Sau một tuần người dân các quận phía Nam Hà Nội phát hiện ra nước máy có mùi lạ, thì chính quyền thành phố mới chính thức đưa ra khuyến cáo không nên dùng nước này cho sinh hoạt. Cả tuần qua trên mạng tràn ngập những nỗi lo, nỗi hoang mang, bực bội, giờ lại một lần nữa người dân bất bình.
“Một khuyến cáo vô cảm thế này ư?” - một người bạn của tôi thốt lên. Quả thực là quá muộn khi các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân về nguồn nước ô nhiễm. Ít nhất, ngay khi sự cố xảy ra thì các bên liên quan cũng nên lên tiếng. Bài học Rạng Đông vẫn còn đó, thông tin đến dân thế nào cho kịp thời, đúng đắn để bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân, ổn định xã hội, đừng để người dân mất lòng tin vì hoang mang lo sợ.
Trong sự việc này đáng trách nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Cán bộ của công ty phát hiện việc nước đầu nguồn bị đổ trộm hàng tấn chất dầu thải từ sáng 8/8 nhưng đã không có bất kỳ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội. Họ tự vớt dầu loang, nhưng việc xử lý không triệt để dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước và tự xử lý bằng cách tăng lượng clo cho bay mùi, tự kiểm nghiệm và tự cho rằng nước đó đã an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng.
An toàn thế nào mà người dân vẫn phải sử dụng nước có mùi nồng nặc? Mà thành phố vẫn xét nghiệm ra có những tiêu chuẩn không nằm trong ngưỡng an toàn? Liệu nhà máy có đủ năng lực để chắc chắn rằng, các xét nghiệm của họ tìm ra được mọi nguy cơ, chất độc, mầm bệnh có thể đã nhiễm vào nguồn nước? Biết mà dửng dưng, vẫn cung cấp nước chưa được xử lý sạch cho hơn 120.000 hộ dân với hàng triệu người dùng nước ở Hà Nội. Bưng bít thông tin để trốn tránh trách nhiệm của mình, mặc kệ an toàn của người khác, điều đó thậm chí có thể coi là một tội ác.
Một câu hỏi nữa là việc hàng tấn dầu thải bị đổ vào nguồn nước. Chưa nói đến sự cẩu thả của thủ phạm và vấn đề là tại sao không có sự bảo vệ nào với nước đầu nguồn? Nếu chất gây ô nhiễm không phải là dầu thải, mà là hóa chất độc và cực độc, là một âm mưu phá hoại cố ý, chưa nói đến mức độ ảnh hưởng trên diện rộng như đang diễn ra thì viễn cảnh đó cũng quá đáng sợ. Rõ ràng, quy trình cấp nước, xử lý nước của Viwasupco đang rất nhiều kẽ hở.
Một vụ nước rửa máy chạy thận bị nhiễm bẩn đã cướp đi 9 mạng người - tiếc thay cũng diễn ra ở Hòa Bình. Nước máy cấp cho dân không phải trường hợp đặc biệt như thế, nhưng cũng là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, an ninh an toàn xã hội.
Luật pháp đã quy định rõ những hành vi bị cấm trong cấp nước, từ việc phá hoại trang thiết bị, vi phạm khu vực an toàn nguồn nước ngầm, nước mặt, đến việc cung cấp thông tin không trung thực cho khách hàng, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, việc phát tán chất độc hại...
Như vậy, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan và phải xử lý nghiêm. Một lần là quá đủ, đừng để sự cố lặp lại một lần nữa, như việc đường ống nước Sông Đà đã vỡ tận 21 lần, mà đơn vị chịu trách nhiệm lại cũng chính là Viwasupco.
Bình luận