Hàng trăm ha lúa ở A Lưới nguy cơ mất trắng vì hạn hán

Hàng trăm ha lúa ở A Lưới nguy cơ mất trắng vì hạn hán

Chia sẻ với PV, người dân cho biết chưa có năm nào vụ lúa Đông Xuân của người dân huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế lại bị thiệt hại nhiều như năm nay. Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nguồn nước ở các con kênh khô cạn, nhiều diện tích lúa ở đây vừa trổ bông gần như mất trắng. Hiện mực nước ở các con sông, khe suối thấp gần như cạn kiệt, tầng nước ngầm nơi đây cũng bị sụt giảm. Nhiều diện tích ruộng lúa khô nước, nứt nẻ, lúa có dấu hiệu chết khô.

“Nếu cứ tiếp tục không có mưa thì coi như vụ này mất trắng, chúng tôi đã nghĩ đến phương án không thu hoạch, hoặc thu hoạch cũng chỉ lấy rơm để ủ gốc hoa màu”, một người dân chia sẻ.

Hàng trăm ha lúa ở A Lưới nguy cơ mất trắng vì hạn hán ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, ông Hồ Văn Khuých cho biết, hiện xã có khoảng 26 hecta lúa vụ đông xuân của bà con bị thiếu nước tưới, dẫn đến tình trạng hư hại. Trong đó, tập trung nhiều ở thôn A Niêng Lê Triêng 1, Đụt Lê Triêng 2.

Nhằm cứu lúa, xã đã vận động người dân vét mương khơi thông các nguồn nước từ khe, suối lấy nước. Đối với những diện tích không thể cứu vãn, vận động người dân chuyển sang trồng hoa màu như ngô, đậu, sắn. Do những diện tích này là đất chuyên canh cây lúa lâu nay, giờ vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây khác cũng gặp nhiều khó khăn. Để khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi, xã có những chính sách hỗ trợ giống, tập huấn chuyển giao kiến thức canh tác, sản xuất mới cho bà con.

“Hưởng ứng lời kêu gọi của UBND xã, nhiều hộ dân tích cực ra quân đắp đập dã chiến, nạo vét kênh, mương. Giờ chỉ trông chờ vào ông trời cho ít trận mưa để người dân đỡ khổ”, ông Hồ Văn Ôn, Bí thư chi bộ xã A Niêng Lê Triêng 1 chia sẻ.

Không chỉ xã Trung Sơn mà hơn 300 hecta lúa đông xuân ở huyện A Lưới tập trung ở các xã A Ngo, Sơn Thuỷ, Quảng Nhâm, Phú Vinh, Lâm Đớt và thị trấn A Lưới cũng đang bị khô hạn, hư hại.

Trước diễn biến phức tạp của đợt hạn hán này, huyện A Lưới đã đề nghị chủ đầu tư các công trình thuỷ lợi đang thi công, chọn phương án thi công tối ưu nhất để không làm ảnh hưởng đến nước tưới tiêu, đẩy nhanh thi công những công trình như: Trạm bơm điện A Ngo, Điền Sơn (xã Sơn Thuỷ), Pa Lanh (Trung Sơn) để kịp hoàn lấy nước phục vụ sản xuất. Cùng với đó, huyện sẽ đầu tư xây dựng các hồ chứa lớn và kiên cố hoá các công trình thuỷ lợi theo quy hoạch đã được phê duyệt.

“Huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị cần chủ động hơn nữa trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ”. Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân để có giải pháp cụ thể, lâu dài trong việc chống hạn. Đồng thời, chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện cần quan tâm xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững”, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?