Là nhân viên của BND, đơn vị của Đức tương đương Cục Tình báo đối ngoại MI6 của Anh, Markus R làm việc tại bộ phận đăng ký của chi nhánh hoạt động tại nước ngoài của cơ quan này. Vì thế, anh ta đã được tiếp cận những tài liệu tuyệt mật, trong đó có thông tin cá nhân của các điệp viên đang hoạt động ở nước ngoài.
Danh sách bị đánh cắp, được cho là từ năm 2011, chứa tên thật, tên giả của các cán bộ BND làm việc dưới danh nghĩa nhà ngoại giao tại nhiều đại sứ quán khắp thế giới và những người làm việc bí mật ở các nước mà quân đội Đức đang triển khai lực lượng, trong đó có Afghanistan.
Vẫn chưa rõ liệu Markus R đã chuyển danh sách này cho cơ quan tình báo nước ngoài nào hay chưa. Nó được tìm thấy trong một ổ cứng bị thu giữ trong chiến dịch lục soát nhà Markus R sau khi anh ta bị bắt. Gần đây, tài liệu này mới được đánh giá hết.
Phản bội vì tiền
Việc Markus R bị lộ mặt là một trong hai vụ bê bối tình báo khiến quan hệ Đức - Mỹ trở nên tồi tệ vào mùa hè trước. Tháng 7/2014, chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu trưởng đại diện Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Berlin rời khỏi Đức.
Theo báo chí Đức, Markus R đã nhận tội chuyển cho CIA hơn 200 tài liệu mật trong 2 năm, và được trả 25.000 euro (khoảng 635 triệu đồng).
Các công tố viên Đức nói rằng, Markus R được CIA tuyển dụng sớm hơn một năm rưỡi so với anh ta thú nhận (năm 2010), và được trả 75.000 euro (hơn 1,9 tỷ đồng) cho việc chuyển tài liệu bí mật trong 4 năm, báo Đức Spiegel đưa tin.
Phía Đức sơ bộ xác định Markus R bán thông tin mật vì tiền, chứ không phải vì ý thức hệ. Mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Đức hiện nay là anh ta chưa bán hay đã bán danh sách điệp viên cho cơ quan tình báo nước ngoài thù địch.
Vụ bắt Markus R hồi tháng 7/2014 xảy ra trong bối cảnh quan hệ Đức - Mỹ vốn đang căng thẳng sau khi việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do thám điện thoại của bà Merkel vỡ lở.
Chỉ vài ngày sau đó, giới điều tra Đức thẩm vấn một điệp viên hai mang thứ hai - một quan chức Bộ Quốc phòng Đức bị tình nghi chuyển thông tin bí mật cho Mỹ.
Lần đầu tiên kể từ năm 1945, chính quyền của bà Merkel ra lệnh giám sát giới tình báo Anh và Mỹ, đồng thời yêu cầu trưởng đại diện CIA tại Berlin rời khỏi đất nước, một động thái hiếm khi xảy ra giữa hai nước đồng minh.
BND (tiếng Đức: Bundesnachrichtendienst) có hai trụ sở chính ở Pullach gần Munich và Berlin, dự kiến quy về một mối ở Berlin vào năm 2016, với khoảng 4.000 người.
BND có 300 cơ sở ở Đức và nước ngoài. Năm 2005, BND có khoảng 6.050 nhân viên. Ngân sách năm 2013 của BND là gần 504,8 triệu euro (khoảng 12.822 tỷ đồng).
Bình luận