Ngày nay, nhu cầu làm đẹp của nữ giới phát triển một cách nhanh chóng, phong phú và đa dạng. Trong đó, việc nối tóc được xem là một trong những phương pháp làm đẹp phổ biến và được ưa chộng nhất hiện nay.
Thay vì sử dụng tóc giả như trước kia thì giờ đây những mái tóc nối đa phần bắt nguồn từ chính những sợi tóc thật của người khác, tạo ra một ngành công nghiệp "vàng đen" hái ra tiền.
Sở dĩ gọi là "vàng đen" bởi vì những mái tóc nối đem lại siêu lợi nhuận cho lĩnh vực làm đẹp, giá trị không khác gì như vàng.
Những mái tóc thật được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, mái tóc càng "tinh khiết" thì càng được giá, chính vì vậy ngành công nghiệp này đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Chỉ riêng tại Anh, trong vòng 5 năm trở lại, tỷ lệ người nối tóc thật đã tăng 70%, 42 triệu tấn tóc được mua hàng năm đủ để cuốn quanh Trái Đất 3.200 lần.
Để sở hữu một mái tóc bồng bềnh, đầy đặn và thời thượng, mỗi khách hàng ở Anh không chỉ phải ngồi suốt hàng tiếng đồng hồ, mà còn phải bỏ ra không dưới 1000 bảng (gần 30 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) cho dịch vụ đắt đỏ này.
Thế nhưng, đằng sau những bộ tóc nối đắt tiền giúp khách hàng có diện mạo hoàn hảo hơn thì đó là những câu chuyện đầy nhức nhối không phải ai cũng biết.
Mái tóc "trinh nguyên" và những giọt nước mắt chảy ngược vào trong
Tại ngôi làng Yadagirigutta ở Ấn Độ, rất nhiều phụ nữ nghèo khó xếp hàng để chờ được cạo đầu. Đa phần những người phụ nữ này chưa từng nhuộm tóc, chưa từng dùng các sản phẩm chăm sóc tóc, nhiều người thậm chí còn chẳng biết sấy tóc là gì.
Người ta gọi đó là những mái tóc "trinh nguyên", và những mái tóc này sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho nhà tạo mẫu tóc bởi chất lượng "tinh khiết" của chúng.
Theo phong tục ở đây, những mái tóc này được cạo đi để trả ơn một vị thần trong đạo Hindu, dù biết rằng sau đó mái tóc của mình sẽ bị mang đi bán nhưng những người tình nguyện hiến tóc vì đức tin. Họ cho rằng sẽ tốt hơn khi dành cho những người thực sự cần nó.
Tuổi tác của mái tóc cũng là yếu tố được quan tâm, với những người dưới 24 tuổi, tóc họ có giá trị cao hơn vì ở lứa tuổi này lượng keratin (protein giúp tóc thẳng) đang hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả nhất.
Bà Emma Tarlo, giáo sư nhân chủng học tại Đại học London, người có khoảng thời gian dài nghiên cứu phụ nữ tại Ấn Độ cho rằng, những người hiến tóc đều tự hào khi cho đi mái tóc của mình, họ làm thế để tỏ lòng thành kính với đạo và ai cũng mong chờ tới ngày được hiến tóc.
Sau khi được cắt bỏ, những mái tóc này sẽ được tẩy và sau đó nhuộm màu, tuỳ thuộc vào nơi mà chúng được "xuất khẩu". Ví dụ như tại Anh, nơi có lượng lớn người tóc vàng, mái tóc từ Ấn Độ sẽ được tẩy rồi nhuộm thành màu cho phù hợp.
Thế nhưng việc hiến tóc vì đức tin chỉ là một trong những nguồn cung cấp cho ngành công nghiệp "vàng đen" của Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung.
Trên thực tế, số lượng lớn tóc thật được các con buôn thu mua chủ yếu lấy từ những trẻ em, phụ nữ nghèo khó, những người buộc phải đánh đổi mái tóc của mình để lấy vài đồng tiền lẻ ít ỏi.
Các con buôn tại Ấn Độ tập trung tấn công nam giới, chúng hứa sẽ thưởng tiền nếu như những người đàn ông này mang mái tóc của vợ đến cho họ. Không thể làm ngơ trước món hời này, nhiều người chồng đã ép vợ mình cắt tóc.
Đáng lo ngại hơn là việc xuất hiện những băng đảng thu mua tóc, truy tìm lùng sục phụ nữ để cạo đầu họ. Nếu những người phụ nữ này phản kháng, không chấp nhận thì họ sẽ bị dọa nạt, thậm chí là đánh đập không thương tiếc.
Một cô gái ở đây cho biết: "Tôi từng bị một nhóm người đàn ông chặn lại giữa đường và lấy đi mái tóc của tôi. Tôi biết nhiều phụ nữ khác cũng bị đe dọa".
Những đứa trẻ ở khu ổ chuột cũng bị dụ dỗ đổi tóc để lấy đồ chơi hoặc chút ít tiền. Ở Campuchia, nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cũng cắn răng bán tóc nhiều lần để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Cô Van Sariem, 33 tuổi, đã nhận được lời đề nghị bán mái tóc với giá 25 USD (hơn 500.000 đồng theo tỷ giá hiện tại) từ những người buôn tóc. Đó là lần đầu tiên người mẹ này bán tóc để lấy tiền cho con út đi học.
Số tiền này sẽ giúp cô Van Sariem cầm cự được một thời gian. Thường ngày, người phụ nữ này đi nhặt rác để nuôi 3 đứa con nhỏ. Sau đó, cô bán mái tóc lần thứ 2 với giá hơn 300.000 đồng vì nó ngắn so với lần trước.
Phần đuôi tóc của cô giờ đã mỏng và xơ xác hơn so với trước đây. Mặc dù vậy cô Sariem cho biết: "Tôi sẽ bán tóc một lần nữa nếu tôi không có tiền". Với nhiều phụ nữ nghèo khó, mái tóc trở thành "quỹ dự phòng" của họ. Hóa ra, đằng sau niềm vui được làm đẹp của một người lại có thể là nỗi uất ức, đau khổ của người khác.
"Chỉ muốn bỏ học để làm tóc" và giấc mộng đổi đời
Ngoài Ấn Độ và Campuchia thì Myanmar cũng là nơi phát triển ngành công nghiệp "vàng đen". Họ tìm cách thu mua tóc từ nhiều người khác nhau và sau khi được xử lý "hàng hóa này" sẽ gửi đến Trung Quốc, nơi mà các thương nhân và chủ cửa hàng có nhu cầu ngày một tăng.
Thành phố Hứa Xương, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc là nơi có nhà máy sản xuất tóc lớn nhất thế giới. Theo tờ China Daily, lợi nhuận từ ngành công nghiệp "vàng đen" của thành phố này đã chiếm tới hơn 3 tỷ USD vào năm 2018.
Ở những ngôi làng thuộc các thị trấn Yamethin, Pyawbwe và Thazi, tại Myanmar đã truyền nhau câu nói rằng: "Sau thuốc phiện, tóc là con đường nhanh nhất để đi đến sự giàu có".
Theo người dân địa phương, nghề buôn bán tóc tại đây xuất hiện từ năm 1997 nhưng chỉ đến năm 2010, nghề này mới thực sự phất lên như diều gặp gió do nhu cầu ngày một tăng của thị trường. Giá cả biến động cùng sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến nhiều người từ bỏ nông nghiệp để chuyển sang lĩnh vực "vàng đen" này với hy vọng đổi đời, thoát khỏi cái nghèo.
Tại Myanmar, ngành công nghiệp "vàng đen" đã tạo ra sức hút lao động vô cùng mạnh mẽ. Hầu hết những người làm trong lĩnh vực này là phụ nữ và thậm chí có cả học sinh.
"Một số cô gái trẻ đến nhận công việc gỡ rối tóc nói rằng họ không muốn đi học, chỉ mong được kiếm tiền khi các chủ cửa hàng nói rằng họ không muốn nhận học sinh", một chủ cửa hàng cho biết.
Tuy nghề "vàng đen" có thể khiến người dân bớt khổ và có cuộc sống sung túc hơn nhưng một số chuyên gia y tế ở Myanmar lo ngại rằng sức khỏe của những người làm trong lĩnh vực này có thể bị ảnh hưởng.
Myat Min, một bác sĩ nhi khoa từ Meiktila, đến thăm các ngôi làng làm nghề buôn bán tóc với tư cách là tình nguyện viên y tế cho hay, sự phát triển của ngành "vàng đen" đã khiến các bệnh về hen suyễn ngày một gia tăng.
"Ở những ngôi làng mà tôi tiếp xúc, tất cả người dân đều mắc bệnh hen suyễn. Ngay cả những đứa trẻ ở đó cũng mắc bệnh", bác sĩ Myat Min cho biết.
Theo bác sĩ Myat Min, nấm, bụi và gàu có thể bám vào tóc và gây ra các bệnh hô hấp cho những người thường xuyên tiếp xúc với chúng. Tuy nhiên một số người dân khẳng định rằng, chưa ai từng mắc bất kỳ bệnh nào từ việc làm tóc.
Dù thế nào đi nữa, từng sợi tóc đều quý như vàng đối với bà Sandar Win, một người có "thâm niên" 8 năm làm trong ngành tóc.
Bà Sandar Win nói: "Tôi đã từng cảm thấy kinh tởm khi nhìn thấy những sợi tóc trong thức ăn trước đây nhưng giờ chúng không còn khiến tôi cảm thấy ghê rợn nữa. Hiện tại, tôi chỉ sợ ngành công nghiệp này biến mất".
"Vàng đen" trong rác cho đến sản phẩm làm đẹp khiến hàng triệu người mê mẩn
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, trung bình mỗi ngày, một người phụ nữ rụng từ 50 tới 100 sợi tóc. Khi tính ở con số thành phố hoặc khu vực, số lượng tóc thu về thông qua rác thải chắc chắn cũng là một nguồn thu khổng lồ đối với người buôn bán tóc.
Từ châu Á, Tây Âu cho tới Nam Mỹ, nghề thu tóc trong rác hoàn toàn tồn tại ngoài đời thực, họ tới từng cửa hàng cắt tóc để thu hoạch tóc bị cắt đi và thu từ trong rác thải sinh hoạt tóc để gom về.
Chỉ tính riêng tại châu Á vào năm 2016, đã có tới 500.000 người làm nghề bới tóc, những người này sau đó tập trung tóc lại và bán cho các con buôn để kiếm tiền, mặc dù số tiền bán chẳng được bao nhiêu do chất lượng tóc kém và sự không đồng nhất trong kiểu tóc nhưng đây cũng là cách giúp họ duy trì cuộc sống.
Tóc được thu hoạch sẽ được gói lại thành từng cọc sau đó được đem tới nơi xử lý trước khi ra được thành phẩm và được đem đi bán buôn. Để sản xuất được một bộ tóc có chất lượng, đòi hỏi rất nhiều công đoạn và cả những bí mật nhà nghề không được tiết lộ. Đầu tiên, công việc của họ sẽ là gỡ tóc. Thông thường một nhân công chỉ gỡ được 150g tóc mỗi ngày. Công việc này khá vất vả và đòi hỏi tính tỉ mẩn rất cao.
Sau đó, tóc sẽ được làm mượt và chải bằng lược để có được độ mượt và định hình như mong muốn. Cuối cùng, người thợ sẽ phải phân tóc thành những đoạn dài bằng nhau và được buộc lại. Tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay và đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của các công nhân. Tuy nhiên, đa phần các nhà máy được đặt tại những nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar với số tiền nhân công được trả rất ít ỏi.
Tóc sau khi đã được "sơ chế" bằng tay sẽ được đem đi nhuộm màu. Tùy vào nhu cầu của khách hàng mà người nhuộm sẽ sử dụng các loại dung dịch hóa học khác nhau. Với những mẫu tóc màu bạch kim, tóc phải được ngâm 20 ngày để có được màu tóc ưng ý. Trong khi đó, với các màu tóc nâu hay đỏ thì chỉ cần 10 ngày.
Những bó tóc nối sẽ được nhuộm màu khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của khách hàng.
Trên thực tế, những tay bán buôn tại Mỹ có thể kiếm bộn tiền từ những phi vụ mua bán tóc. Còn nơi cung cấp hàng, các nhà máy tại châu Á chỉ được trả một khoản rất nhỏ.
Gloria King, một người bán tóc tại Mỹ cho biết "Những người lao động thường rất nghèo. Chúng tôi chỉ phải trả 45$ (khoảng 1 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) và họ có thể nuôi gia đình trong nhiều ngày".
Có thể thấy rằng, những sợi tóc tưởng chừng như vô giá trị nhưng trên thực tế lại là miếng cơm manh áo và cũng là nỗi đau khó nói của hàng triệu người.
Mặc dù luôn tồn tại những bất cập nhưng không thể phủ nhận rằng, ngành công nghiệp "vàng đen" đã đem lại nguồn lợi kinh tế khổng lồ không dễ gì kiếm được. Chính vì thế, bằng bất cứ giá nào, những người săn lùng và buôn bán tóc người thật vẫn ngày một tăng lên khi nhu cầu của thị trường không thấy có dấu hiệu giảm nhiệt.