Các chuyên gia giáo dục Hàn Quốc cho rằng nước này gần như là quốc gia duy nhất trên thế giới không có chương trình giáo dục thể dục cho học sinh những năm đầu tiểu học.
Tại Hàn Quốc, chương trình giáo dục phổ thông không tổ chức dạy thể dục cho học sinh lớp 1 và lớp 2, những năm đầu tiểu học. Các em sẽ học môn Tích hợp gồm thể dục, âm nhạc và nghệ thuật nhưng thời lượng cho thể dục không nhiều. Trẻ em ít có cơ hội trau dồi các kỹ năng thể dục cơ bản.
Tình trạng này đã diễn ra trong hơn 40 năm. Các chuyên gia giáo dục nhận định, Hàn Quốc gần như là quốc gia duy nhất trên thế giới không có chương trình thể dục độc lập cho học sinh lớp 1, 2.
Theo “Nghiên cứu so sánh quốc tế về chương trình giảng dạy theo chủ đề ở trường tiểu học và trung học” do Viện Đánh giá và Giáo trình Hàn Quốc (KICE) thực hiện vào năm 2018, môn học Thể dục được đưa vào từ chương trình lớp 3. Trong khi các quốc gia như Nhật Bản, Phần Lan, Pháp, Australia... dạy Thể dục từ khi trẻ em vào tiểu học.
Jeong Hyeon-woo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Thể thao Hàn Quốc, phân tích: “Gần như không quốc gia nào dạy tích hợp thể dục với các môn học khác cho học sinh đầu cấp tiểu học. Các trường có thể tích hợp thể dục và các môn học sức khoẻ, dinh dưỡng nhưng không thể gắn liền với âm nhạc, nghệ thuật”.
Theo ông Hyeon-woo lý giải, nội dung kiến thức của giáo dục thể chất và âm nhạc, nghệ thuật là hoàn toàn khác nhau. Do thời lượng học bị hạn chế, học sinh không còn “mặn mà” với thể dục còn chất lượng dạy môn này bị giảm.
Chuyên gia lấy ví dụ ở Nhật Bản, học sinh học những kiến thức cơ bản về các môn thể thao khác nhau như điền kinh, bơi lội, võ thuật... từ những năm đầu cấp tiểu học. Sau đó, các em được chọn một môn thể thao yêu thích để rèn luyện trong suốt năm học.
Trong khi đó, Phần Lan có một hệ thống thể dục thể thao, trong đó bơi lội và các môn thể thao dưới nước được dạy từ tiểu học. Lên cấp cao hơn, các em học cách cứu hộ cứu nạn dưới nước.
Còn tại Hàn Quốc, nhiều giáo viên tiểu học bày tỏ tiếc nuối khi Thể dục không được chú trọng ở lớp 1, 2.
Cô Lim, giáo viên tiểu học 32 tuổi sống tại tỉnh Bắc Jeolla, cho biết: “Nội dung kiến thức lẫn cách thức triển khai môn tích hợp rất khác với môn độc lập. Ở môn độc lập, giáo viên giàu chuyên môn có thể giới thiệu nhiều kiến thức mới với các đồ dùng dạy học phong phú. Nhưng trong môn tích hợp, những điều này bị hạn chế”.
Tương tự, cô Choi, giáo viên chủ nhiệm một lớp 2 tại tỉnh Bắc Chungcheong, đánh giá, không có giáo viên chuyên môn Thể dục tạo nên gánh nặng lớn cho giáo viên chủ nhiệm. Vì thông thường, các môn học tích hợp do giáo viên chủ nhiệm đứng lớp nhưng thầy cô không nắm vững kiến thức chuyên môn.
Từ tình trạng trên, Viện Khoa học Thể thao Hàn Quốc đang đề xuất Chính phủ Hàn Quốc xây dựng môn Thể dục độc lập cho học sinh đầu cấp, tránh để xảy ra tình trạng “gián đoạn thể dục”.
“Hàn Quốc nên bắt đầu xây dựng chương trình giáo dục thể chất có hệ thống từ các lớp đầu cấp tiểu học. Hệ thống giáo dục công lập cũng cần quan tâm hơn nữa cho giáo dục thể chất”, đại diện Viện Khoa học Thể thao Hàn Quốc kiến nghị.