ, ấm no, đoàn kết…
Đây là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đặc trưng và độc đáo mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với quá trình tụ cư và phát triển của của dân tộc Mường.
Tái hiện mô phỏng phường đi săn của người Mường. |
Lễ mở cửa rừng diễn ra với phần lễ và phần hội. Phần lễ tái hiện mô phỏng cuộc đi săn của các phường săn. Bên cạnh các nghi thức lễ tế là phần hội tưng bừng náo nhiệt với các tiết mục văn nghệ dân gian như múa sênh tiền, hò đu, đâm đuống... và những trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt vịt, thi đấu bóng chuyền.
Lễ hội mở cửa rừng là lễ hội truyền thống của người Mường ở huyện Yên Lập, đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc trong huyện, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu vào mỗi dịp đầu Xuân.
Bà Trần Thị Quý - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Lập cho biết, không gian sinh tồn, từ xa xưa, người Mường nơi đây sống dựa vào rừng và trồng lúa. Thung lũng và địa hình chân núi chỉ cho phép dân chúng cấy trồng một vụ, bù đắp cho mưu sinh chính là rừng. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, Thần cây, Thần rừng là rất quan trọng và nuôi sống người dân bao đời.
Nghi lễ mở cửa rừng cho thấy những quan niệm của người Mường về vũ trụ, vạn vật, và ứng xử của con người với rừng, với thiên nhiên, đặc biệt thể hiện mong muốn làm chủ cuộc sống của người Mường.
Theo ông Đinh Tiến Công - Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, rừng sản xuất của Minh Hòa chiếm khoảng 50% và rừng đặc dụng khoảng 36%. Đây cũng là nơi có "An toàn khu" kháng chiến Lòng Chảo nổi tiếng từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Dân tộc Mường ở Xã Minh Hòa chiếm 90% dân số của xã. Địa bàn xã là vùng đồi núi, tỷ lệ hộ nghèo 13% nhưng Xuân Hòa đã có 3 trường học đạt trường chuẩn Quốc gia, phủ sóng toàn diện internet, tivi và điện lưới. Xã đã và đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu hướng tới cán đích Nông thôn mới trong thời gian tới.