Xã Khánh Thiện có hơn 84% là đồng bào Tày sinh sống. Đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức phục dựng Lễ hội Cắc Kéng - nhịp điệu mà người dân nơi đây vẫn gọi cho hoạt động giã Cốm. Điều này thể hiện một mùa màng tươi tốt, bội thu, cầu mong một vụ sau ấm no, đầy đủ hơn.
Thiếu nữ người Tày bên gánh lúa nếp non |
Lễ hội bao gồm các hoạt động như: dâng hương tại Đình làng thôn Tông Luông; thi gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng; văn nghệ chào mừng với hoạt cảnh về nguồn gốc của tết Khẩu Mảu (còn gọi là tết Cốm) và biểu diễn nhịp điệu Cắc Kéng.
Trong không gian Lễ hội, du khách còn tham gia vào hoạt động giã cốm, các trò chơi dân gian như: Đánh yến, đánh quay, thi bịt mắt bắt vịt, thưởng thức các món ăn truyền thống... Trong đó, đặc biệt là các món ăn được chế biến từ Cốm theo phương pháp truyền thống của đồng bào Tày xã Khánh Thiện.
Hình ảnh giã cốm được người dân địa phương tái hiện |
Theo người dân nơi đây, từ bao đời nay, khi những bông lúa nếp Lào Mu đọng sữa ở đầu hạt thì người nông dân chắt chiu đem về làm cốm. Để giã được cốm, mỗi nhà đều sắm một cái loỏng (chiếc cối lòng máng dài, làm từ thân cây to, khoét lõi), 6 cái chày để giã cốm. Những hạt Cốm dẻo thơm sẽ được cúng lên tổ tiên và tổ chức Tết Khảu Mảu. Sau khi hoàn thành việc giã cốm, mọi người cùng hân hoan phấn khởi nói cười. Người thì dùng chày giã xuống loỏng, người thì đập nhịp vào thành cối, tạo nên âm thanh “cùm cùm cắc cùm cắc”, cứ thế vang rộn khắp bản làng. Đó chính là nhịp chày cắc kéng.
Cốm sau khi giã xong, được làm sạch |
Việc phục dựng Lễ hội Cắc Kéng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Đây còn là dịp để người dân, du khách thập phương đến thăm, trải nghiệm tại vùng đất Khánh Thiện, nơi có đông đảo đồng bào Tày còn giữ được nhiều phong tục, tập quán hay cùng nét sinh hoạt mang đậm truyền thống. Từ đó thúc đẩy du lịch cộng đồng tại địa phương phát triển.