Hủy chuyến, giảm giá vé kỷ lục
Theo Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, giảm 29,8%, khách nội địa đạt 5,7 triệu, giảm 0,7%.
Theo thống kê, trong tháng 2/2020, các hãng hàng không Việt vận chuyển 3,7 triệu khách, giảm 13,7% so với cùng kỳ tháng 2/2019. Riêng lượng khách quốc tế giảm tới 39,5%, chỉ còn 870 nghìn khách. Khách nội địa giảm nhẹ 0,7%, đạt 2,8 triệu khách.
Từ khi dịch Covid - 19 lan rộng ở Trung Quốc, các hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific và các hãng từ Trung Quốc đại lục mỗi ngày phải hủy 80 chuyến bay đi lại giữa 2 nước. Trong đó, riêng Vietnam Airlines phải hủy 1.000 chuyến bay tại thị trường Trung Quốc trong tháng 2 và mỗi tuần thiệt hại 200 - 250 tỷ đồng.
Lượng khách quốc tế của Vietnam Airlines đã giảm đến 50%, nội địa trên dưới 50%, khu vực Đông Bắc Á có thể giảm tới 80 - 100%... khi thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản... lao dốc mạnh.
Cùng với đó, trong tháng 2 các hãng hàng không: Vietnam Airlines, VietjetAir, Bamboo còn đồng loạt giảm giá vé kỷ lục chưa từng thấy trong nhiều năm gần đây. Cụ thể, giá vé máy bay hạng mức phổ thông của hãng Vietjet Air tuyến nội (Hà Nội đi TPHCM) có thời điểm giảm xuống chỉ còn 299 nghìn đồng. Giá vé của Bamboo Airway ở hạng mức phổ thông 399 nghìn đồng. Vietnam Airlines là 599 nghìn đồng.
Không chỉ vậy, các hãng hàng không Việt còn thiệt hại về chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ cũng như chi phí vệ sinh phòng dịch. Trong giai đoạn từ 30/1 - 6/2, cổ phiếu của hai hãng Vietnam Airlines và Vietjet Air đã mất giá mạnh, mỗi hãng khoảng 10.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường. Riêng Bamboo Airways, có khả quan hơn vì không có đường bay tới Trung Quốc đại lục.
Đáng chú ý, sau khi Hàn Quốc bùng phát dịch Covid - 19, nhu cầu đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã sụt giảm lên tới 80%. Các hãng hàng không Việt Nam đã tạm dừng khai thác đường bay tới Daegu, tâm dịch Covid - 19 của Hàn Quốc.
Với các đường bay khác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, việc dừng hay tiếp tục khai thác do các hãng hàng không Việt Nam tự quyết định phương án kinh doanh của mình.
Cục Hàng không Việt Nam đã dự kiến 3 kịch bản cho thị trường hàng không Việt Nam năm 2020 cho đến khi Trung Quốc công bố hết dịch. Thứ nhất, nếu dịch hết trong tháng 4, tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1,1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách.
Thứ hai, tháng 6/2020 hết dịch, tổng thị trường sẽ chỉ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%, lượng khách qua cảng đạt 111,6 triệu khách, giảm 4,2%. Trường hợp xấu nhất, nếu tháng 8 mới hết dịch, tổng thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách. Lượng khách qua cảng giảm 15,5%, còn 98,5 triệu khách.
Xin khoanh nợ vì không có thu
Theo thông báo của Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội thì từ ngày 24/2 sẽ tạm dừng chạy một số đôi tàu do vắng khách gồm: Đôi tàu SE35/36 tuyến Hà Nội - Vinh và ngược lại (chỉ còn chạy đôi tàu NA1/2); tàu SP1/2 tuyến Hà Nội - Lào Cai và ngược lại.
Dừng chạy hàng ngày đôi tàu YB3/4 tuyến Hà Nội - Yên Bái và ngược lại, chỉ duy trì chạy đôi tàu này vào ngày cuối tuần (từ Hà Nội đi vào thứ 7 và từ Yên Bái về vào Chủ nhật). Hành khách đã mua vé trên các tàu này sẽ được đổi hoặc hoàn trả vé theo yêu cầu.
Cùng cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng thông báo tạm dừng một số đôi tàu thường xuyên khai thác như dừng chạy tàu SQN1/2 tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn và ngược lại; tàu SPT1/2 tuyến Sài Gòn - Phan Thiết và ngược lại, chỉ chạy vào các ngày thứ 6, 7 và chủ nhật hằng tuần, đồng thời bỏ qua đón, trả khách tại ga Sóng Thần.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Đào Anh Tuấn cho biết, từ ngày bùng phát dịch Covid - 19 tới nay, khách đi tàu giảm khoảng 50% so với cùng kỳ, với hàng chục nghìn vé bị trả lại, các công ty lữ hành huỷ tua. Thiệt hại sơ bộ của đơn vị tới nay đã lên tới hơn 40 tỷ đồng.
Công ty đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành xem xét có chính sách hỗ trợ đường sắt như giảm phí hạ tầng, phí điều hành; các ngân hàng cho khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất và áp dụng các biện pháp để giảm chi phí quản trị vì không có thu.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho hay, việc dừng các tàu thường xuyên do vắng khách, khách trả vé nhiều, trong khi học sinh, sinh viên vẫn tiếp tục nghỉ học. Về thời gian tàu hoạt động trở lại đơn vị này cũng chưa thể tính trước do phụ thuộc vào lượng hành khách đi tàu.
Từ sau Tết Nguyên đán 2020, lượng vé bán ra của công ty giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán vé chỉ đạt 222,4 tỷ (giảm 11% so với cùng kỳ). Từ khi có thông tin dịch Covid - 19, hành khách đã trả lại hơn 26.000 vé. Dự kiến, doanh thu vận tải hành khách tháng 2 và tháng 3 của đơn vị này tiếp tục giảm 50% so với cùng kỳ, sản lượng vận tải hàng hoá giảm khoảng 30%.