Hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm đe dọa sức khỏe trẻ em

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 24 - 31/3, thành phố ghi nhận 166 ca mắc thủy đậu (tăng gần gấp đôi so với tuần trước).

Trẻ nhiễm virus hợp bào tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Trẻ nhiễm virus hợp bào tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Trong đó, một số chùm ca bệnh thủy đậu tại các trường mầm non, tiểu học gồm: Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) có 20 ca; Trường Mầm non Chu Minh (huyện Ba Vì), Trường Mầm non Hạ Bằng (huyện Thạch Thất), có 12 ca; Trường Mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) có 9 ca...

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 800 ca mắc thủy đậu (cùng kỳ năm 2022 chỉ có 11 ca), chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Trong khi đó, tại một số tỉnh miền Bắc như Lào Cai hay Bắc Kạn, ca bệnh thủy đậu cũng có xu hướng tăng.

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 400 ca mắc thủy đậu. Riêng phường Kim Tân, TP Lào Cai ghi nhận gần 50 ca mắc.

Không chỉ thủy đậu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng thông tin, tuần qua, thành phố ghi nhận 63 ca mắc tay chân miệng. Số ca mắc tăng so với tuần trước.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 248 ca mắc tay chân miệng. Số ca mắc tăng 183 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, thời gian tới có thể vẫn tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.

Ở một diễn biến khác, mới đây Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) thông tin, các giường bệnh tại cơ sở y tế này đều chật kín do nhiều trẻ mắc virus hợp bào hô hấp (RSV). Không ít giường tại khoa Nhi của bệnh viện này phải tạm thời để trẻ nằm ghép.

Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Phó khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hiện tại, tỷ lệ trẻ nhiễm virus hợp bào tại đơn vị này chiếm khoảng 1/4 số bệnh nhi. Trong số hơn 80 bệnh nhi nhập viện do viêm đường hô hấp, có 16 bé được xác định nhiễm RSV. Trong đó, 5 trẻ phải thở oxy vì nhiễm RSV nặng.

Đa số trẻ nhiễm virus RSV đều nhập viện trong tình trạng thở khò khè, sốt. Một số trẻ bị suy hô hấp cần phải thở oxy hỗ trợ. Trường hợp bị suy hô hấp đa phần là trẻ nhỏ, từ 1 - 2 tháng tuổi. Đặc biệt, có hai trường hợp là trẻ sinh đôi 2 tháng tuổi, bị biến chứng nặng suy hô hấp đang phải thở oxy.

“RSV là một loại virus gây suy hô hấp rất nhanh, gây biến chứng viêm phổi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch vẫn còn kém. Việc điều trị bệnh do virus này gây ra với trẻ khá khó khăn.

Dù không phải là một loại virus mới nhưng đã có nhiều nghiên cứu và thống kê cho thấy, virus này gây bệnh nặng đối với trẻ nhỏ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi”, bác sĩ Sang lưu ý.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Bên cạnh đó, cần chú ý giữ vệ sinh cho trẻ.

Trong đó, gồm vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh trẻ. Đồng thời, cho trẻ ngủ đủ giấc và tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ