Gần 20 năm sống vá víu
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn Thanh Hóa không chỉ tạo thuận lợi trong kết nối giao thông, mà còn góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, do quy định phạm vi hành lang của đường Hồ Chí Minh khá rộng, trong khi gần 20 năm qua, Nhà nước vẫn chưa có phương án đền bù khiến hàng nghìn hộ dân ở Thanh Hóa nằm trong giới hạn hành lang “đi không được, ở không xong”.
Trong căn nhà lụp xụp khoảng hơn 10m2, vợ chồng bà Nguyễn Thị Liên (66 tuổi, thôn Thống Nhất, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) sống khổ sở khi không thể sửa cũng chẳng thể xây mới.
“Chồng bị chất độc da cam không lao động được gì, tôi cũng chỉ bám ven đường để buôn bán mưu sinh qua ngày. Bao năm nay chỉ mong Nhà nước đền bù cho ít tiền để xây lại nhà, tái định cư tại chỗ nhưng chờ mãi không thấy đâu. Nhà cửa thì dột nát cũng không được sửa sang”, bà Liên ngậm ngùi.
Tương tự, gia đình anh Phạm Văn Cảnh (thôn Thành Công, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) 3 thế hệ sống ở đây từ nhiều năm. Từ khi bố mẹ anh Cảnh còn sống đến giờ đã mất và thế hệ tiếp theo là cháu của vợ chồng anh ra đời nhưng bao năm nay, căn nhà sàn lụp xụp chờ sập của gia đình không thể phá đi để xây lại.
“Nhà dựng từ năm 1980 đến nay đã quá xuống cấp và không thể sửa chữa được nữa nên gia đình chỉ mong muốn được xây lại. Mỗi khi mùa mưa bão, căn nhà xiêu vẹo, chỉ chực sập. Nếu Nhà nước không cho di dời thì cũng cho chúng tôi được xây nhà, tách sổ cho con cái ở riêng, ổn định cuộc sống”, anh Cảnh chia sẻ.
Không chỉ không thể sửa chữa, xây mới hay cơi nới, các hộ dân sinh sống trong hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh cũng không được tách hộ… kể từ khi dự án được phê duyệt quy hoạch xây dựng vào năm 2004 đến nay, họ không thể làm gì khác trên chính mảnh đất của mình.
Mong muốn của bà Liên, anh Cảnh cũng là mong muốn của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn Thanh Hóa hiện đang sống trong hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh.
Theo chính quyền địa phương, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các hộ dân đã nhiều lần phản ánh việc cắm mốc hành lang đường Hồ Chí Minh quá rộng đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Người dân cũng mong muốn Nhà nước thay đổi lại quy hoạch để người dân được an cư; trong điều kiện dự án chưa được triển khai, tạo điều kiện để người dân sửa chữa nhà cửa, vì nhiều gia đình nhà đã xuống cấp và có nhu cầu tách hộ…
Căn nhà sàn xây hàng chục năm chỉ chực sập của gia đình anh Phạm Văn Cảnh. (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) |
Bao giờ người dân được “giải phóng” khỏi quy hoạch?
Ông Quách Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc) bày tỏ: “Nếu Nhà nước thu hồi thì thu hồi đi để người dân mua đất, chuyển ra vị trí mới cho ổn định cuộc sống”. Ông Phong cũng cho biết, hiện xã đã có quỹ đất sẵn, chỉ cần Nhà nước cho phương án là xã sẽ bố trí đất tái định cư cho bà con.
Theo ông Vi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Luận Thành (huyện Thường Xuân), năm nào chính quyền địa phương cũng phải xử phạt hàng chục trường hợp cơi nới, sửa chữa nhà cửa. “Nhà sập đến nơi không cho sửa cũng không được mà cho thì không đúng quy định. Năm nào địa phương cũng xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm”, ông Thành nói.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ngọc Lặc cho biết, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 216 hộ nằm trong hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh. Trong đó có nhiều gia đình nằm trong chỉ giới 59,5m, khi dự án triển khai sẽ mất toàn bộ diện tích đất.
“Với góc độ địa phương quản lý, ông Tuấn mong muốn Chính phủ, các cơ quan thẩm quyền có giải pháp, một là giải phóng mặt bằng để đảm bảo cuộc sống ổn định. Nếu không giải phóng mặt bằng thì phải có quy định để người dân tạm thời sử dụng đất đó để phát triển kinh tế, đảm bảo theo điều kiện thực tế của gia đình. Hoặc Chính phủ đưa ra giải pháp như cấp phép có thời hạn, khi nào thực hiện đường thì các nhà xây không được bồi thường…”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Khi phương án di dời vẫn chưa được triển khai, thì 20 năm đã qua và sẽ là lâu hơn nữa, những hộ dân này cùng thế hệ con cháu họ, vẫn chẳng thể nào ổn định được cuộc sống. Nếu không quản lý chặt chẽ, thời gian càng lâu, những vi phạm hành lang cũng theo đó mà tăng lên, gây mất an toàn giao thông và làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình đường bộ.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ 470, đường Hồ Chí Minh đi qua 6 huyện của tỉnh Thanh Hóa, gồm: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Xuân với chiều dài 129,6 km. Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 5.469 hộ dân sống trong hành lang an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh.