Theo phụ huynh của học sinh, lý do con em họ bị chuyển lớp là vì gia đình đề nghị hiệu trưởng thay giáo viên chủ nhiệm. Phụ huynh cho rằng, thầy giáo chủ nhiệm đã có những lời lẽ xúc phạm đến học sinh. Trước đó, thầy giáo này cũng bị phản ánh là đã “ép” học sinh học thêm trái quy định.
Lâu nay, chúng ta vẫn thường nói “tất cả vì học sinh thân yêu”. Song ở câu chuyện trên, nhiều người cho rằng, cả phụ huynh và nhà trường đã không biết “đóng cửa bảo nhau” nên để câu chuyện bị đẩy đi xa. Không bàn đến chuyện đúng sai hay thua thiệt nhưng người bị tổn thương nhiều nhất chính là học sinh đó.
Mặc dù, phía Bộ GD&ĐT đã có ý kiến đề nghị Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Phòng GD&ĐT Hậu Lộc chỉ đạo hiệu trưởng nhà trường (nơi xảy sự việc) kiểm tra, xác minh sự việc và báo cáo về Bộ, nhưng dù kết quả như thế nào đi chăng nữa thì vô hình trung, chính người lớn đã đẩy con trẻ vào tình thế khó xử. Điều đó không đáng và không nên chút nào.
Hiện tại, em học sinh nói trên đã trở lại lớp học cũ. Tới đây, khi có kết luận chính thức về trách nhiệm của các bên liên quan và những sai phạm (nếu có) được làm sáng tỏ liệu rằng những ấm ức của các bên có được giải tỏa? Bên thắng có thể sẽ hài lòng, còn bên thua chắc hẳn sẽ còn nhiều điều muốn nói. Song, điều mà nhiều người băn khoăn và tiếc nuối là: Mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình; giáo viên với phụ huynh liệu có còn được như xưa? Suy cho cùng người chịu thiệt vẫn là HS.
Từ câu chuyện trên cho thấy, sự cần thiết thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học, mà ở đó thầy cô và phụ huynh phải là tấm gương về văn hóa học đường. Nhắc đến đây, nhiều người cho rằng, rất cần có những buổi đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh để cùng nhau bàn thảo các giải pháp giáo dục và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoặc những xung đột (nếu có).
Thực tế đã chứng minh, sự thống nhất giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội sẽ bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục đạt hiệu quả tốt hơn. Chúng ta đã có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình. Song đó chỉ là cơ sở, là kim chỉ nam để nhà trường và gia đình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Mục đích cuối cùng vẫn là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên để cùng nhau giáo dục con cái.
Không văn bản nào có thể quy định hết thực tiễn sinh động. Mà chính từ thực tiễn sinh động sẽ là chất xúc tác để nhà trường và gia đình gắn kết với nhau hơn. Sự gắn kết ấy cần được thực hiện một cách mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả chứ không phải là những văn bản hành chính. Hơn bao giờ hết, nó phải trở thành mắt xích quan trọng, không thể thiếu trong mối quan hệ ba bên: Nhà trường - Gia đình - Xã hội.