Hàn Quốc: Vin cớ Covid-19, né nỗi phiền Seollal

GD&TĐ - Nhắc đến Tết Nguyên đán, khoảng 60% dân số Hàn Quốc liền… đổ bệnh. Họ luôn duy trì truyền thống “về quê ăn Tết”, nhưng cũng ước ao “giá được chơi Tết một mình”.

Covid-19 khiến tụ họp từ 5 người trở lên thành vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch.
Covid-19 khiến tụ họp từ 5 người trở lên thành vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch.

Tiếng Hàn Quốc gọi Tết Nguyên đán là Seollal. Năm 2022, dưới tác động tiêu cực của đợt bùng phát Covid-19 hậu nới lỏng giãn cách sớm, Hàn Quốc lại phải đón Seollal trong bối cảnh nhiều hạn chế.

Muôn nỗi sợ Tết

Với người Hàn Quốc, điều quan trọng nhất trong Seollal là truyền thống đoàn tụ gia đình. Vào ngày Tết, con cháu dù ở đâu cũng có nghĩa vụ về nhà cha mẹ, ông bà chúc mừng năm mới.

Lee Yeon Ju (42 tuổi) định cư ở Seoul. Thường lệ, cô phải cùng chồng con dành 2 ngày mùng 1, 2/1 âm lịch để ăn Tết tại nhà cha mẹ chồng ở Gangneung, tỉnh Gangwon. Năm nào cũng vậy, cứ giáp Seollal là Ju lại u uất tới mất ngủ. Cô ngán ngẩm hành trình lái xe kéo dài 5 – 6 giờ và khiếp sợ 48 giờ không lúc nào ngơi tay.

“Đối với tôi, Tết Nguyên đán không phải kỳ nghỉ mà là đợt tăng ca tàn khốc nhất”, Ju phàn nàn. Ngay sau giây chào hỏi cha mẹ chồng, cô liền thấy mình đã trong nhà bếp, tất bật rán bánh kếp chuẩn bị mâm cúng đầu năm.

Min Seong Hui (37 tuổi) thì khốn khổ bởi “già đến nơi còn chưa có chồng”. Mỗi năm, cô đều ước gì được ở yên một mình.

Ngoài ra, Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc còn đi liền với một số lệ siêu tốn kém, áp lực nhất là quà cáp cho cha mẹ và tiền tiêu 3 ngày lễ. Nó khiến 80% công nhân viên cảm thấy là gánh nặng, 40% không muốn về quê.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều người Hàn Quốc (đặc biệt là tuổi trẻ độc thân) không về quê ăn Tết. Họ tránh các buổi họp mặt họ hàng, chỉ dành một chút thời gian cho cha mẹ rồi dùng toàn bộ kỳ nghỉ cho bản thân. Nhiều người còn tranh thủ du lịch nước ngoài, giúp các hãng hàng không gia tăng chuyến bay.

Trước Covid-19, giới trẻ Hàn Quốc từng hình thành xu hướng “đón Seollal một mình”. Vài người bỏ luôn các hoạt động vui chơi truyền thống, leo núi hết Tết. Họ giải thích vì ngày thường, các ngọn núi và đường sá Hàn Quốc quá đông đúc, phá hủy sự tĩnh lặng và khung cảnh hoang dã tự nhiên nhất của thiên nhiên.

Covid-19 thành cớ

Hàn Quốc cho phép các set quà tặng ngày Tết có trị giá cao.
Hàn Quốc cho phép các set quà tặng ngày Tết có trị giá cao.

Tất nhiên, xã hội Hàn Quốc không khen ngợi các ý tưởng, hành vi phá lệ Seollal. Từ nhiều thập kỷ trước, nông thôn Hàn Quốc đã chỉ toàn người già. Nguyên nhân do tiến trình đô thị hóa và nhịp sống kinh tế. Giới trẻ Hàn Quốc sau khi rời quê lên phố cũng lập gia đình và định cư nơi thị thành. Vì công việc và nhiều lý do, họ ít có thời gian về quê.

Người già Hàn Quốc chỉ có 2 dịp trong năm được con cháu quây quần, Seollal và Chuseok (Tết Trung thu). Một mặt, Seollal duy trì truyền thống hiếu kính và mặt khác, nó an ủi, động viên các lão niên. Vì thế mà dù sợ Seollal, người Hàn Quốc không có suy nghĩ từ bỏ Tết cổ truyền.

Nào ngờ, Covid-19 lại tạo cơ hội. Dưới quy định cấm tụ họp đông người, Ju không phải lo đầu tắt mặt tối phục vụ cỗ Tết, Hui không cần sợ họp mặt họ hàng. Những người thích “Tết một mình” chỉ việc lấy cớ Covid-19, cô đơn thỏa thích.

Theo kết quả từ một cuộc thăm dò năm 2021, 3/4 cư dân Seoul tuyên bố không có ý định về quê hoặc đi du lịch xa trong các kỳ nghỉ dài, bao gồm Seollal. Họ muốn ở yên tại chỗ, hạn chế tối đa nguy cơ bị nhiễm virus Corona.

Không quá tệ

Seollal là cơ hội để người Hàn Quốc về quê thăm cha mẹ, ông bà.
Seollal là cơ hội để người Hàn Quốc về quê thăm cha mẹ, ông bà.

Có thể nói, Covid-19 thay đổi bộ mặt Seollal. Nếu trước đây, tháng trước Tết là cuộc chiến đặt vé phương tiện di chuyển thì bây giờ, nó biến thành cuộc chiến đặt quà. Từ các cửa hàng bán lẻ địa phương đến siêu thị thương mại Hàn Quốc đều bận rộn đóng gói và gửi.

Thay vì về quê ăn Tết, người Hàn Quốc gói ghém tình cảm yêu thương qua các loại quà tặng. Đa phần chúng bao gồm các mặt hàng thiết thực, thuộc thực phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Các nhà bán hàng khuyến mãi gửi kèm thiệp hoặc băng rôn ghi lời chúc Tết.

Đạo luật Kim Young Ran Hàn Quốc quy định, cấm tặng quà trên 30 nghìn won (khoảng 580 nghìn đồng). Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, quy định này được nới lỏng. Cho dù là các quan chức nhà nước cũng được phép nhận “set” quà nông phẩm trị giá trên 200 nghìn won (khoảng 3,9 triệu đồng).

Tổng kết Seollal năm 2021, lượng tiêu thụ set quà tặng Tết tăng 20% so với năm 2020. Tại nhiều cửa hàng, các set quà tặng trị giá từ 1 triệu won (tương đương 19,4 triệu đồng) trở lên còn tăng đến 30%.

Nhiều siêu thị thượng lưu mạnh tay tung set sản phẩm cao cấp, ví dụ như thịt bò Hàn Quốc đóng gói giá 1,7 triệu won (khoảng 32,9 triệu đồng) kèm chai rượu 39 triệu won (khoảng 756 triệu đồng).

Mặc dù, không thể tụ họp đông, người Hàn Quốc thoải mái “đoàn viên online” không giới hạn. Trẻ em vẫn được mừng tuổi bằng tiền, nhưng là qua điện thoại hoặc thẻ quà điện tử…

Qua 2 năm Seollal chung với Covid-19, xã hội Hàn Quốc cũng quen và chấp nhận “chỉ chung vui trong khả năng có thể”. Trải qua các hạn chế, họ vừa nhận ra các giá trị Tết truyền thống quý báu thế nào, vừa phát hiện cách dung hòa, trân trọng và bảo vệ Tết Nguyên đán ngày một tốt hơn.

Theo Koreatimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ