Đối phó với các bệnh truyền nhiễm

Bác sĩ cảnh báo những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dễ lây ở trẻ

GD&TĐ - Bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh lây đặc biệt phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa
Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa

Có nhiều tác nhân gây bệnh nên người lớn cần lưu ý để phòng tránh lây lan cho trẻ.

Tác nhân gây bệnh

Bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau. Đối với trẻ nhỏ, bệnh truyền nhiễm càng dễ lây bởi khả năng phòng bệnh của trẻ còn yếu.

Các bệnh truyền nhiễm thường có thể trở thành dịch với số lượng người mắc rất lớn và diễn biến theo các giai đoạn là nung bệnh, khởi phát, toàn phát, lui bệnh và hồi phục.

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học nói chung và y học nói riêng, rất nhiều bệnh truyền nhiễm đã và đang được đẩy lùi, thậm chí có bệnh đã bị xóa sổ.

Tuy vậy, vẫn có những bệnh truyền nhiễm còn là mối đe dọa cho nhân loại như sốt rét, viêm gan virus, sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết do virus Ebola, HIV/AIDS... Một số mầm bệnh trong quá trình phát triển đột biến gây nên những trạng thái bệnh lý mới, rất nặng và khó chẩn đoán.

Việt Nam với đặc điểm là nước nhiệt đới, điều kiện sống còn khá thấp với nhiều tập quán sinh hoạt lạc hậu. Vì vậy, các bệnh truyền nhiễm vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, có những dịch xảy ra quanh năm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau của bệnh truyền nhiễm tùy thuộc vào sinh vật gây nhiễm trùng, nhưng thường bao gồm sốt và mệt mỏi.

Nhiễm trùng nhẹ có thể đáp ứng với nghỉ ngơi và các biện pháp điều trị tại nhà, trong khi một số trường hợp nhiễm trùng đe dọa tính mạng có thể cần nhập viện.

Theo bác sĩ Phương, có nhiều tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như virus, tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp hay từ mẹ sang con… Cụ thể, bệnh do vi khuẩn là nguyên nhân gây ra các bệnh như viêm họng, nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh lao.

Bệnh do virus thì gây ra vô số bệnh khác nhau, từ cảm lạnh thông thường đến AIDS. Bệnh do nấm gây ra có thể lây nhiễm sang phổi hoặc hệ thần kinh. Ngoài ra còn có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là ký sinh trùng.

Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm thường lây lan qua việc truyền trực tiếp vi khuẩn, virus hoặc vi trùng khác từ người này sang người khác. Điều này có thể xảy ra khi một người có vi khuẩn hoặc virus chạm vào, hôn hoặc ho hoặc hắt hơi vào người không bị nhiễm.

Những vi trùng này cũng có thể lây lan qua sự trao đổi chất lỏng của cơ thể khi quan hệ tình dục. Người truyền mầm bệnh có thể không có triệu chứng của bệnh, nhưng có thể chỉ đơn giản là người mang mầm bệnh.

Đối với tác nhân là tiếp xúc trực tiếp, bệnh có thể lây nhiễm từ động vật sang người. Thậm chí, bệnh lây nhiễm khi bị cắn hoặc cào bởi một con vật bị nhiễm bệnh hay con vật cưng cũng có thể khiến bạn bị ốm và trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể gây tử vong.

Ngoài ra còn có nguyên nhân là từ mẹ bầu sang con. Phụ nữ mang thai có thể truyền vi trùng gây bệnh truyền nhiễm cho thai nhi. Một số vi trùng có thể truyền qua nhau thai hoặc qua sữa mẹ. Vi trùng trong âm đạo cũng có thể được truyền sang em bé trong khi sinh.

Các sinh vật gây bệnh cũng có thể lây qua đường tiếp xúc gián tiếp. Nhiều vi trùng có thể tồn tại trên một vật vô tri, chẳng hạn như mặt bàn, tay nắm cửa hoặc tay cầm vòi nước.

Vi trùng gây bệnh cũng có thể lây nhiễm qua thức ăn và nước bị ô nhiễm. Cơ chế lây truyền này cho phép vi trùng có thể lây lan cho nhiều người thông qua một nguồn duy nhất.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Những bệnh nguy hiểm thường gặp

Bác sĩ Hằng khuyến cáo, để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cần vệ sinh sạch sẽ. Điều này đặc biệt quan trọng trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cố gắng không dùng tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng vì đó là cách phổ biến để vi trùng xâm nhập vào cơ thể. Nếu con nôn mửa, tiêu chảy hoặc sốt, cha mẹ không nên cho con đi học. Điều này không chỉ để bạn và gia đình điều trị bệnh hiệu quả mà còn tránh lây bệnh cho người khác. Cha mẹ cũng cần cho con ăn chín uống sôi, nấu ăn sạch sẽ. Nấu thức ăn ở nhiệt độ thích hợp, không dùng chung đồ cá nhân.

Những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu và chưa được phát triển một cách toàn diện. Vì thế, trẻ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhất là khi các bệnh truyền nhiễm như viêm đường hô hấp cấp, sởi, cúm A, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng… đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng (Bệnh viện Nhi Trung ương) lưu ý 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ dưới đây:

Virus Corona: Lây lan nhanh chóng cùng với số ca nhiễm bệnh và tử vong vượt đại dịch SARS. Trước mức độ nguy hiểm và sự lây lan của Covid-19, cha mẹ cần trang bị đầy đủ các kiến thức để bảo vệ gia đình và con trẻ. Người lớn hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người trong mùa dịch.

Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng. Đồng thời, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và sinh hoạt lành mạnh để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, nên đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bệnh lao: Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền qua đường hô hấp mà trẻ có thể mắc phải. Các dấu hiệu của bệnh lao thường giống với các bệnh hô hấp như cảm cúm, viêm hô hấp, cảm lạnh…

Vì thế người lớn cần đặc biệt chú ý đưa trẻ tới các phòng khám nhi gần nhất hoặc bệnh viện để thăm khám kịp thời. Bởi ở môi trường bên trong cơ thể, vi khuẩn lao sẽ tiếp tục phát triển và gây hại đến phổi, đường hô hấp và gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Bệnh bại liệt: Chủ yếu lây qua con đường tiêu hóa của con người. Ở trẻ, nếu mắc bại liệt sẽ thường có dấu hiệu sốt cao, buồn nôn, táo bón… Tuy nhiên, với những trẻ có sức đề kháng tốt thì có thể phục hồi trong thời gian ngắn. Nếu bị nặng có thể có nguy cơ mắc viêm màng não vô khuẩn, liệt chi, liệt cơ hô hấp gây tử vong.

Bệnh thủy đậu: Được xem là một trong những bệnh truyền nhiễm có tính lây lan rất cao với cả trẻ em và người lớn. Mặc dù được đánh giá là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không chữa trị và chăm sóc kịp thời sẽ để lại những biến chứng nặng nề như nhiễm trùng huyết, viêm gan, viêm não, viêm phổi và có nguy cơ gây nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ do HIB: Bệnh do vi khuẩn haemophilus typ B gây nên và thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh lây nhiễm này thường lây qua đường hô hấp để lại di chứng nặng nề như chứng thần kinh vĩnh viễn, gây tổn thương não, điếc, rối loạn tâm thần và tỷ lệ tử vong cao.

Bác sĩ Hằng còn cảnh báo những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ như bệnh cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết,… Trong đó, bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm hay gặp ở tất cả các mùa, nhưng đặc biệt là vào mùa Đông - Xuân khi thời tiết ẩm.

Cúm lây lan qua đường hô hấp, các giọt nước bọt bắn hay dịch tiết ở mũi họng do người bệnh hắt hơi, sổ mũi. Các triệu chứng của bệnh cần lưu ý như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, đau họng.

Bệnh tay chân miệng lây nhiễm do một loại nhiễm trùng do virus gây ra, thường xảy ra ở trẻ em và rất dễ lây lan thành dịch. Khi trẻ mắc bệnh thường có các biểu hiện như sốt, biếng ăn, nôn mửa, mệt mỏi. Căn bệnh này thường gặp vào mùa Hè.

Người lớn cũng cần lưu ý đến nhiễm khuẩn hô hấp cấp là bệnh nguy hiểm và rất dễ dẫn đến các ca bệnh nặng, đặc biệt là với trẻ em dưới 5 tuổi. Triệu chứng của bệnh thay đổi từ ho và cảm lạnh nhẹ, có thể kèm sốt hoặc không cho đến đau tai và thậm chí đến viêm phổi và nguy cơ tử vong cao.

Khi mắc bệnh, trẻ thường có các triệu chứng như sốt cao, ho, khó thở và thở nhanh. Trong một số trường hợp, khi trẻ hít vào, dưới lồng ngực lõm vào trong. Đây là dấu hiệu trẻ bị rút lõm lồng ngực, báo động viêm phổi nặng cần được đưa đi cấp cứu ngay.

Theo bác sĩ Hằng, hầu hết các bệnh truyền nhiễm chỉ có biến chứng nhỏ. Nhưng một số bệnh nhiễm trùng - chẳng hạn như viêm phổi, AIDS và viêm màng não có thể trở nên nguy hiểm đến tính mạng. Một số loại nhiễm trùng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư trong thời gian dài.

Các bệnh truyền nhiễm rất đa dạng, tuy không phải loại nào cũng nguy hiểm nhưng tất cả đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Vậy nên việc phòng tránh bệnh luôn là biện pháp tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.