Hận thù Noong Nhai - Đi lên từ nỗi đau ngày ấy...!

GD&TĐ - Tròn 70 năm, vết thương chiến tranh ở Noong Nhai (Điện Biên) vẫn còn buốt nhói. Gác lại đau thương, người dân nơi đây tập trung ổn định cuộc sống.

Khu vực Trại tập trung Noong Nhai xưa, xã Thanh Xương ngày nay đã “thay da đổi thịt”. (Ảnh: Hà Quân)
Khu vực Trại tập trung Noong Nhai xưa, xã Thanh Xương ngày nay đã “thay da đổi thịt”. (Ảnh: Hà Quân)

Ngoài ổn định cuộc sống, người dân nơi đây cũng tập trung phát triển kinh tế, nên những bản làng của xã Thanh Xương ngày càng trù phú, dần hình thành đô thị mới trên mảnh đất lịch sử.

Buổi chiều đau thương

Nắng chiều rọi qua những hàng cây, rặng tre tô thêm dáng vẻ thanh bình cho bản làng Noong Nhai (Thanh Xương, Điện Biên). Yên ả là thế, nhưng 70 năm trước, nơi đây tràn ngập đau thương. Người dân bị dồn vào ở trong trại tập trung, nheo nhóc, đói khổ. Rồi từ trên trời, bom đạn của giặc Pháp trút xuống... Đau thương buốt nhói!

Theo thống kê, cuộc tàn sát của máy bay Pháp đã giết chết 444 người ở Trại tập trung Noong Nhai, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Nhiều gia đình không còn một ai sống sót, hàng trăm người bị thương, nhiều người tàn phế suốt đời.

Bức tượng người phụ nữ dân tộc Thái bế trên tay đứa con nhỏ đã chết do bom giặc, trong nỗi đau khôn cùng tại Di tích Trại tập trung Noong Nhai, mãi là chứng tích nhắc nhớ về tội ác của quân xâm lược để các thế hệ sau luôn trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập tự do...

Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Lai Châu (bao gồm Lai Châu và Điện Biên bây giờ) được giải phóng. Người dân chỉ được sống trong chế độ mới vừa tròn một năm, thì ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ. Khi ấy, ông Lò Văn Hặc (bản Noong Nhai) mới tròn 14 tuổi. Ông Hặc rất hoang mang, sợ hãi trước cảnh tượng lạ lùng - mấy chục chiếc máy bay tạo âm thanh ầm ĩ, lũ lượt chở theo những kẻ xa lạ nhảy “từ trên trời xuống”, tràn vào bản làng.

Ông Hặc kể: “Hôm ấy, bố mẹ tôi đi làm không ở nhà. Thấy rợp trời là dù với người nhảy xuống, mà không biết chuyện gì xảy ra. Có tiếng hô hoán: “Lính Pháp đấy! Lính Pháp đấy!”, lúc ấy, tôi sợ quá, vội vàng cõng, dắt hai đứa em chạy lên nhà đóng cửa lại, trốn trong ấy”.

Ngày ấy, 60 chiếc Dakota cất cánh thành từng tốp, bay thành đoàn dài chừng 10km, thả gần 3.000 lính dù xuống lòng chảo Mường Thanh, chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Chỉ trong vòng 10 ngày, Pháp đã thả thêm hàng ngàn chiếc dù với đủ loại vũ khí phương tiện, cung cấp cho chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng còn ngang nhiên dỡ nhà, cướp bóc, giết người.

Bức tượng người mẹ dân tộc Thái bế trên tay đứa con thơ đã chết vì bom giặc trong nỗi đau khôn cùng là biểu tượng của Khu tưởng niệm. (Ảnh: Hà Thuận)
Bức tượng người mẹ dân tộc Thái bế trên tay đứa con thơ đã chết vì bom giặc trong nỗi đau khôn cùng là biểu tượng của Khu tưởng niệm. (Ảnh: Hà Thuận)

Nhiều bà con bản địa hoảng sợ chạy lánh sang Lào, một số chạy vào vùng giải phóng của ta. Phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già bị quân Pháp dồn vào 4 trại tập trung: Noong Bua, Pa Luống, Co Mỵ và Noong Nhai, đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các đồn binh.

Trại tập trung Noong Nhai gồm người dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống do đồn Hồng Cúm phụ trách (kéo dài từ bản Pom La đến bản Noong Nhai, xã Thanh Xương ngày nay). Toàn bộ trại nằm trong phạm vi chưa đầy 10ha và có tới trên 3.000 dân. Chỗ ở của dân là những lán trại bằng tre nứa, lợp rơm rạ với không gian chật hẹp.

Bởi vậy mà người dân khổ cực, thiếu cái ăn, cái mặc, thuốc thang và trở thành bia đỡ đạn cho lính Pháp, phải lao động khổ cực. Đàn ông, thanh thiếu niên bị bắt đi dỡ nhà, chặt cây, xây dựng hầm hào, đồn bốt. Cảnh sống lầm than, li tán, bất lực…

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ 2 của quân ta, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp rơi vào thế bị bao vây, nguy cơ bị tiêu diệt đã cận kề. Trong cơn tuyệt vọng, những kẻ xâm lược càng trở nên vô nhân tính.

Đầu giờ chiều ngày 25/4/1954, người dân trong Trại tập trung Noong Nhai đang có mặt để cùng tiễn đưa một người thân xấu số thì 4 máy bay của thực dân Pháp từ hướng Nam tới, bất ngờ dội bom sát thương và napan nhằm thẳng đám đông.

Ông Lò Văn Hặc - nhân chứng vụ ném bom thảm sát Noong Nhai hồi tưởng ký ức đau thương. (Ảnh: Hà Quân)

Ông Lò Văn Hặc - nhân chứng vụ ném bom thảm sát Noong Nhai hồi tưởng ký ức đau thương. (Ảnh: Hà Quân)

“Nghe tiếng ầm ầm, rồi khói mù mịt, không thấy xung quanh. Đến lúc nhìn rõ thì phía ấy bao nhiêu người chết, người cháy, người quằn quại trong vết thương. Lúc ấy, những người còn sống sợ hãi co ro, người thì chạy nhốn nháo tìm thân nhân. May mắn gia đình tôi có em trai lúc ấy đang đi tắm ở sông Nậm Rốm gần đó chỉ bị thương ở chân và người bác bị thương ở vai”, ông Lò Văn Hặc đau xót nhớ lại.

Xung quanh lửa cháy ngùn ngụt, khói bom đen kịt trùm lên khắp khu. Những người sống sót chạy hỗn loạn. Xác chết nằm ngổn ngang, nhiều người bị bom napan cháy sém không còn nhận ra hình dạng. Mãi đến tối đêm, mọi người mới dám ra thu dọn, chôn người chết…

Hành động phi nhân tính ấy làm lòng căm thù giặc của quân và dân ta càng thêm dâng cao, tiếp sức mạnh, quyết tâm đánh đuổi thực dân bằng chiến thắng vang dội vào chiều 7/5/1954, chưa đầy 2 tuần sau đó.

Bởi những mất mát ấy, khi nhà lưu niệm trưng bày chứng tích về cuộc thảm sát được xây dựng, người dân đã gọi với cái tên dân dã “Hận thù Noong Nhai”. Công trình được khánh thành năm 1964 thì năm 1965 bị máy bay Mĩ ném bom phá hủy. Đến năm 1984, khu tưởng niệm mới được xây dựng lại ngay tại khu vực bản Noong Nhai.

Ông Lò Văn Bun, xã Thanh Xương phát triển mô hình nuôi dê liên kết. (Ảnh: Hà Quân)

Ông Lò Văn Bun, xã Thanh Xương phát triển mô hình nuôi dê liên kết. (Ảnh: Hà Quân)

Gác đau thương, ươm mầm “trái ngọt”

Noong Nhai theo tiếng đồng bào bản địa nghĩa là “ao lở”. Ao lở có thể đắp lại nhưng mất mát, tang tóc đã xảy ra tại Trại tập trung Noong Nhai thì không gì có thể lấp đầy.

Nhưng không thể sống mãi trong ký ức đau thương, người dân nơi đây đã gác lại, ấp ươm những “trái ngọt”, dựng xây cuộc sống mới, đưa mảnh đất năm xưa trở nên trù phú.

Sau những ngày u ám, bản Noong Nhai cũ, nơi xảy ra cuộc thảm sát được chuyển gần ra ngoài đường giao thông, là vị trí bản Noong Nhai 1 bây giờ. Với sự giúp đỡ của bộ đội, người dân dựng lại nhà cửa, bắt tay vào cải tạo ruộng nương, trồng trọt, chăn nuôi. Trẻ em và thanh thiếu niên lần đầu ra lớp học chữ. Cuộc sống hồi sinh, vết thương chiến tranh dần se lại.

Đến năm 1978, hầu hết các hộ dân, đặc biệt là người lớn tuổi trong bản nghe theo chủ trương di giãn dân của Nhà nước, chuyển vào vùng đất bằng phẳng phía trong, cách hơn 1km, lập nên bản mới Noong Nhai 2. Qua nhiều năm nỗ lực, cố gắng, hơn 200 hộ dân của cả hai bản giờ đây đều có cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Giờ đây, bản làng Noong Nhai 2 thanh bình, không gian thoáng đãng, trong lành với những hàng cây xanh cao, vườn rau, ao cá rộng mướt tầm mắt.

Ông Quàng Văn Ơn, Bí thư Chi bộ bản Noong Nhai 2 cho biết: “Bản hiện có 101 hộ, 100% đồng bào dân tộc Thái. Từ năm 2022, bản không còn hộ nghèo, cận nghèo. Nhà ở đều được kiên cố. Chúng tôi đang đề nghị cấp trên xem xét công nhận Noong Nhai 2 là bản nông thôn mới kiểu mẫu”.

Ông Ơn tự hào chia sẻ thêm, bà con trong bản vẫn làm kinh tế chính từ nông nghiệp, nhưng từ lâu đã chú trọng việc học hành nên nhiều con cháu là công chức, viên chức, giữ các vị trí quan trọng trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hiện, Chi bộ bản có 26 Đảng viên và 25 Đảng viên sinh hoạt nơi cư trú.

Là người may mắn sống sót sau trận ném bom của giặc Pháp, chứng kiến Noong Nhai chuyển mình, ông Lò Văn Hặc, hiện sống tại bản Noong Nhai 2, vui mừng chia sẻ: “Bản làng thay đổi nhiều quá. Nhà nào cũng đẹp, khang trang, đường bê tông đến tận ngõ, chạm cửa từng nhà. Người dân phấn khởi, vui tươi, vừa tập trung làm ăn vừa thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh”.

Trại tập trung Noong Nhai năm xưa kéo dài từ bản Bom La đến bản Noong Nhai giờ đây là trung tâm xã. Quốc lộ 279 huyết mạch chạy qua, một bên là cánh đồng Mường Thanh ngút ngàn, một bên là khu đô thị mới, khu dân cư ngày một sầm uất. Người dân kinh doanh, buôn bán 2 bên đường ngày càng nhộn nhịp.

Từ 5 - 6 bản đồng bào dân tộc bản địa, mỗi bản chỉ có vài hộ đến hơn chục hộ dân, giờ đây Thanh Xương trải rộng gần 1.900ha, với 26 thôn, bản, hơn 2.000 hộ dân. Xã Thanh Xương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 và đang trên đường về đích nông thôn mới nâng cao với 17/19 tiêu chí đạt, 2/19 tiêu chí cơ bản đạt.

Dẫn chúng tôi đi tham quan bản làng, ông Quàng Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thanh Xương đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội cho Nhân dân, đặc biệt đối với hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, hộ nghèo giảm từng năm, đời sống nhân dân thay đổi tích cực. Hiện, toàn xã chỉ còn 18 hộ nghèo đa chiều, tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 99,9%. Thu nhập bình quân năm 2023 là 51,5 triệu đồng/người”.

Để có được ngày hôm nay, cùng với sự trợ lực từ Đảng, Nhà nước, là sự đoàn kết, cần cù, tự lực đi lên của nhân dân Thanh Xương. Bà con đồng lòng cơ cấu lại sản xuất, cùng nhau làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Gia đình ông Lò Văn Bun ở đội 6 là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã.

Ông Bun cùng bà con tích cực tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tế sản xuất với các mô hình lúa cấy, trồng khoai tây, chăn nuôi.

Đặc biệt, hiện ông Bun đang triển khai nuôi dê liên kết với doanh nghiệp từ Vĩnh Phúc.

Đổi thay mọi mặt nhưng không quên quá khứ. Khu tưởng niệm Trại tập trung Noong Nhai vẫn sừng sững với năm tháng.

Cán bộ, Nhân dân, học sinh xã nhà thường xuyên chăm chút, thắp hương, quét dọn cho khuôn viên sạch đẹp. Nơi đây cũng đón không ít khách tới tham quan, tưởng nhớ.

Từ nỗi đau đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Xương càng trân trọng hòa bình, độc lập, cùng nỗ lực không ngừng để xây dựng bản làng ngày thêm ấm no...

“Thanh Xương tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, theo định hướng quy hoạch, chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 lên thị trấn, trở thành đô thị loại V”, ông Quàng Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.