Thoạt nghe, đã thấy ngay đó là lời xin lỗi miễn cưỡng, kiểu như ừ thì xin lỗi, cho nó xong. Càng đáng trách hơn, khi ông Nguyễn Văn Tốn còn thờ ơ bảo rằng, “tôi chỉ là tổng giám đốc làm thuê”, nên tới đây, Viwasupco sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm.
Chưa cần nói đến đúng sai trong sự cố ô nhiễm nước tại Viwasupco khiến biết bao người dân sống trong hoang mang, âu lo vì đã phải dùng nước ô nhiễm. Chỉ cần xét đến thái độ, việc trả lời chất vấn của các phóng viên tại buổi giao ban chiều 15/10 cũng thấy khó chấp nhận được. Đó là sự thờ ơ, bàng quan, vô cảm, thiếu trách nhiệm và không dám nhận trách nhiệm của vị “tổng giám đốc làm thuê”.
Càng đáng trách hơn nữa khi biết rằng, sự cố được phát hiện từ sớm, nhưng công ty lại âm thầm khắc phục và vẫn cho tiếp tục sản xuất, xử lý nguồn ô nhiễm và cung cấp nước cho người dân như không hề có chuyện gì xảy ra. Và chỉ đến khi người dân phản ánh, báo chí – truyền thông lên tiếng thì mọi việc mới vỡ lở. Và chính ông Tốn cũng thừa nhận rằng, “thâm tâm của tôi 80% là dừng cấp nước. Tại vì nghĩ có thể chất lượng nước có vấn đề”.
Trời đất, không có vấn đề sao được, khi nguồn nước bị ô nhiễm dầu khá nặng, trong khi việc khắc phục không thể triệt để. Không có vấn đề sao được, khi chính ông nói rằng “đặt sức khỏe người dân, chất lượng nước lên trên hết” mà thâm tâm đã “đánh thức” 80% rồi mà vẫn tiếp tục cấp nước cho hàng nghìn người dân trên địa bàn các quận, huyện của Thủ đô là: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì, Hoài Đức…
Rõ ràng, việc biết chất lượng nước có vấn đề mà vẫn tiến hành sản xuất, cung cấp nước như bình thường cho người dân là không thể chấp nhận được. Đáng nói hơn, Nhà máy nước Sông Đà đã 21 lần vỡ đường ống nước, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của những khách hàng mua nước của nhà máy, nhưng thái độ ứng xử với “thượng đế” của đơn vị cung cấp nước sạch này vẫn hết sức thiếu chuyên nghiệp, không cầu thị, thậm chí vô cảm, coi thường sức khỏe người dân.
“Vâng! Xin lỗi”, dù muộn cả ở buổi họp báo, cả từ khi sự việc vỡ lở, thì cũng còn là một lời xin lỗi có thể chấp nhận được. Rộng ra, không chỉ riêng từ phía Viwasupco, chính quyền địa phương cũng khá chậm trễ trong những ứng xử với người dân. Mà cũng không chỉ qua vụ ô nhiễm nước sạch, vào cuối tháng 8/2019, việc ô nhiễm sau khi cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông có trụ sở tại phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục, nhất là trong việc thông tin kịp thời tới người dân để những sự cố ô nhiễm không ảnh hưởng tới người dân vùng bị ảnh hưởng…
Rõ ràng, đó là những điều rất cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc, thậm chí phải cần đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Để không còn những lời miễn cưỡng, gượng ép “Vâng! Xin lỗi” được thốt ra.